Nghề đánh bắt mực đã có từ lâu ở huyện đảo Kiên Hải với nhiều loại phương tiện khai thác khá đa dạng như đánh bằng ánh sáng đèn, bóng mực, câu mực và cả dùng võ ốc đánh bắt bạch tuộc…
Đồ nghề câu mực rất đơn giản chỉ gồm cần câu bằng tre, bộ lưỡi câu chùm, dây gân và miếng mồi làm bằng cao su có sơn nhiều màu sắc rực rỡ để dụ mực.
Ban đầu nơi đây có vài chục thuyền câu mực, đến nay huyện đảo phát triển lên đến 300 tàu thuyền chuyên câu mực. Lợi thế của nghề câu mực là đánh bắt được quanh năm và cả ngày lẫn đêm. Ban ngày câu mực bầu, mực lá, còn ban đêm thì đánh mực ống, mực thước, mực nang
Ông Trương Hữu Mười, với hơn 30 năm trong nghề câu mực, sống ở ấp Bải Ngự, xã An Sơn – Kiên Hải (Kiên Giang), cho biết: Gia đình có 3 người đều sống bằng nghề câu mực bình quân mỗi đêm câu 30-40 kg mực tươi, bán giá từ 90.000 -120.000 đồng/kg (tùy theo mực lớn nhỏ)
Theo ông Mười, mùa câu mực trúng nhất từ tháng 4 đến tháng 7. Bình quân mỗi đêm gia đình 3 người của ông có thể kiếm từ 2,5-3,5 triệu đồng. Còn mùa thất cũng kiếm 1-1,5 triệu đồng/đêm.
Phương tiện cho nghề câu mực hầu hết là tàu thuyền loại nhỏ có công suất từ 20-30 mã lực. Điểm mạnh của nghề này là chi phí cho sản xuất rất thấp và đơn giản; với giàn câu và mồi giả khoảng vài trăm ngàn đồng các thợ câu có thể sử dụng trong suốt cả tháng mới thay đổi giàn câu mới khác.
Từ đầu năm đến nay là mùa vụ của nghề đánh mực, ngư dân đã khai thác tốt lợi thế này và hầu hết các tàu thuyền đều trúng mùa, chỉ riêng nghề câu mực mỗi ngày cấp cho huyện đảo khoảng 10 -20 tấn mực tươi đáp ứng đủ nguồn thực phẩm tươi sống và chế biến xuất khẩu.
Theo Phòng Nông-Ngư-Lâm nghiệp huyện Kiên Hải, nghề câu mực của địa phương trong thời gian gần đây phát triển đúng hướng, bởi đây là nghề truyền thống, nhẹ vốn đầu tư, hiệu quả cao, gắn với bảo vệ nguồn lợi hải sản và giữ sạch môi trường biển. Đồng thời, nghề này cũng góp phần vực dậy cho một bộ phận ngư dân nghèo có việc làm ổn định với thu nhập khá.
Nghề đánh bắt bạch tuộc bằng vỏ ốc cũng phát triển rất mạnh
Bên cạnh đó, nghề đánh bắt bạch tuộc bằng vỏ ốc cũng phát triển rất mạnh và cho thu nhập khá. Anh Lê Văn Tánh ở xã Nam Du – Kiên Hải có gần 8km lưới vỏ ốc để đánh bạch tuộc quanh năm trên biển. Năm vừa rồi, anh Tánh kiếm gần 1 tỉ đồng sau khi trừ hết các chi phí.
Bạch tuột được đánh bắt mỗi đêm
Sau khi đánh bắt, mực được đóng thùng ướp đá để đưa vào đất liền tiêu thụ. Đặc biệt, mực nơi đây rất tươi ngon và ngọt.
Thông thường các ngư dân đánh bắt mực và bạch tuộc khi mang vào bờ được các thương lái thu mua tại chỗ nên đầu ra rất yên tâm.
Khô mực được bán ở các tỉnh ĐBSCL và TP HCM
Mực phơi một nắng bán giá 160.000 -170.000 đồng/kg, còn mực phơi khô giá từ 320.000 -350.000 đồng/kg, còn bán tại đất liền như TP Cần Thơ hay TP HCM giá từ 500.000 -550.000 đồng/kg.