Anh Ng., phụ giữ xe ăn công ở bãi xe chợ Ông Hoàng, vợ bán chè đậu. Hai vợ chồng thu nhập chỉ hơn 200.000 đồng một ngày.

Hôm bà chị vợ Việt kiều Mỹ ghé thăm. Nói chuyện một lúc, bà chị phải đi vệ sinh, vừa bước vô nhà tắm bà chị vợ giật mình hỏi:
– Chà dầu gội, xà bông thiệt hay giả mà đủ thứ vậy mấy đứa?
Đúng là có bước vô nhà tắm nhỏ và không được sạch của gia đình anh Ng. mới thấy nhà tắm gia đình này giống như cái quầy hàng hoá mỹ phẩm, chưa kể các thứ xà bông, sữa tắm, kem đánh răng, keo xịt tóc, chỉ riêng mặt hàng dầu gội đầu thôi đã thấy chóng mặt. Nào là: X. dầu gội của anh Ng., R. của thằng con trai học lớp 9, D. của chị Ng., C. của đứa con gái học lớp 11.
Chị vợ anh nói:
– Thấy vợ chồng em làm ăn khá chị mừng.
Anh Ng. vội phân bua:
– Vợ tui nó học đòi làm sang chơi toàn đồ góp, trả thấy mẹ chị ơi.
Vợ anh Ng. cãi:
– Mua trả góp cũng một giá như mua tiền mặt, xài thoải mái sướng thấy mồ mà ông còn than!
Đồ góp không phải trả tiền lãi
Ở những chợ nhỏ trên khắp Sài Gòn đang tồn tại một thị trường bán đồ trả góp.
Không như trước đây, người mua đồ gia dụng trả góp phải chịu trả thêm một khoản tiền lời cho người bán, thì ngày nay người mua chỉ trả góp món đồ đúng giá bán lẻ. Sướng hơn nữa là họ có quyền thương lượng số tiền phải trả góp mỗi ngày cho chủ hàng.
Tất nhiên những hàng trả góp loại này phải là hàng tiêu dùng có giá trị thấp. Chúng tôi hỏi một bà bán thịt heo ở chợ Phú Định:
– Thịt cũng bán góp được sao chị?
Chị nói:
– Trước đây đâu có chuyện này, tui bán lấy tiền liền không hà, còn giờ thì rau, cá, trái cây, bánh kẹo tết người ta còn bán góp, không cho góp ế chịu sao nổi. Ở chợ này nếu là người quen, có uy tín cái gì cũng mua góp được hết.
Chúng tôi không tin. Chị chỉ sạp vải và quần áo may sẵn khá khang trang phía đối diện nói:
– Tui mà chịu qua đó mua đồ góp một cái,
có mà mặc tới chết cũng không hết cậu ơi.
Bà bán tàu hũ ngồi cạnh quầy thịt nói chen vào:
– Tôi mới mua đôi dép kiểu cho nhỏ con gái, mỗi ngày góp 1.000, 20 ngày là hết.
Thị trường bán đồ góp không lời ở các chợ nhỏ rất đa dạng và sức quyến rũ của nó thì thật vô chừng. Khi tìm hiểu thì chúng tôi được biết cả người bán người mua không ai là không góp và chính nhờ chuyện có mua bán góp mà mãi lực ở các chợ luôn tăng trưởng.
Một bà nội trợ nghèo cầm 20.000 đi chợ nhưng thực tế số đồ hàng trong giỏ mang về nhà đôi khi có trị giá cả trăm ngàn đồng. Ai thấy mà chẳng ham! Nhưng cũng có người thích giữ nề nếp, sợ mang công mắc nợ nên có ý phê phán: “Ham chi, mấy bả nợ ngập đầu mà chảnh!”
Đồ góp giá cao
Ông Chín, chạy xe ba bánh Trung Quốc ở chợ Phú Lâm, có người em cũng dân xe ba gác vừa mới chết vì bệnh xơ gan. Nhà tuy nghèo nhưng ông Chín chỉ cần đánh tiếng là có người đến tận nhà dắt đi mua hòm và đồ hậu sự trả góp, tiền lãi 10% một tháng. Ông Chín nói: “Biết là lời cao lại còn phải mang ơn họ, nhưng nghèo phải chịu chứ sao”.
Bà T., bán bún thịt nướng ở chợ Phan Văn Trị tuổi ngoài 50, nhưng nhờ nước da mới tẩy trắng nên “hồi xuân” phơi phới. Bà nói với khách ăn bún: “Tháng sau tôi thôi chuyện góp áo quần, mỹ phẩm, kỳ này chịu lời cao góp cái máy lạnh”.
Thị trường bán đồ với lãi suất cao vốn xưa nay tồn tại ở các khu lao động như một vấn nạn. Ở một chợ thuộc quận 6, ai cũng biết chuyện bà L. bán đồ góp. Khách hàng mua đồ góp của bà L. mỗi người phải có một cuốn sổ, mỗi lần góp phải đem theo đối chiếu với cuốn sổ cái của bà, khách hàng nào lỡ làm mất sổ bà bắt phải đóng tiền góp lại từ đầu.
Vậy mà những con nợ của bà cứ ùn ùn tới mua đồ góp. Một người dân ở chợ này kể: “Tết nào bả cũng hốt, dân nghèo chịu chơi cứ nhào vô bả mua đủ thứ về tha hồ ăn tết. Từ sáng mùng 6 là thè lưỡi trả suốt năm”.
Hiện nay ở Sài Gòn, quanh các khu phố lao động và những vùng ven tập trung dân nhập cư đã hình thành một giới chủ bán đồ trả góp có lãi theo phương thức mới. Họ có máu mặt và có quan hệ tay trong với một số cửa hàng lớn bán đồ tiêu dùng cao cấp.
Khi khách có yêu cầu họ đích thân dẫn tới cửa hàng, khách tha hồ chọn lựa, sau đó cứ chở về nhà mà xài, tiền bạc để họ lo. Khách mua hàng còn có quyền thương lượng số tiền và số ngày trả góp, chỉ trừ tỷ lệ lãi là khách mua bắt buộc phải trả theo đòi hỏi của họ.
Bán hàng trả góp theo phương thức này dân chủ hàng có hai đầu lời, lời từ món hàng giá sỉ và tiền lãi khách phải góp. Còn người mua thì ngoài việc tậu được món hàng “xịn” chắc còn được thêm cái vẻ mặt hãnh tiến trước bà con chòm xóm rằng: Bất cứ thứ đồ tiêu dùng cao cấp gì nhà họ có thì nhà ta cũng có.
Đừng tưởng nhà ta nghèo, lầm chết!