Mua hàng online ở những nơi không được quản lý cũng tương tự như mua bán hàng rong ở vỉa hè, tuy tiện nhưng luôn ẩn chứa rủi ro về hàng kém chất lượng cũng như không có hậu mãi.
Phân biệt các dạng mua hàng online
Mua sắm online đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Tuy nhiên, sự tiện lợi của "chợ mạng" cũng đi kèm với nhiều rủi ro, nhất là từ các hình thức bán hàng phi chính thức.
Mua hàng online - đặc biệt là hình thức mua hàng qua các mạng xã hội hay hội nhóm cộng đồng phát triển mạnh mẽ ở giai đoạn COVID-19, khi việc mua hàng trực tiếp gặp nhiều khó khăn do giãn cách xã hội.

Phiên mega live trên TikTok Shop tại Hội chợ Hàng Việt Nam xuất khẩu,đưa hàng tiêu chuẩn xuất khẩu đến người tiêu dùng Việt
Nhờ sự tiện lợi, phương thức mua sắm này đã phát huy tốt vai trò trong đại dịch và đến nay vẫn tiếp tục được duy trì. Tuy nhiên, trong bối cảnh tiêu dùng mới, người tiêu dùng cần nhận biết một số hệ lụy đi kèm với các hình thức mua sắm này.
Anh Nguyễn Hoàng là tín đồ của một thương hiệu thời trang thể thao từ Pháp nên khi thấy Facebook chạy quảng cáo (nhãn được tài trợ) nhiều sản phẩm từ thương hiệu này với giá rẻ hơn hẳn cửa hàng anh hay mua, anh định bấm vào mua.
Tuy nhiên, một lúc sau bỗng thấy nghi ngờ nên anh chụp lại màn hình, nhắn hỏi nhân viên chăm sóc khách hàng của hãng mà trước giờ anh vẫn trao đổi. Kết quả, nhân viên của hãng khẳng định đây là Fanpage giả mạo và cho biết Fanpage chính thức (có tích xanh) của hãng thường xuyên đăng tải các cảnh báo nhưng không xuể.
Thực tế hiện nay, chỉ cần người dùng tìm kiếm từ khóa nào, lập tức nền tảng sẽ hiển thị hàng loạt các tài khoản kinh doanh sản phẩm đó. Do đúng với nhu cầu, nên người mua thường bị "thao túng tâm lý" và chốt đơn nhanh chóng với nhãn hàng thông qua tin nhắn.
Nếu gặp được nhà bán hàng uy tín, sẽ không có vấn đề gì xảy ra nhưng thực tế các giao dịch "inbox" này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro do không có bên thứ 3 làm trọng tài. Đó là tình huống yêu cầu khách hàng trả tiền trước hoặc đặt cọc nhưng sau đó không giao hàng, chặn tài khoản.
Trường hợp giao hàng thành công nhưng sản phẩm không đúng mô tả, người tiêu dùng có thể sẽ gặp khó khăn trong việc yêu cầu quyền lợi hoặc hoàn lại tiền.
Khi sự cố phát sinh, người mua hàng mới giật mình khi không biết mình đã mua hàng từ đâu để đi khiếu nại. Việc mua bán qua các Fanpage hay hội nhóm, người mua cũng chỉ biết đến tài khoản người bán, khó xác thực được độ tin cậy.
Trong khi đó, nếu mua hàng online qua các sàn thương mại điện tử được cấp phép hoặc website của nhà bán có thông báo với Bộ Công Thương, sẽ xác định rõ được đầu mối chịu trách nhiệm về hàng hóa bán ra. Điều này cũng tương tự như việc mua hàng trực tiếp ở các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng có giấy phép và chịu sự quản lý của nhà nước.
Nỗ lực của các sàn thương mại điện tử

Nhiều chợ online hoạt động trên mạng xã hội
Các chuyên gia cho biết, với việc hoàn thiện hệ thống pháp lý, nỗ lực của các sàn thương mại điện tử, tỉ lệ các giao dịch "inbox" đã có sự giảm xuống so với trước đây nhưng quy mô vẫn còn rất lớn, ước tính hàng triệu đơn hàng được giao đi mỗi ngày.
Các sàn thương mại điện tử đã được Bộ Công Thương cấp phép và là trọng tài trong các giao dịch mua bán trong sàn để đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà bán hàng và người tiêu dùng. Các sàn tiêu biểu đang hoạt động tại Việt Nam có thể kể đến: Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki, Sendo,…
Thời gian qua, các sàn đã liên tục đưa ra nhiều chính sách mới theo hướng có lợi hơn cho người tiêu dùng bên cạnh các khuyến mại, giảm giá vốn là lực hút người tiêu dùng mua sắm tại đây. Nổi bật là chính sách cho phép người dùng được hủy đơn hàng ngay cả khi hàng đang trên đường vận chuyển của TikTok Shop và Shopee.
Trước đó, người dùng chỉ có thể hủy đơn hàng khi vừa mới đặt, cửa hàng chưa đóng gói, chuyển đi nhưng sau đó quyền lợi người tiêu dùng được mở rộng. Bên cạnh đó, TikTok Shop cũng có chính sách giúp người tiêu dùng có thể trả hàng với lý do "đổi ý/không còn nhu cầu", tương tự như tại các nước mà thương mại điện tử đã đi trước.
Trước đây, các tài khoản bán hàng online trên mạng xã hội thường xuyên làm các clip bêu xấu người tiêu dùng khi đặt hàng nhưng không nhận – thường gọi là "bom hàng" khiến nhiều người ngần ngại khi mua hàng online.
Tuy nhiên, với chính sách trả hàng - hoàn tiền từ các nền tảng thương mại điện tử, đặt sự hài lòng của khách hàng là ưu tiên hàng đầu, quyền lợi cho người tiêu dùng khi mua sắm online cũng được nâng lên một tầm cao mới, góp phần thúc đẩy thị trường bán lẻ trong nước phát triển.
Thương mại điện tử Việt Nam hiện nay vẫn còn mới mẻ nên đôi khi người tiêu dùng còn chưa hiểu được chính quyền lợi của mình.
Vừa qua, TikTok Shop phối hợp với Tạp chí Công Thương tổ chức chiến dịch "An Tâm Vui Sắm" nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, các nhà bán hàng, người có tầm ảnh hưởng và người tiêu dùng về quyền lợi của người tiêu dùng khi tham gia mua sắm trực tuyến. Chiến dịch cho thấy nỗ lực của nền tảng này trong việc kiến tạo trải nghiệm mua sắm đáng tin cậy, là tín hiệu đáng mừng cho thấy thương mại điện tử tại Việt Nam đang không chỉ "tăng trưởng nóng" mà còn theo hướng ngày càng chuyên nghiệp hơn.
Tăng trưởng 2 con số
Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), những năm gần đây thương mại điện tử ở Việt Nam đã tăng trưởng với tốc độ cao hàng đầu trên thế giới với tỷ lệ trung bình hàng năm trên 25% và dự báo Việt Nam sẽ duy trì tốc độ cao này trong nhiều năm tới.