Nửa thế kỷ từ ngày giải phóng (19.4.1975 - 19.4.2025), thành phố Phan Thiết đã đi qua chặng đường nhiều gian nan nhưng cũng đầy tự hào, vươn mình từ một vùng đất khói lửa chiến tranh trở thành đô thị biển năng động, văn minh và hiện đại.
Ngày 19-4-1975 - mốc son chói lọi trong lịch sử Phan Thiết khi quân và dân ta giành lại chính quyền từ tay địch, giải phóng toàn bộ thị xã, đánh dấu sự kết thúc của hàng thập kỷ kháng chiến đầy gian khổ.
Chiến thắng lịch sử - mở đường cho một kỷ nguyên mới
Chiến dịch tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 đã diễn ra thần tốc. Chỉ trong vòng chưa đầy hai tuần, từ các trận đánh ở Thiện Giáo, Ma Lâm, đến khi lực lượng cách mạng chia ba mũi tiến vào trung tâm thị xã đêm 18-4, rồi tiếp quản hoàn toàn vào sáng hôm sau - Phan Thiết đã được giải phóng hoàn toàn.
Sau giải phóng, với niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng, Phan Thiết từng bước tái thiết và chuyển mình. Đến nay, thành phố đã khoác lên diện mạo mới, hiện đại, năng động và đầy sức sống.

Thành phố Phan Thiết hiện đại, năng động và đầy sức sống
Du lịch tiếp tục giữ vai trò đầu tàu của kinh tế Phan Thiết. Với hai thương hiệu nổi bật là Hàm Tiến - Mũi Né và Tiến Thành - NovaWorld, thành phố đã khẳng định vị thế là một trong những điểm đến hấp dẫn bậc nhất trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Việc lưu thông cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Phan Thiết - Vĩnh Hảo, cùng sự chuẩn bị để đón sân bay Phan Thiết trong tương lai đã và đang tạo "cú hích" phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại.
Từng bước phát triển, vững tin vào con đường đổi mới
Trong 5 năm qua, Phan Thiết đã đầu tư gần 650 tỉ đồng cho hệ thống hạ tầng. Các tuyến đường huyết mạch như Võ Nguyên Giáp, Lê Duẩn, Hùng Vương… hình thành nên mạng lưới giao thông đồng bộ, tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội phát triển. Dự án kè Cà Ty đang được chỉnh trang là một điểm nhấn cảnh quan, góp phần gìn giữ vẻ đẹp biểu tượng của đô thị biển. "Dòng sông Cà Ty - trái tim xanh của thành phố - đang được chăm chút như một di sản đô thị".
Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp giữ được đà tăng trưởng ổn định, nhất là các cơ sở chế biến hải sản, nước mắm, thủ công mỹ nghệ. Nông nghiệp phát triển gắn với xây dựng nông thôn mới, tập trung vào cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Kinh tế tư nhân phát triển mạnh với hơn 7.900 cơ sở sản xuất - kinh doanh đăng ký hoạt động, đóng góp tích cực vào ngân sách (bình quân 1.707 tỉ đồng/năm).

Dòng sông Cà Ty - trái tim xanh của thành phố Phan Thiết
Thành phố Phan Thiết còn đi đầu trong cải cách hành chính, chuyển đổi số và xây dựng chính quyền điện tử. Trung tâm điều hành đô thị thông minh IOC đang từng bước mở rộng, tiến tới kết nối toàn tỉnh. "Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm" là phương châm hành động của bộ máy chính quyền trong thời kỳ mới.
Ngoài ra, Phan Thiết cũng thí điểm ba mô hình kinh tế ban đêm, nổi bật là phố ẩm thực Tuyên Quang hoạt động vào mỗi cuối tuần, thu hút đông đảo người dân và du khách, mở ra một hướng phát triển mới cho kinh tế dịch vụ - giải trí về đêm.
Với tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo và khát vọng vươn lên, Phan Thiết đang từng bước khẳng định vai trò trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh Bình Thuận.