Bà Cao Phẩm Hằng, Giám đốc Công ty Du lịch Vietjettours, trả lời: Không dễ trả lời chính xác với bạn xin visa nước nào khó nhất bởi mỗi quốc gia đều có những quy định riêng về nhập cảnh. Đôi khi xin visa vào một quốc gia bất kỳ là khó với người này nhưng lại dễ với người khác.

Bà Cao Phẩm Hằng, Giám đốc Công ty Du lịch Vietjettours
Nguyên tắc căn bản khi bạn xin visa là phải tuân thủ đầy đủ những yêu cầu về giấy tờ mà đại sứ quán/lãnh sự quán nước đó quy định. Bạn cần chuẩn bị hoàn chỉnh giấy tờ như: giấy chứng nhận tài sản, giấy chứng minh thu nhập và công việc hiện tại do cơ quan có thẩm quyền cấp kèm theo vé máy bay khứ hồi, chứng nhận đặt phòng khách sạn và lịch trình chuyến đi càng cụ thể, chi tiết càng tốt.
Trong trường hợp bạn chưa có kinh nghiệm và không thông thạo ngoại ngữ thì nên nhờ một công ty du lịch (nếu bạn đi tour) hoặc công ty chuyên làm dịch vụ visa hỗ trợ trong việc hoàn chỉnh hồ sơ cũng như tư vấn chi tiết cách trả lời phỏng vấn hay liên hệ nộp hồ sơ. Đa phần các lãnh sự quán/đại sứ quán không trả lời lý do tại sao họ từ chối cấp visa cho bạn nhưng các công ty có kinh nghiệm hoàn toàn hiểu được tại sao bạn bị đánh rớt!

Đại học Havard (Mỹ) - một địa điểm tham quan yêu thích của nhiều du khách - Ảnh: Havard
Một trong những nguyên tắc làm "đẹp" hồ sơ của mình là bạn phải có visa của những thị trường tạm coi là "khó" như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông… trước khi nộp xin visa của thị trường châu Âu, Úc, Mỹ.
Thông thường sau 1 năm bị từ chối cấp visa, bạn hãy nộp hồ sơ để xin cấp lại khi đã chuẩn bị đầy đủ những giấy tờ theo yêu cầu của đại sứ quán/lãnh sự quán.