Tuy vậy lượng hàng tồn kho vẫn còn nhiều và chưa có hướng giải quyết triệt để thì nguồn cung căn hộ lại có dấu hiệu gia tăng khiến người người lo ngại.
Phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hoàng Châu- Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (Horea) về một số vấn đề của thị trường bất động sản TP trong năm 2014.
Phóng Viên: Theo số liệu mà Horea vừa công bố, tồn kho bất động sản của TP đã giảm đáng kể nhưng lượng hàng vẫn còn nhiều. Ông có thể lý giải thêm về điều này?
Ông Lê Hoàng Châu: Trong tổng số 14.490 căn hộ tồn kho vào cuối năm 2012, đến nay đã giải quyết được 8.208 căn (tương đương 56,64%). Trong đó, 11 tháng của năm 2014 giải quyết được 3.131 căn.
Những căn hộ tồn kho còn lại chủ yếu là các căn hộ có diện tích lớn hơn 70m2, các căn hộ ở những dự án có vị trí không thuận lợi, chưa hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật hoặc dự án xây dựng chậm tiến độ. Những căn hộ có diện tích lớn chiếm 25% trong dự án mà chủ đầu tư buộc phải áp dụng theo quy định cũ. Tuy nhiên, người có thu nhập cao lại không mua những căn hộ loại này vì không thích vào ở với người có thu nhập trung bình. Còn người thu nhập thấp thì không đủ khả năng mua nên các dự án này rất khó bán.
Mặc dù Chính phủ đã cho chia nhỏ căn hộ nhưng TP HCM còn khá dè dặt vì không muốn gây áp lực lên hạ tầng… nên thủ tục xin chuyển đổi, chia nhỏ căn hộ còn khó khăn. Nếu giải quyết vấn đề này sớm trong năm 2015 thì lượng căn hộ tồn kho sẽ tiếp tục giảm đi đáng kể.
Phóng viên: Còn với các dự án ngưng triển khai hoặc chậm tiến độ thì sao, thưa ông?
Ông Lê Hoàng Châu: TP hiện có khoảng 1.403 dự án phát triển nhà ở, trong đó có 426 dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng (chiếm 30,36%), 201 dự án đang triển khai (chiếm 14,32%), 689 dự án đang ngưng triển khai đầu tư xây dựng (chiếm 49,1%), 85 dự án đã bị thu hồi hoặc hủy bỏ chủ trương đầu tư (chiếm 6,05%). Nguyên nhân chậm triển khai, đình trệ thì có nhiều. Một phần trong số đó là do các doanh nghiệp gặp khó khăn, thiếu vốn. Hoặc một số dự án còn vướng chính sách. Tuy nhiên, theo tôi hiện nay doanh nghiệp đứng trước nhiều thách thức.
Tổng cầu và sức mua của nền kinh tế còn yếu. Vì vậy, thị trường cần nhiều yếu tố hợp thành, nên trước hết doanh nghiệp phải nỗ lực tái cấu trúc thường xuyên. Cơ cấu lại đầu tư, cơ cấu sản phẩm. Quyết định dự án nào hợp tác, bán một phần hay bán toàn bộ, thậm chí nên bán lỗ. Bởi ông bà ta có câu “thà bán lỗ còn hơn vay lời”. Tôi đã biết có doanh nghiệp thậm chí chấp nhận bán lỗ 50%-70% nhưng họ đã thoát khỏi tình trạng “ăn vào vốn” và đã bắt đầu lại.
Phóng viên: Thời điểm cuối năm, hàng chục doanh nghiệp tung ra sản phẩm mới, không khí mua bán, giao dịch khá nhộn nhịp. Ông có lo ngại thị trường sẽ thừa cung như trước?
Ông Lê Hoàng Châu: Tôi cho rằng nguồn cung không lo. Với phân khúc căn hộ giá trung bình thì người tiêu dùng đang rất cần. Chủ yếu là giá bán nào, vị trí ra sao và chủ đầu tư là ai. Còn với căn hộ cao cấp hơn thì tôi cho rằng các doanh nghiệp đã tính toán rất kỹ, họ đặt chữ tâm lên hàng đầu và đã không còn mạo hiểm đẩy giá lên cao để kiếm siêu lợi nhuận như trước nữa. Tôi biết một số doanh nghiệp chỉ thu lợi nhuận 6% cho các dự án, một con số rất hợp lý trong giai đoạn này.
Còn về nguồn cung, thực tế ở phân khúc cao cấp, tôi cho rằng chỉ vài dự án đặc thù thì có nguồn cung lớn nhưng chắc chắn chủ đầu tư đã tính toán kỹ thời điểm “tung hàng” chứ không dám phiêu lưu như trước đây nữa. Ở khía cạnh thị trường, nếu nguồn cung nhiều sẽ có lợi cho người tiêu dùng, giá cả chắc chắn sẽ cạnh tranh hơn...
Xin cảm ơn ông!