Con đường vào thôn Mỹ Giang, xã Ninh Phước trải đầy những thảm rong mơ đang được phơi khô bởi những người phụ nữ dầm mình dưới nắng. Đến hẹn lại lên, cứ tháng tư âm lịch về là bắt đầu một mùa mơ, và dân làng chài chia nhau mỗi người một việc, đem mơ đi đổi gạo.
“Năm nay trúng mùa mơ, cách đây 10 ngày chỉ cần vớt chứ không cần lặn cũng có mơ đem về” - chị Nguyễn Thị Chàm, một thương lái ở thôn Mỹ Giang nói và chỉ tay về hòn đảo Ven, nơi những chuyến rong mơ đang về tấp nập.
Chị Chàm cho biết giá mỗi kg rong mơ tươi hiện nay khoảng 4.00-5.00 đồng, 1 kg rong mơ khô khoảng 5,5-6 nghìn đồng. Mỗi ngày chị Chàm mua về khoảng 15 tấn mơ tươi, thuê khoảng 10 chị em phơi với thù lao 100-150 nghìn đồng/ngày/người, trừ chi phí vận chuyển khoảng 100 nghìn/tấn và các chi phí khác, mỗi ngày chị có thể lãi đến 1 triệu đồng.
Nhưng chẳng có công việc nào dễ dàng, năm ngoái, do bị thương lái Trung Quốc ép giá, rong mơ khô chỉ bán được 3.000-4.000 đồng/kg. “Đã có thời người ta làm giàu nhờ rong mơ, cách đây 3-4 năm 1 kg rong khô giá đến 10 nghìn đồng”, chị Chàm nói và nhìn lên bầu trời nắng: “lỡ ông trời ổng mưa một trận là nước mặn trong rong bị rửa trôi hết, không đạt yêu cầu, nhẹ hều, lỗ nặng”.
Gần 10 năm nay, nhờ rong mơ mà nhiều phụ nữ ở làng chài nghèo này có thêm thu nhập. Bà Nguyễn Thị Dung ngồi phơi mơ dưới cái nắng khắc nghiệt, bảo rằng chồng bà có đi biển nhưng toàn “dzìa không”, rong mơ là nguồn thu nhập chính của gia đình bà.
Trước đây, đàn ông mỗi lần ra biển đều phải dọn dẹp rong mơ để khỏi bám vào chân vịt của tàu. Nhưng giờ các anh có thêm nghề mới là ra biển vớt, lặn cắt rong mơ. Thường thì các tàu khai thác rong mơ xuất bến từ sáng sớm, đến trưa hoặc chiều, khi nào khai thác đủ rong mơ thì về, chia nhau mỗi thợ lặn khoảng 200 nghìn/ngày.
Trên chiếc cầu nối phần đất liền thôn Mỹ Giang với đảo Ven, mỗi ngày có hàng chục tàu khai thác rong mơ quy tập. Mỗi khi tàu cập bến trên bờ lại râm ran những tiếng “mơ dzìa, mơ dzìa”.
Mùa rong mơ thường bắt đầu vào tháng 4 và kết thúc vào tháng 8, sau đó đàn ông làm nghề rong mơ lại ra khơi để đánh cá, tôm.
Ông Phan Phùng, Chủ tịch Hội nông dân xã Ninh Phước, cho biết toàn xã có khoảng 700 người làm nghề khai thác rong mơ. Năm nay, rong mơ được mùa hơn các năm trước. Trên đất liền, các loài hoa màu đều bị mất mùa do nắng hạn nên số lượng người khai thác rong mơ cũng nhiều hơn năm ngoái. Rong mơ đã mang lại thu nhập đáng kể cho bà con.

Phụ nữ thôn Mỹ Giang phơi mơ. Ảnh: L.P

Thu nhập cho mỗi giờ phơi rong mơ là 15 nghìn đồng. Ảnh: L.P

Chàng trai 21 tuổi này đẩy rong mơ kiếm 300 nghìn đồng mỗi ngày. Ảnh: L.P

Một người đàn ông lặn hái rong mơ bằng thuyền thúng. Ảnh: L.P

Rong mơ về bến. Ảnh: L.P