Tây Nguyên đang bước vào cao điểm mùa khô, nhu cầu sử dụng nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp tăng cao. Nhằm ứng phó với khô hạn, các nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah, Buôn Kuốp, Sêrêpốk 3 của Công ty Thủy điện Buôn Kuốp đang chủ động thực hiện những giải pháp điều tiết nước hợp lý.
Bảo đảm nguồn nước cho vùng hạ du
Nhà máy Thủy điện Buôn Tua Srah nằm trên sông Krông Nô, giữa 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, với công suất 80 MW. Nhà máy không chỉ cung cấp nguồn điện bền vững cho hệ thống điện quốc gia mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, cắt lũ vào mùa mưa và bảo đảm nguồn nước cho vùng hạ du vào mùa khô.
Hiện nay, 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông đang vào thời kỳ cao điểm khô hạn, nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp tại các địa phương ngày càng cao. Hồ thủy điện Buôn Tua Srah, công trình lớn nhất ở khu vực thượng nguồn sông Krông Nô, đang giữ vai trò điều tiết nguồn nước hết sức quan trọng cho vùng hạ du của tỉnh Đắk Nông và tỉnh Đắk Lắk.
Ông Nguyễn Đức, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp, cho biết ngay từ đầu năm 2025, công ty đã chủ động tích nước hồ đạt đến cao trình thiết kế. Bên cạnh đó, tình hình thủy văn trong 3 tháng đầu năm nay cho thấy lưu lượng nước về hồ cao hơn trung bình nhiều năm và cao hơn cùng kỳ năm 2024.

Hồ chứa nước Nhà máy Thủy điện Buôn Tua Srah có vai trò quan trọng trong việc điều tiết nước cho vùng hạ du của 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông
Hiện mực nước hồ được duy trì ở cao trình 480,7 m, tương ứng trên 300 triệu m3, cao hơn năm trước khoảng 4 m, tương đương 140 triệu m3. Với sự chủ động tính toán của công ty, hồ chứa thủy điện Buôn Tua Srah sẽ đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân vùng hạ du trong mùa khô hạn.

Việc điều tiết nước phù hợp từ nhà máy thủy điện giúp các trạm bơm dọc sông đủ nguồn nước phục vụ sản xuất
"Chúng tôi đã làm việc với các địa phương từ sớm để xây dựng phương án điều tiết nước phù hợp cho từng giai đoạn. Hiện Nhà máy Thủy điện Buôn Tua Srah đang vận hành theo đúng quy trình liên hồ chứa, thực hiện cam kết xả nước theo kế hoạch được phê duyệt và yêu cầu thực tế tại địa phương. Mùa khô năm nay, hồ bảo đảm nguồn nước cho các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân" - ông Nguyễn Đức khẳng định.

Hồ chứa nước Nhà máy Thủy điện Buôn Kuốp (nằm dưới nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah điều tiết nước theo quy trình vận hành liên hồ chứa
Ứng phó hạn hán, bảo vệ sản xuất
Ông Trần Văn Tuấn (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) cho biết gia đình có 1 ha lúa nước và 1,5 ha trồng cà phê, hồ tiêu. Nhiều tháng nay trên địa bàn nắng nóng gay gắt nên nhu cầu về nguồn nước tưới rất lớn. Đến thời điểm này, các trạm dọc sông vẫn bơm nước đều đặn nên cây trồng đang phát triển tốt.
Theo UBND huyện Krông Nô, mỗi vụ đông xuân hằng năm, toàn huyện xuống giống khoảng 4.500 - 5.000 ha cây trồng. Còn tính tổng diện tích cây trồng có nhu cầu tưới nước toàn huyện lên đến hơn 20.000 ha. Việc bảo đảm đủ nước tưới là yếu tố then chốt để sản xuất đạt hiệu quả.
Theo số liệu từ Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Krông Nô, từ đầu tháng 4 đến nay, mực nước tại 15 công trình thủy lợi trên địa bàn đã xuống thấp hơn mực tràn từ 3 - 8 m. Các suối nhỏ, khe cạn gần như khô hoàn toàn. Trong số 6 đập dâng thì có tới 4 đập đang cạn kiệt nguồn nước.

Những cánh đồng lúa vùng hạ du của hồ chứa nước Nhà máy Thủy điện Buôn Tua Srah phát triển tốt do bảo đảm nguồn nước
Theo ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Krông Nô, mặc dù tình trạng nắng nóng kéo dài, khô hạn xuất hiện sớm nhưng nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và đơn vị vận hành thủy điện, tình hình cung cấp nước vẫn được kiểm soát tốt. Nguồn nước xả từ các thủy điện vẫn đang cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người dân. Mỗi năm, huyện đều phối hợp với các nhà máy thủy điện để xây dựng phương án điều tiết nước sát thực tế, ưu tiên phục vụ nông nghiệp và sinh hoạt cho người dân vùng hạ du.
Hiện nay, huyện Krông Nô và Công ty Thủy điện Buôn Kuốp đang phối hợp chặt chẽ với các xã ven sông để triển khai phương án lấy nước theo từng thời điểm và khu vực. Dọc sông Krông Nô, 15 trạm bơm đã được đưa vào khai thác hiệu quả. Huyện cũng đã phân chia lịch bơm tưới cụ thể theo từng xã, từng cụm trạm, nhằm tận dụng tối đa lượng nước xả từ các hồ chứa, đồng thời tiết kiệm, chống thất thoát và nâng cao hiệu quả sử dụng nước.
"Để các trạm bơm duy trì hoạt động, phát huy hiệu quả, huyện tiếp tục làm việc với Công ty Thủy điện Buôn Kuốp về kế hoạch xả nước hồ chứa thủy điện Buôn Tua Srah phục vụ cấp nước sinh hoạt, canh tác nông nghiệp trong thời gian còn lại của mùa cạn năm 2025" - ông Doãn Gia Lộc cho biết thêm.

Cán bộ kỹ thuật của Công ty Thủy điện Buôn Kuốp vận hành điều tiết nước
Bảo đảm nguồn nước trong dịp lễ
Công ty Thủy điện Buôn Kuốp và Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Krông Nô vừa có buổi làm việc về kế hoạch xả nước hồ chứa thủy điện Buôn Tua Srah phục vụ cấp nước sinh hoạt, canh tác nông nghiệp trong các dịp lễ 30-4 và 1-5.
Tại buổi làm việc, hai bên đã thống nhất hằng ngày Nhà máy Thủy điện Buôn Tua Srah duy trì tối thiểu một tổ máy chạy công suất tối đa (khoảng 90 m3/giây, tùy thuộc mực nước hồ) cho đến khi tổng lưu lượng xả trung bình ngày bảo đảm theo quy định tại quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Sêrêpốk của Thủ tướng Chính phủ.
Hằng ngày, bắt đầu từ khoảng 15 giờ, Nhà máy Thủy điện Buôn Tua Srah sẽ xả nước liên tục cho đến khi bảo đảm lưu lượng trung bình ngày.
Để phối hợp xác định nhu cầu và sử dụng nước một cách hiệu quả, các bên thống nhất Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Krông Nô tiếp tục là đơn vị đầu mối phối hợp. Khi đơn vị liên quan có nhu cầu khai thác, sử dụng nước khác với kế hoạch thì phản ánh đến đơn vị đầu mối, có văn bản đề nghị để Công ty Thủy điện Buôn Kuốp báo cáo đến Công ty Vận hành Hệ thống điện và Thị trường điện quốc gia nhằm khai thác tổ máy phát điện xả nước theo nhu cầu.
Thông số vận hành các hồ chứa được Công ty Thủy điện Buôn Kuốp cập nhật trực tuyến tại địa chỉ https://buonkuop.vn:2016/pclb/quantrac.aspx. Do đó, Công ty Thủy điện Buôn Kuốp đề nghị địa phương truy cập thông tin và phổ biến đến người dân, đồng thời có kế hoạch khai thác nguồn nước hiệu quả.