Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 9 tháng đầu năm 2016, Việt Nam xuất khẩu gạo sang Trung Quốc 1,35 triệu tấn (cùng kỳ gần 1,76 triệu tấn), kim ngạch 613,8 triệu USD, giảm 23% về khối lượng và giảm 13,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Cuối tháng 9 vừa qua, phía Trung Quốc đã công nhận 8 công ty khử trùng của Việt Nam được xử lý gạo xuất khẩu cho nước này để tháo gỡ về kỹ thuật. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ nhìn chung vẫn thấp, chỉ mới cải thiện do Trung Quốc bắt đầu mua gạo trở lại theo con đường tiểu ngạch trong mấy ngày qua. Đây là kênh tiêu thụ lúa gạo cho bà con nhưng không được được thống kê do xuất khẩu qua đường phi chính thức.

Gạo Việt ngày càng yếu thế trên thương trường Ảnh: Ngọc Trinh
Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 10 năm 2016 ước đạt 368.000 tấn với giá trị đạt 164 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 10 tháng đầu năm 2016 ước đạt 4,2 triệu tấn và 1,9 tỉ USD, giảm 21,2% về khối lượng và giảm 16,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Các thị trường xuất khẩu tăng so với cùng kỳ gồm có: Gana, 9 tháng đầu năm 2016 đạt 387,7 nghìn tấn và 189,6 triệu USD, tăng 41,8% về khối lượng và tăng 36,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015; Indonesia – thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ 4 của Việt Nam chiếm 8,2% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 359,4 nghìn tấn và 142,5 triệu USD, tăng gấp 21,5 lần về khối lượng và gấp 22,5 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Thị trường Angola tăng gấp 4,4 lần về khối lượng và gấp 3,5 lần về giá trị.
Với thị trường Philippines, Cơ quan Lương thực nước này đã cấp phép cho các doanh nghiệp nước này nhập khẩu 293.100 tấn gạo từ Việt Nam để đảm bảo nhu cầu lương thực cho mùa giáp hạt năm 2017. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước thúc đẩy tình hình tiêu thụ lúa gạo đang khó khăn hiện nay.