An tâm chăn nuôi khi liên kết nuôi gà với Japfa
Chủ trang trại Đắk Lắk bắt tay Japfa Việt Nam, chọn mô hình liên kết chăn nuôi để giảm rủi ro, đảm bảo đầu ra ổn định, giá cả bền vững
Nhiều chủ trang trại ở Đắk Lắk đã lựa chọn giải pháp "ăn chắc mặc bền" là liên kết chăn nuôi với Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam), để hạn chế rủi ro, đầu ra thuận lợi với giá ổn định nhất.
Mô hình gia công được nhiều bà con chăn nuôi lựa chọn
Anh Nguyễn Văn Đức, chủ trang trại quy mô 8ha ở thôn Tân Thành, xã Ea Tul (tỉnh Đắk Lắk) hợp tác với Japfa Việt Nam nuôi gà thịt theo mô hình gia công được gần 5 năm nay.
Anh cho biết, với mô hình nuôi gà gia công theo công nghệ chuồng kín, anh được Japfa cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ tư vấn kĩ thuật và thu mua toàn bộ số gà khi đến lứa xuất chuồng.

Trang trại gà quy mô 8ha của anh Nguyễn Văn Đức hợp tác với Japfa theo mô hình chăn nuôi gia công
"Mỗi chu kì chăn nuôi, tôi được Japfa đặt hàng dựa theo ước tính nhu cầu thị trường, cắt cử cán bộ kĩ thuật theo sát mọi quy trình nuôi tại trang trại. Với giá chăn nuôi gia công hiện nay là 8.000 đồng/kg, hầu như chuồng nào cũng có lợi nhuận, nhất là các chuồng đạt năng suất cao, ít hao hụt. Chi phí càng thấp thì lợi nhuận càng cao", anh Đức cho biết.
Hiện anh Đức đang có 4 chuồng nuôi gà, mỗi chuồng nuôi 18.000 con gà, sau khoảng 100 ngày chăm sóc, khi gà đạt trọng lượng 2 – 2,5kg/con là công ty thu mua toàn bộ.
"Từ khi theo mô hình gia công, tôi khá an tâm vì cái đáng lo nhất là đầu ra thì đã có Japfa lo rồi. Khó khăn thì cũng có, nhưng đều được doanh nghiệp chung tay chia sẻ. Như đợt xảy ra dịch Covid-19, chuỗi cung ứng – tiêu thụ bị đứt gãy, mỗi ngày, trại gà tiêu tốn tới 4 tấn cám. Trong bối cảnh đó, Japfa cũng bị thua lỗ nặng nề, song doanh nghiệp vẫn đứng ra gồng gánh cùng các trang trại kịp thời. Nếu chăn nuôi một mình, nhỏ lẻ thì chắc chắn chúng tôi khó trụ nổi".
Bản thân anh Đức trước khi đầu tư mô hình này cũng dày công tìm hiểu và nhận thấy Japfa có chiến lược đầu tư bài bản, rõ ràng, với nhà máy ấp trứng gia cầm hiện đại công suất thiết kế 40 triệu con/năm đặt tại xã Pơng D’Rang, Đắk Lắk; trại gà bố mẹ quy mô 100.000 con tại xã Ea Tul (tỉnh Đắk Lắk) cũng như hệ thống nhà máy thức ăn chăn nuôi đặt tại khu vực miền Trung, giúp rút ngắn quãng đường vận chuyển cám và con giống đến các trại…
"Tôi đang nuôi 2 giống gà chủ lực là Japfa Mía và Japfa Chọi. Gà giống 1 ngày tuổi được Japfa chích đầy đủ vaccine, đảm bảo khỏe mạnh mới đưa tới các trại gia công, vì vậy chúng tôi rất yên tâm chăn nuôi", anh Đức nói.
Hài hòa lợi ích cho người chăn nuôi và doanh nghiệp

Hiện Japfa đã hoàn thiện chuỗi chăn nuôi khép kín ứng dụng công nghệ hiện đại tại Tây Nguyên, cho phép Công ty đẩy mạnh liên kết với bà con chăn nuôi
Ngoài anh Đức, tại Đắk Lắk có hàng chục nông dân khác đang bắt tay với Japfa nuôi gà theo hình thức gia công hiệu quả. Chị Trần Thị Kim Dung ở xã Ea Tu (cũ) cho biết, trong 6 năm hợp tác nuôi gà thịt với Japfa, chỉ duy nhất 1 lần chị bị lỗ - đó cũng là năm xảy ra dịch Covid-19. Các lứa gà còn lại, gia đình chị đều có lãi. Mới đây nhất là đợt xuất bán gà hồi tháng 6-2025, chị bỏ túi hơn 400 triệu đồng.
"Hiện nuôi gà gia công cho Japfa đang đem lại thu nhập chính cho gia đình tôi. Với 2 chuồng, mỗi lứa gà tôi nuôi 25.000 con, phía công ty hỗ trợ toàn diện từ con giống, thức ăn chăn nuôi, vaccine đầy đủ…, đặc biệt là bao tiêu đầu ra sản phẩm. Chăn nuôi vốn nhiều rủi ro về thị trường và dịch bệnh, vì vậy khi liên kết với doanh nghiệp, rủi ro sẽ được chia sẻ giữa hai bên. So với các mô hình chăn nuôi truyền thống thì đây là hình thức đầu tư an toàn nhất", chị Dung phân tích.
Hiện, Japfa đang áp dụng chính sách hao hụt 3% tổng đàn, nếu người nông dân chăn nuôi tốt thì sẽ được hưởng phần hao hụt đó. Do vậy, hầu hết các trại gà theo hình thức gia công như chị Dung đều tuân thủ quy trình phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt cũng như xử lí chất thải theo đúng quy định.
Ông Clemens Tan, Tổng Giám đốc Japfa Việt Nam cho biết, hiện nay công ty đang hợp tác với gần 600 hộ chăn nuôi trên cả nước, cung ứng cho thị trường hơn 40 triệu gà màu mỗi năm.
Riêng tại khu vực Tây Nguyên, Japfa đang liên kết với nông dân các tỉnh chăn nuôi gần 10 triệu con gà màu thương phẩm/năm. Nhận định đây là khu vực còn nhiều dư địa phát triển, Japfa đang có kế hoạch mở rộng chăn nuôi lên gấp 3 lần trong vòng 5 năm tới.