Cải thiện môi trường biển, tạo sinh kế bền vững
Quảng Ninh luôn kiên định thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ "nâu" sang "xanh" bền vững; xem công tác bảo vệ môi trường, trong đó có môi trường biển, là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách
Quảng Ninh sở hữu chiều dài bờ biển trên 250 km, diện tích vùng biển khoảng 6.000 km2. Đây là lợi thế rất lớn, là điều kiện thuận lợi để tỉnh phát triển kinh tế biển. Nhận thức rõ lợi thế này, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt để bảo vệ môi trường biển, tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Hệ sinh thái, môi trường biển ngày càng cải thiện
Gần đây, việc các loài sinh vật đại dương quý hiếm liên tục xuất hiện trên vùng biển Quảng Ninh là tín hiệu đáng mừng, cho thấy hệ sinh thái, môi trường biển của tỉnh ngày càng được cải thiện.
Cách đây không lâu, ở khu vực Vịnh Hạ Long và Cảng Ao Tiên (Vân Đồn), người dân đã bắt gặp những chú cá heo tung tăng bơi lội, săn bắt mồi. Trước đó, một ngư dân ở thị trấn Cô Tô, huyện Cô Tô khi đang câu cá ở gần khu vực Hòn Chuột, cách đảo Cô Tô lớn 3 km thì phát hiện 5 con cá heo đuổi theo một đàn cá nhỏ. Những con cá heo màu xám, nổi lên mặt nước nhiều lần trong 5 phút rồi bơi đi.

Thu gom rác trên Vịnh Hạ Long
Tại khu vực Cồn Phài, cách bờ biển thị trấn Cô Tô khoảng 2 - 3 km cũng xuất hiện đàn cá heo khoảng 30 con. Đây là số lượng cá heo xuất hiện nhiều nhất tại vùng biển này từ trước đến nay.
Việc cá heo, cá voi, rùa biển xuất hiện nhiều trên vùng biển Quảng Ninh không còn là hiện tượng hiếm. Vào giữa tháng 12-2023, một đàn cá voi cũng bơi vào phía Đông Nam đảo Cô Tô, cách bờ khoảng 6 hải lý. Trong năm 2023, các khu vực biển Quảng Ninh như Cô Tô, Vân Đồn, Móng Cái liên tục xuất hiện nhiều đàn cá heo, cá voi, rùa quý hiếm. Điều đó cho thấy hệ sinh thái, môi trường biển của tỉnh đang ngày càng trong sạch, thân thiện với các loài sinh vật đại dương.
Theo nhận định của các chuyên gia, môi trường biển trên địa bàn Quảng Ninh đã và đang được cải thiện, nguồn thức ăn cũng dồi dào trở lại. Đây chính là lý do khiến một số loại động vật quý hiếm như rùa, vích, cá heo, cá voi... quay lại sinh sống, săn mồi.
Thu gom triệt để rác thải
Lãnh đạo Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cho biết hiện nay, rác thải trong khu vực không phải từ du khách mà từ nhiều nguồn khác. Đó là rác thải trong quá trình chuyển đổi vật liệu nuôi trồng bằng phao xốp sang vật liệu bền vững, thân thiện môi trường; rác thải sinh hoạt như túi nhựa, chai nhựa, vỏ đựng thực phẩm... phát tán từ vùng bờ qua các cửa cống thoát nước ra vịnh; rác đại dương trôi nổi…
Nhằm quản lý, bảo vệ môi trường, bảo tồn di sản Vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo thu gom triệt để rác thải tại các đô thị, khu dân cư tập trung ven bờ. Tỉ lệ thu gom và xử lý rác thải khu vực đô thị ven bờ đã đạt 99%, trong đó chú trọng thu gom rác thải ở bờ biển và cống thoát nước.
Để nâng cao hiệu quả việc thu gom rác, tỉnh Quảng Ninh yêu cầu bố trí 2 vùng thu gom trên vịnh. Một là khu vực ven bờ để ngăn chặn từ nguồn rác thải phát sinh ra vịnh; hai là khu vực có các hoạt động kinh tế - xã hội trên Vịnh Hạ Long, điểm du lịch, dịch vụ, luồng tuyến tham quan, điểm nuôi trồng thủy sản, khu bãi triều, chân đảo, bãi cát...
Gần đây, Quảng Ninh đã tổ chức nhiều đợt cao điểm ra quân tổng thu gom rác thải trên Vịnh Hạ Long. Tỉnh còn tăng cường nhân lực, phương tiện thu gom rác thải trôi nổi, rác thải tại chân đảo, bãi cát trên vịnh.
Tính từ Tết Nguyên đán 2024 đến nay, mỗi ngày trên vịnh Hạ Long có khoảng 20 phương tiện và 40 - 50 nhân lực thu gom rác thải. Tổng lượng rác thải thu gom từ đầu năm đến nay khoảng trên 75 tấn và trên 2.000 m3 phao xốp, bè tre các loại.
Tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các địa phương ven bờ tổ chức nhiều đợt cao điểm thu gom, xử lý phao xốp, rác thải tại khu vực ven bờ, chân núi đá, bãi cát nhằm ngăn chặn từ nguồn phát tán rác thải ra Vịnh Hạ Long. Tỉnh cũng yêu cầu các địa phương tập trung thay thế toàn bộ phao xốp trong hoạt động nuôi trồng thủy sản; giám sát chặt chẽ việc di dời, tháo dỡ, xử lý phao xốp, lồng bè nuôi trồng thủy sản thải bỏ...
Theo ghi nhận của lực lượng chức năng, hiện nay, 100% tàu du lịch hoạt động trên Vịnh Hạ Long có hệ thống xử lý nước thải lần dầu. Các tàu du lịch đóng mới hoạt động trên vịnh phải lắp đặt hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt bảo đảm quy chuẩn quốc gia và dán nhãn sinh thái "Cánh buồm xanh". Địa phương khuyến khích các tàu du lịch thực hiện theo tiêu chí phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.
Dành 3% tổng ngân sách cho bảo vệ môi trường
Theo lãnh đạo Quảng Ninh, những năm qua, tỉnh đã ban hành, triển khai nhiều quyết sách, giải pháp bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển, góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản, tạo sinh kế bền vững...
Trước đó, Quảng Ninh đã ban hành Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài và nguồn gien nguy cấp, quý hiếm.
Đến nay, Quảng Ninh đã thực hiện hiệu quả chủ trương vận động người dân sắp xếp lại vùng nuôi biển theo hướng bền vững, có quy hoạch; không sử dụng phao xốp gây ảnh hưởng đến môi trường biển mà sử dụng phao bằng vật liệu thân thiện với môi trường...
Hằng năm, Quảng Ninh đã chi không dưới 3% tổng chi ngân sách địa phương cho công tác môi trường. 160 trạm quan trắc môi trường tự động đã được đầu tư, góp phần giám sát, kịp thời cảnh báo tình trạng ô nhiễm tại các địa phương, doanh nghiệp. Trên 6,1 triệu phao xốp sử dụng nuôi trồng thủy sản đã được thay thế, chuyển đổi bằng vật liệu nổi (đạt 98,5%).
Đây là những cơ sở quan trọng, mang tính chiến lược, định hướng lâu dài, xuyên suốt của tỉnh Quảng Ninh, qua đó giúp nâng cao ý thức, trách nhiệm của các doanh nghiệp, cộng đồng về việc bảo vệ môi trường, cải thiện rõ nét chất lượng môi trường. Điều này góp phần quan trọng vào việc bảo vệ đa dạng hệ sinh thái biển, tái tạo nguồn lợi thủy sản, tạo sinh kế bền vững, giúp người dân nâng cao đời sống.
Quảng Ninh đang hướng nghề nuôi trồng trên biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Vì vậy, nhiệm vụ bảo vệ môi trường biển, giữ gìn nguồn lợi thủy sản, tạo sinh kế bền vững giúp người dân ven biển ổn định cuộc sống luôn được địa phương quan tâm thực hiện với nhiều giải pháp hiệu quả.