Ám ảnh chi phí kiểm định: Liệu có cần "tem chứng nhận” bên ngoài?
(NLĐO) - Trong khi các trường "đau đầu" vì chi phí và thủ tục kiểm định, nhiều chuyên gia đề xuất cơ chế khuyến khích và công nhận hệ thống tự chủ chất lượng
TS Lê Hoàng Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm định Chất lượng Giáo dục Sài Gòn, cho rằng chất lượng chủ yếu là trách nhiệm của chính trường ĐH. Do đó, điều quan trọng là mỗi trường ĐH phát triển một hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong hiệu quả.
Công việc lặng thầm
Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục của Trường ĐH Tài chính - Marketing (TP HCM) có 14 nhân sự. Dù được phân công theo mảng khảo thí hay bảo đảm chất lượng thì các nhân sự cũng phải choàng gánh công việc.

Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục của Trường ĐH Tài chính - Marketing trao đổi công việc chuẩn bị cho đợt đánh giá ngoài một số chương trình đào tạo trong thời gian tới
Phòng cũng tổ chức và phối hợp với các đơn vị triển khai các kế hoạch cải tiến liên tục sau đánh giá và đánh giá ngoài cấp cơ sở giáo dục và cấp chương trình đào tạo. Chủ trì và phối hợp với các đơn vị soạn thảo những văn bản quy định về: Xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng giáo dục bên trong của trường; xây dựng chiến lược, kế hoạch bảo đảm chất lượng giáo dục của trường. Chủ trì triển khai, theo dõi và đánh giá việc thực hiện mục tiêu chất lượng hằng năm của các đơn vị. Xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch tự đánh giá và đăng ký kiểm định cấp cơ sở giáo dục và cấp chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn kiểm định chất lượng do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành hoặc theo các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục quốc tế...
TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo - ĐHQG TP HCM, cho biết đối với kiểm định, quan trọng nhất là công tác tự đánh giá của các trường. Vì trường đã bảo đảm chất lượng thì phần quyết định đến chất lượng nằm 90% ở bên trong, chỉ có 10% bên ngoài.
Tại các trường ĐH, Phòng Bảo đảm chất lượng giáo dục là đơn vị nắm rõ nhất mọi hoạt động đào tạo, quản trị và các quy trình vận hành nội bộ. Với chức năng theo dõi, đánh giá, tổng hợp và đề xuất cải tiến chất lượng đào tạo, đội ngũ này thường xuyên thực hiện các đợt đánh giá nội bộ - một hình thức kiểm định trong nhà trường. Tuy nhiên, dù có năng lực chuyên môn và hiểu rõ bối cảnh thực tế của nhà trường, các đánh giá nội bộ hiện nay không được công nhận chính thức trong hệ thống kiểm định quốc gia và không thể thay thế cho đánh giá ngoài. Điều này dẫn đến một nghịch lý: trường vừa phải duy trì đánh giá nội bộ định kỳ (như một phần của công tác quản trị chất lượng) vừa phải chi tiền và nhân lực để phục vụ đánh giá ngoài - vốn mang tính "đo từ bên ngoài vào".

Đoàn đánh giá ngoài kiểm định chương trình đào tạo, phỏng vấn sinh viên tại Trường ĐH Công Thương TP HCM. (Ảnh do Trường ĐH Công Thương TP HCM cung cấp)
Nhiều cán bộ phụ trách Phòng Bảo đảm chất lượng bày tỏ họ hoàn toàn có thể phối hợp cùng các chuyên gia độc lập hoặc mạng lưới các trường để tổ chức hoạt động đánh giá chéo, bảo đảm tính khách quan và giảm chi phí. Tuy nhiên, hiện chưa có hành lang pháp lý cho mô hình này.
PGS-TS Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, chia sẻ chu kỳ kiểm định của một chương trình đào tạo là 5 năm nên từng có thời gian khi chuẩn bị cho chu kỳ kiểm định mới, cả trường phải lao vào làm để phục vụ kiểm định. Tuy nhiên, sau đó, do cảm thấy không ổn nên trường đã thay đổi bằng cách xác định công tác bảo đảm chất lượng bên trong là thường xuyên, nhờ đó việc kiểm định về sau đã trở nên nhẹ nhàng hơn.
Trao quyền cho trường ĐH nhiều hơn
Đầu tháng 2-2025, ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho biết năm 2025, Bộ GD-ĐT sẽ tập trung hoàn thiện khung bảo đảm chất lượng bên trong. Nguyên nhân là kiểm định bên ngoài có thể diễn ra thời gian ngắn nhưng nếu hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong không vững chắc thì kiểm định và đánh giá ngoài chưa thể đạt hiệu quả toàn diện như mong muốn cải tiến liên tục.
Ngoài ra, cũng sẽ thay đổi cách tiếp cận trong kiểm định. Thay vì kiểm định riêng biệt cho từng hình thức đào tạo như chính quy, đào tạo từ xa, vừa học vừa làm thì sắp tới sẽ hướng đến kiểm định một lần cho tất cả các hình thức đào tạo của một chương trình.
Bên cạnh đó, cũng hướng tới điều chỉnh cách tiếp cận trong các chu kỳ kiểm định. Chu kỳ 1 có thể tập trung vào hướng dẫn, hỗ trợ nhưng từ chu kỳ 2, 3 trở đi, trọng tâm sẽ chuyển sang đánh giá thực chất về hệ thống bảo đảm chất lượng nội bộ, thay vì chỉ dựa vào hồ sơ, giấy tờ.
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cũng cho rằng cần có cơ chế khuyến khích các trường đạt kiểm định chất lượng tốt. Những trường có thành tích xuất sắc có thể được kéo dài chu kỳ kiểm định hơn - có thể trên 5 năm - nhằm tạo động lực và nêu được các thực hành tốt, điển hình cho các cơ sở khác.
Tuy đánh giá ngoài là điều kiện cần để bảo đảm khách quan, minh bạch nhưng có không ít ý kiến cho rằng với những trường đã có hệ thống bảo đảm chất lượng nội bộ hiệu quả, liệu có thể công nhận kết quả tự đánh giá làm cơ sở cho một phần tự chủ, thay vì phải luôn chờ "tem chứng nhận" từ bên ngoài.

Sinh viên Trường ĐH Công Thương TP HCM tại buổi phỏng vấn của đoàn đánh giá ngoài. (Ảnh do Trường ĐH Công Thương TP HCM cung cấp)
TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo - ĐHQG TP HCM, cho biết đối với kiểm định, quan trọng nhất là công tác tự đánh giá của các trường. Vấn đề để nâng cao chất lượng là phải bảo đảm các chương trình cũng như các cơ sở giáo dục được tự đánh giá. Sau đó, kiểm định (đánh giá ngoài) sẽ giúp chúng ta kiểm chứng lại và đóng góp thêm ý kiến của chuyên gia để nâng cao chất lượng.
Theo TS Chính, không nên bắt buộc phải kiểm định 100% các chương trình. Thứ nhất, khối lượng công tác phải làm sẽ rất lớn và vất vả. Thứ hai, khối lượng mà nhân lực, tài lực phải chi trả rất lớn. Thứ ba, khi kiểm định một số chương trình, những nhận xét sẽ lặp đi lặp lại. Những giá trị gia tăng của đánh giá từ chương trình số 11 đến chương trình số 100 không có giá trị, trong khi những nhận xét đó đánh giá 10 chương trình trước đã có giá trị. Vì vậy, việc kiểm định (tức là đánh giá ngoài 100% chương trình) sẽ tốn kém, không đem lại giá trị thiết thực cho nhà trường và cho xã hội.
Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo - ĐHQG TP HCM cũng cho rằng cần phải kiểm định cấp cơ sở giáo dục bắt buộc 100% cơ sở giáo dục ĐH với chu kỳ 5 năm phải kiểm định lại. Bởi vì kiểm định cấp cơ sở giáo dục sẽ đánh giá toàn diện cả một hệ thống. Chỉ đánh giá với một số chương trình cụ thể của một số trường, một số trường hợp cụ thể khi mà năng lực về bảo đảm chất lượng của họ chưa đủ mạnh, cần có sự tư vấn của các chuyên gia bên ngoài.
Còn đối với những cơ sở đã có hệ thống bảo đảm chất lượng mạnh, đã kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đạt chất lượng tốt và đã có một số lượng chương trình kiểm định nhất định thì sẽ giao cho họ quyền tự kiểm định, hay còn gọi là được công nhận giá trị kiểm định nội bộ của họ tương đương với đánh giá ngoài.
PGS-TS Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công Thương TP HCM, cho rằng chỉ nên quy định kiểm định những ngành mà các trường ĐH mới mở, nếu đạt chất lượng thì những năm sau đó để các trường duy trì mà không phải quay lại đánh giá sau 5 năm như quy định hiện nay.
Nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc Bộ GD-ĐT xem xét trao quyền nhiều hơn cho Phòng Bảo đảm chất lượng và có thể công nhận có điều kiện một phần kết quả đánh giá nội bộ, nhất là với các tiêu chí định lượng, minh chứng rõ ràng. Điều này không chỉ giúp giảm gánh nặng đánh giá ngoài mà còn thúc đẩy văn hóa chất lượng phát triển thực chất từ bên trong.
Tháng 2-2025, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư số 04/2025/TT-BGDĐT quy định về kiểm định chương trình đào tạo trình độ ĐH (Thông tư 04) thay thế cho các thông tư liên quan về kiểm định chương trình đào tạo ĐH hiện hành.
Thông tư 04 gồm 5 chương, 46 điều, được xây dựng trên cơ sở cập nhật bộ tiêu chuẩn đánh giá chương trình đào tạo phiên bản 4.0 của Tổ chức Bảo đảm chất lượng thuộc Tổ chức Mạng lưới bảo đảm chất lượng các trường ĐH ASEAN (AUN-QA) và phù hợp với điều kiện thực tiễn về giáo dục ĐH của Việt Nam.
Thông tư cũ quy định đánh giá chương trình đào tạo theo các tiêu chuẩn: Mục tiêu và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo; bản mô tả chương trình đào tạo; cấu trúc và nội dung chương trình dạy học; phương pháp tiếp cận trong dạy và học; đánh giá kết quả học tập của người học; đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên; đội ngũ nhân viên; người học và hoạt động hỗ trợ người học; cơ sở vật chất và trang thiết bị; nâng cao chất lượng và kết quả đầu ra.
ThS Đàm Đức Tuyền, Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục của Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho biết: Thông tư mới ngoài bộ tiêu chuẩn (8 tiêu chuẩn, 52 tiêu chí) còn quy định về quy trình kiểm định, chu trình kiểm định, tự đánh giá, đánh giá ngoài chương trình đào tạo (tích hợp luôn các quy định của Thông tư 38/2013/TT-BGDĐT).
Thông tư cũ quy định sử dụng thang 7 mức để đánh giá. Thông tư mới chỉ còn 2 mức để đánh giá: Đạt và Không đạt. Có 10 tiêu chí điều kiện bắt buộc phải đạt. Nếu không đạt một trong số tiêu chí này thì cả chương trình đào tạo sẽ không đạt.