Bản án nào mới đủ?
Bản án lương tâm, bản án của dư luận mới chỉ đánh vào phòng tuyến đạo đức, không hoàn toàn ngăn được hành vi tội phạm.
Hai vụ án hình sự liên quan trực tiếp bà mẹ ác độc Tô Thị Ty Na (ở Quảng Nam) và Hằng "du mục", Quang Linh Vlogs lừa dối khách hàng đều xuất phát từ lòng tham của chủ thể tội phạm.
Trường hợp của bà Ty Na gây sốc, rất sốc bởi vượt quá sức tưởng tượng của nhiều người. Dân gian đúc kết "Hổ dữ không ăn thịt con", ý nói loài hổ hung dữ đến thế vẫn biết bảo vệ hổ con, huống gì con người máu chảy ruột mềm, nỡ nào sát hại ruột thịt của mình.
Vậy mà chuyện ấy vẫn xảy ra, như trường hợp bà Ty Na là nhằm trục lợi mấy tỉ đồng bảo hiểm. Đành rằng trong quy định pháp lý và quy trình xác minh chi trả bảo hiểm hiện nay còn kẽ hở, thỉnh thoảng để xảy ra gian lận, song với trường hợp tàn nhẫn đoạt mạng con ruột, thì công ty bảo hiểm có thể không ngờ đến! Nhưng từ đây, ngành bảo hiểm phải tăng cường trách nhiệm, đồng thời cảnh giác hơn; và bản án nghiêm khắc từ cơ quan pháp luật dành cho kẻ thủ ác sẽ từng bước bịt kín những lỗ hổng đó.
Với trường hợp của Quang Linh Vlogs, Hằng "du mục" vừa bị khởi tố, tạm giam về hành vi "Lừa dối khách hàng" sau scandal quảng cáo, bán kẹo Kera. Nhiều người tỏ ý lấy làm tiếc cho hai "người nổi tiếng" này. Sao phải tiếc? Không thể bảo họ thiếu hiểu biết xã hội, thiếu kiến thức pháp luật! Họ gian lận có hệ thống, cùng bàn bạc, chia việc bài bản. Họ làm vì động cơ kiếm lợi. Quyền lực của đồng tiền đã chi phối họ, chứ không phải họ làm vì có ý tốt cho cộng đồng. Nếu không bị phanh phui, đường dây tội ác này sẽ gây hậu quả kéo dài và nghiêm trọng đến mức nào!
Lòng tham vô đáy đã kéo họ vào con đường tội lỗi. Mà con đường đó, họ không tự mình mở ra và không tự do tung hoành được. Ai giúp sức? Có phải là sự dễ dãi quá mức của công chúng và sự buông lỏng của một số cơ quan quản lý Nhà nước hữu quan?
Câu trả lời là không sai. Từ thế giới mạng bước ra đời thực, nhiều KOL, KOC khi được gắn cho cái mác "người nổi tiếng" là bắt đầu làm trời làm đất, lập phe kéo nhóm, tự tạo "phốt" để gây chú ý, đánh bên này bênh bên kia, rất bát nháo. Một bộ phận không nhỏ cư dân mạng, dưới danh nghĩa là người hâm mộ, dễ tin và dễ làm theo, đã hùa vào đám đông cuồng si thần tượng. Khi được tâng bốc quá mức thì KOL, KOC ắt phạm vào ranh giới sai trái.
Trong khi đó, cơ quan quản lý hữu quan thường bị động và phản ứng chậm trước những vụ ồn ào, thị phi, có dấu hiệu vi phạm của các KOL. Như lùm xùm kêu gọi từ thiện 16 tỉ đồng của TikToker Phạm Thoại và mẹ bé Bắp, dù bị dư luận hết sức nghi ngờ và chỉ trích gay gắt, song đến nay vẫn chưa được làm rõ, chưa ai bị xử lý. Nếu vụ này chìm xuồng thì những kẻ đang ủ mưu kiếm chác, trục lợi từ lòng bác ái của thiên hạ sẽ tiếp tục ra tay.
Bản án lương tâm, bản án của dư luận mới chỉ đánh vào phòng tuyến đạo đức, không hoàn toàn ngăn được hành vi tội phạm. Bản án luật pháp, mà phải thật thích đáng, nghiêm minh, mới chính là "bàn tay sắt" để chế ngự mầm mống của cái xấu, cái ác trong con người, đồng thời có tác dụng ngăn đe, bình ổn xã hội.