Trong kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam, nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ là yếu tố quan trọng mà còn là yếu tố sống còn để đất nước vươn lên và thực thi tầm nhìn quốc gia số. Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, với những mục tiêu bứt phá về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và khoa học công nghệ. Việc này đặt ra yêu cầu cấp bách, đòi hỏi sự chuyển dịch mạnh mẽ của các cơ quan, doanh nghiệp và các trường đại học trong việc đào tạo và phát triển nhân lực chiến lược.
Thế giới đang bước vào một kỷ nguyên chuyển đổi sâu sắc, nơi trí tuệ nhân tạo (AI) không chỉ là công nghệ mà đã trở thành một lực lượng thay đổi cục diện lao động toàn cầu. Nghiên cứu từ Exploding Topics cho thấy 80% lực lượng lao động tại Mỹ có thể bị ảnh hưởng bởi AI, với ít nhất 10% công việc của họ có nguy cơ bị tự động hóa. Những con số này gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh: trong một thế giới vận hành bởi dữ liệu và thuật toán, chỉ những người lao động có khả năng thích nghi, làm chủ công nghệ mới có thể đứng vững.
Không nằm ngoài guồng quay ấy, Việt Nam đã có bước đi chiến lược khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW, xác lập khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá chiến lược hàng đầu.
Nghị quyết đặt ra yêu cầu cao hơn bao giờ hết với lực lượng lao động: Phải làm chủ công nghệ mới như AI, dữ liệu lớn, điện toán đám mây; Phải hiểu sâu cách thức vận hành bộ máy số, từ quản trị công đến điều hành doanh nghiệp và tổ chức xã hội; Phải có tư duy giải quyết vấn đề dựa trên dữ liệu, ở cấp độ quốc gia và địa phương.
Trong bối cảnh đó, phát triển nhân lực chính là điều kiện tiên quyết để Nghị quyết 57-NQ/TW có thể đi vào thực tiễn.
Nghị quyết 57-NQ/TW không chỉ là bản đồ chiến lược - mà còn là lời hiệu triệu các địa phương, bộ ngành, doanh nghiệp, trường đại học cùng tham gia vào một sứ mệnh lớn: kiến tạo lực lượng lao động xung kích của thời đại số. Việt Nam cần những nhân lực mới - không chỉ là kỹ sư phần mềm, chuyên gia AI, nhà khoa học dữ liệu, mà là lực lượng lao động trẻ toàn diện: vững chuyên môn - giỏi thực chiến - sắc bén tư duy quản trị - thấm nhuần tư tưởng đổi mới của Đảng.
Trước bài toán khó, các diễn đàn học thuật, tọa đàm chuyên sâu chính là nơi tập hợp trí tuệ đa chiều để tìm giải pháp. Tại Tọa đàm "Yêu cầu về nhân lực triển khai Nghị quyết 57" do Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia tổ chức ngày 22-4-2025, nhiều chuyên gia đã nhấn mạnh: việc phát triển nhân lực cần gắn liền với thực tiễn chuyển đổi số quốc gia, kết nối doanh nghiệp và đổi mới giáo dục. Nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố sống còn để hiện thực hóa tầm nhìn quốc gia số. Nếu không đầu tư bài bản từ bây giờ, chúng ta sẽ tụt lại phía sau trong kỷ nguyên AI. Mô hình "Chính phủ - Trường đại học – Doanh nghiệp" được đề xuất như một tam giác phát triển bền vững cho nguồn nhân lực số.

Nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố sống còn để hiện thực hóa tầm nhìn quốc gia số (Ảnh minh hoạ)
Để góp phần đưa Nghị quyết 57-NQ/TW vào cuộc sống, Tập đoàn FPT phối hợp với các cơ quan ban ngành và các trường đại học tổ chức Diễn đàn phát triển nguồn nhân lực - xung lực mới thực thi Nghị quyết 57/NQ-TW vào 7-5-2025 tại Hà Nội. Đây là sự kiện kết nối các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia công nghệ, doanh nghiệp và giới học thuật để cùng thảo luận, kiến tạo giải pháp phát triển lực lượng sản xuất mới, phù hợp với yêu cầu đổi mới quốc gia.
Trong khuôn khổ chương trình, các học viện, đại học sẽ ký kết thành lập và ra mắt Liên minh nhân lực chiến lược thực thi Nghị quyết 57-NQ/TW. Bên cạnh đó, Trường Đại học FPT sẽ công bố chương trình đào tạo lực lượng dự bị chiến lược - tập trung phát triển thế hệ sinh viên công nghệ thông tin không chỉ giỏi chuyên môn, mà còn có tư duy quản trị dựa trên dữ liệu, vừa có khả năng tổ chức và thực thi chuyển đổi số, vừa có kiến thức nền tảng về hành chính công, quản trị công… Từ đó, lực lượng này có thể tham gia hỗ trợ các cơ quan nhà nước, bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số, thực thi Nghị quyết 57-NQ/TW. Đây là lực lượng tinh nhuệ, sẵn sàng "tác chiến" trên mặt trận chuyển đổi số ở quy mô quốc gia.
Sự kiện thể hiện sự cam kết mạnh mẽ từ đại diện các thành phần, lực lượng trong xã hội để thúc đẩy chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo sự thành công của chuyển đổi số quốc gia, đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên số mạnh mẽ và bền vững.