Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết EVN đã hoàn thành nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp (DN) giai đoạn 2012-2015 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1782/QĐ/TTg ngày 23-11-2012. Theo đó, tập đoàn đã thoái 100% vốn đầu tư ra ngoài ngành, như: bảo hiểm, chứng khoán, ngân hàng…
Không còn đầu tư ngoài ngành
Theo ông Thành, hiện EVN chỉ còn 15% cổ phần tại Công ty CP Tài chính Điện lực (EVNFC) do Chính phủ cho phép giữ lại. Tuy nhiên, Tập đoàn cũng đang trình Bộ Công Thương cho phép thoái toàn bộ cổ phần tại đây. Việc đầu tư ngoài ngành của EVN hiện nay không còn.
Được biết, EVN đã phê duyệt phương án thoái vốn tại EVNFC và dự kiến, việc thoái 15% cổ phần tại EVNFC sẽ hoàn thành trong năm 2017.
Song song với việc thoái vốn ngoài ngành, EVN cũng chủ động sắp xếp, cơ cấu lại các DN trực thuộc. Đầu năm nay, tập đoàn hoàn thành việc chuyển giao 3 trường cao đẳng (Cao đẳng nghề Điện, Cao đẳng Điện lực miền Trung, Cao đẳng Điện lực TP HCM) về 3 tổng công ty điện lực miền.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt đề án "Tái cơ cấu DN nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016-2020", HĐTV EVN đã ban hành Nghị quyết số 157/NQ-HĐTV về triển khai thực hiện tái cơ cấu DN trong tập đoàn. Đồng thời, xây dựng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ danh sách các DN thực hiện sắp xếp lại, tiến hành cổ phần hóa giai đoạn 2017-2020.

evn
Tại buổi làm việc giữa tổ công tác của Chính phủ với EVN gần đây, ông Nguyễn Cao Lục, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho biết: "Chính phủ đánh giá cao tinh thần chủ động, triển khai nhanh và nghiêm túc tái cơ cấu DN của EVN. Điều này thể hiện tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao của lãnh đạo tập đoàn".
Đẩy mạnh cổ phần hóa
Ông Dương Quang Thành cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và theo đề án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu DN thuộc EVN giai đoạn 2017-2020, tập đoàn đã xây dựng kế hoạch thực hiện; trong đó, trọng tâm là cổ phần hóa 3 tổng công ty phát điện... EVN sẽ tiến hành cổ phần hóa Tổng Công ty Phát điện 3 (GENCO 3) trong năm 2017 và 2 tổng công ty Phát điện 1 và 2 trong năm 2018.
Tuy nhiên, việc cổ phần hóa các tổng công ty phát điện cũng gặp không ít khó khăn, thách thức, do tình hình tài chính của các đơn vị này còn yếu. Để các GENCO sau khi cổ phần hóa vẫn bảo đảm thực hiện tốt các dự án đầu tư nguồn điện mới theo Quy hoạch Phát triển Điện lực quốc gia, EVN đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện cơ chế đặc thù về tái cơ cấu, lành mạnh hóa tình hình tài chính trước khi cổ phần hóa các GENCO. Theo đó, cho phép EVN chỉ đạo các GENCO bán bớt hoặc bán hết phần vốn đang đầu tư tại các công ty cổ phần phát điện, bảo đảm tiêu chí nợ trên vốn chủ sở hữu không vượt quá 3 lần theo quy định. Bên cạnh đó, với giá trị thu về từ bán bớt phần vốn, EVN và các GENCO được phép bổ sung vào vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ, làm vốn đối ứng cho đầu tư, phát triển dự án mới đã được Chính phủ giao.
Giai đoạn 2017-2020, EVN tiếp tục thực hiện thoái vốn tại các DN hoạt động trong lĩnh vực tài chính, cơ khí, phát điện; chuyển Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) thành Công ty TNHH MTV, vận hành hệ thống điện và thị trường điện, hạch toán độc lập trong EVN. Đối với khối truyền tải và phân phối điện, EVN tiếp tục nắm giữ 100% vốn điều lệ...
Trong giai đoạn này, EVN cũng chỉ đạo các tổng công ty tổ chức hoạch toán riêng bộ phận vận hành hệ thống điện và bộ phận kinh doanh điện năng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của tập đoàn.
Đánh giá về công tác tái cơ cấu của EVN, chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm nhận định EVN là một trong những tập đoàn đi đầu trong việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành; tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp. Sau khi sắp xếp, đổi mới và tập trung vào ngành, nghề kinh doanh chính, hoạt động của EVN thời gian qua đã được xã hội và nhân dân ghi nhận, Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành đánh giá cao.
EVN cho biết quyết tâm của tập đoàn là thực hiện tái cơ cấu DN đúng lộ trình, hướng tới mục tiêu trở thành tập đoàn kinh tế mạnh, có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại và chuyên môn hóa cao; giữ vai trò chủ đạo trong việc bảo đảm đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; đưa EVN phát triển nhanh, bền vững…