Chiều cuối năm, Trần Hoàng Sơn vẫn đang rất bận rộn với những đơn hàng xuất khẩu hạt điều sang Đài Loan với số lượng lớn nhất từ trước đến nay. Sự phấn khởi thể hiện trên gương mặt của một người trẻ làm chúng tôi vui lây.
Nặng nợ với hạt điều
Bắt đầu câu chuyện, Sơn đưa cho chúng tôi xem 2 sản phẩm chủ lực mà công ty anh đang bán chạy nhất trên thị trường nội địa cũng như xuất khẩu gồm: hạt điều rang muối và mứt chuối phồng nhân hạt điều, sản phẩm tung ra thị trường ngay trong dịp Tết 2015. Sản phẩm mang thương hiệu Bà Tư Bình Phước.
Nhìn trên vỏ hộp hạt điều Sơn cầm trên tay với dòng chữ “Tinh túy từ tâm - câu chuyện hạt điều Bà Tư” có lẽ ai nhìn thấy cũng phải tò mò. Rồi câu chuyện qua lời kể từ năm 1987 của bà Tư (Nguyễn Thị Thảo), mẹ của Sơn, đã đưa người ăn hạt điều như đang khám phá một loại hạt rất ngon và đầy thú vị.
Trong câu chuyện, Sơn kể về việc gia đình bà Tư phải dẫn nhau đi đến Bù Gia Mập để tìm kế sinh nhai và phát hiện ra sự thơm ngon, bùi béo của hạt điều. Bà Tư vẫn luôn ghi lời cha dạy rằng “con hãy giữ gìn cái tinh túy của loại hạt này, biết đâu về sau con có cơ hội được sống vì nó con ạ”. Tuy nhiên, câu chuyện hạt điều đến đời mẹ Sơn, bà Tư cũng chỉ dừng lại ở việc thu mua hạt điều, không ai nghĩ sẽ phải gắn bó với công việc rang xay vừa tốn nhiều thời gian và công sức, nhất là việc phải kiếm đầu ra cho sản phẩm vốn kén người ăn vì giá không hề rẻ này.
Sơn cho biết từ thời sinh viên anh đã nuôi mộng trở thành một doanh nhân thành đạt. Những nhân vật điển hình như Nguyễn Lâm Viên (Vinamit), Đặng Lê Nguyên Vũ (Cà phê Trung Nguyên); Lý Quý Trung (Phở 24);… đã “ám ảnh” Sơn trong từng buổi học, qua những câu chuyện với các bạn sinh viên trong nhà trọ và cả trong giấc ngủ. Chính vì vậy mà dù gia đình có định hướng theo ngành khai thác dầu khí ngay lúc vừa tốt nghiệp khoa Quản trị Kinh doanh – Trường Đại học Kinh tế TPHCM thì Sơn vẫn không cảm thấy hạnh phúc.
Một ngày cuối năm 2008, Sơn quyết tâm từ bỏ công việc, trở về Bình Phước phụ mẹ và chị gái thu mua hạt điều mùa Tết. Một lần đi giao hàng cho xưởng rang hạt điều ở Bình Dương, mùi thơm béo ngậy của hạt điều xộc vào mũi đã khiến Sơn nghĩ “tại sao mình không làm hạt điều rang muối, không thay đổi vận mệnh cho vườn hạt điều mà gia đình đã tần tảo sớm hôm chăm trồng”. Đem ý tưởng về nói với mẹ và chị gái, cả hai đều không phản đối nhưng cũng không dám tin rằng Sơn sẽ thành công.
Xác định phải học cách rang hạt điều đầu tiên nên cứ mỗi lần đi giao hạt điều phụ mẹ là Sơn đi thẳng vào lò rang dò hỏi, mỗi lần một ít. Cuối cùng Sơn năn nỉ chị gái để dành vài chục ký hạt điều tươi để rang thử. Lần đầu thất bại. Hạt điều khô, không tróc vỏ. Lần sau thì khét, khi thì thiếu muối, khi thì dư.
Thất bại Sơn không buồn, chỉ lo mẹ và chị gái xót ruột. Lần cuối cùng, trước khi thành công, Sơn rút ra kinh nghiệm từ một câu nửa vời của bà chủ lò có giọng Huế đặc sệt rằng “ 7 phần muối 3 phần điều,…”. Ngay lập tức Sơn đã chạy một mạch về nhà làm lại lần nữa. Hạt điều ngon, thơm, béo và giòn rụm… Lúc đó Sơn đã thấy như mình đã đi được một nửa đoạn đường.
Khi người trẻ vươn lên
Nhưng thành công với thợ rang hạt điều chỉ là bước đầu. Sản phẩm làm ra tiêu thụ ở đâu, cho ai mới là điều quan trọng đối với Sơn lúc đó. Một mình xách xe máy đi xuống Chợ Lớn – TP HCM chào hàng, dò hỏi mãi Sơn được một chủ sạp ở chợ Bình Tây (quận 6) hứa miệng rằng “Nếu hàng đúng chất lượng, đúng giá như hàng mẫu, tôi sẽ mua 100kg”. Ôm lời hứa chạy về nhà, trong đầu Sơn đã vẽ sẵn một “bản đồ” công việc mà Sơn sẽ phải làm sắp tới.
Với vườn điều sẵn có, Sơn xin mẹ đem thế chấp mảnh đất ở Vũng Tàu mà gia đình mua sẵn cho anh để sau này an cư để vay… 40 triệu đồng. Kết quả thành công của vụ điều năm 2009 như bàn đạp giúp Sơn mạnh dạn hơn và vận động chị gái tham gia thành lập công ty. Năm 2010, Công ty Gia Bảo chính thức thành lập nhưng chỉ quy mô nhỏ.
Để có nơi tiêu thụ, Sơn đi khắp các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, TP HCM để chào hàng. “Sản phẩm ngon nhưng làm ra bị ế. Làm 100kg chỉ bán được 50kg. Lúc đó tôi thật sự buồn nhưng không hề nản chí”- Sơn tâm sự.
Sản phẩm hạt điều rang muối của gia đình Sơn đưa ra thị trường lúc đó không nhãn mác nên giá bán không cao, chấp nhận làm gia công để duy trì sản xuất. Mất 2 năm Sơn mới tìm được hướng đi và sản phẩm hạt điều rang muối mang thương hiệu Bà Tư Bình Phước ra đời. Sơn không ngừng tham gia các hội chợ triển lãm để quảng bá sản phẩm, lên mạng tìm hiểu thông tin, đối tác và tranh thủ mọi cơ hội khi có. Đặc biệt, sự thành công hiện nay của Sơn có một phần đáng kể của các doanh nhân nổi tiếng, những người mà Sơn thần tượng như Nguyễn Lâm Viên (Vinamit), Phạm Đình Nguyên (Phin Deli).
Muốn hạt điều Bình Phước vươn xa
Chia sẻ về bí quyết thành công, Sơn cho rằng trong kinh doanh ai cũng đều đặt chữ tín lên hàng đầu, nói đi đôi với làm và điều cốt yếu vẫn là sự quyết tâm, kiên định theo đuổi ước mơ đến cùng. Ngoài ra, với anh, những gì có được hôm nay mới chỉ là thành quả ban đầu, Sơn vẫn cần sự giúp đỡ, góp sức nhiệt tình từ gia đình, bạn bè và mọi người để có thể yên tâm bước tiếp con đường mình đã chọn.
Những ngày giáp Tết, cả xưởng của Công ty Gia Bảo lúc nào cũng đông đúc, nhộn nhịp suốt 24/24 để kịp giao hàng cho khách. Sơn nói: “Chưa bao giờ thị trường hạt điều hút hàng như thế. Chúng tôi vừa phải gấp rút lo nguyên liệu đầu vào, vừa làm hàng đi nước ngoài cho đúng tiến độ”. Sơn cho biết thị trường Đài Loan, Trung Quốc tuy vừa mở rộng nhưng khách hàng đã rất yêu thích sản phẩm nên kỳ vọng thời gian tới sản lượng xuất khẩu sẽ tăng cao. Đồng thời Sơn cũng đang đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, đưa hàng sang một số nước khác trong khu vực…
Sản phẩm hạt điều rang muối của Công ty Gia Bảo đã được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh năm 2014 do Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước trao tặng và được Bộ Y tế trao chứng nhận là sản phẩm vì sức khỏe người Việt do người tiêu dùng bình chọn.