Campuchia, Thái Lan lên tiếng sau cuộc điện đàm với Tổng thống Donald Trump
(NLĐO) - Campuchia đồng ý với đề xuất về một thỏa thuận ngừng bắn ngay lập tức và vô điều kiện giữa lực lượng vũ trang nước này và Thái Lan.
Thủ tướng Campuchia Hun Manet đưa ra tuyên bố trên vào đêm 26-7 sau cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump liên quan căng thẳng biên giới với Thái Lan.
Về phía Thái Lan, Bộ Ngoại giao nước này đã đưa ra phản hồi trước đề xuất của ông Donald Trump. Quyền Thủ tướng Thái Lan, ông Phumtham Wechayachai, đã cảm ơn Tổng thống Mỹ về sự quan tâm của ông. Đồng thời, ông Phumtham tuyên bố Bangkok "đồng ý về nguyên tắc việc thực hiện ngừng bắn" nhưng "muốn thấy thiện chí thực sự từ phía Campuchia".
Lời đe dọa của Tổng thống Mỹ Donald Trump
Theo hãng tin AP, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Thái Lan tái khẳng định mong muốn của Bangkok về các cuộc đàm phán song phương với Campuchia "càng sớm càng tốt nhằm đưa ra các biện pháp và thủ tục cho việc ngừng bắn và giải quyết hòa bình xung đột".
Cũng theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Thái Lan, ông Phumtham đã đề nghị ông Donald Trump truyền đạt quan điểm đó đến phía Campuchia.

Thị trấn Kantharalak của Thái Lan trở thành hoang vắng sau khi cư dân sơ tán tránh xung đột tại biên giới với Campuchia. Ảnh: The Nation
Theo tờ The Hill, Tổng thống Donald Trump đe dọa sẽ hủy bỏ các thỏa thuận thương mại tiềm năng với Thái Lan và Campuchia trong bối cảnh xung đột biên giới giữa hai nước đã khiến hàng chục ngàn dân thường phải sơ tán và ít nhất 32 người thiệt mạng.
Trên mạng xã hội Truth Social, ông Donald Trump viết: "Tình cờ thay, chúng tôi đang đàm phán thương mại với cả hai quốc gia, nhưng không muốn ký bất kỳ thỏa thuận nào với bất kỳ quốc gia nào, nếu họ đang giao tranh. Và tôi đã nói với họ như vậy".
Ông Donald Trump cho biết thêm: "Nhiều người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột, nhưng chuyện này khiến tôi nhớ đến cuộc xung đột giữa Pakistan và Ấn Độ, vốn đã được ngăn chặn thành công".
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kêu gọi kiềm chế
Lời này của ông Donald Trump ám chỉ đến những nỗ lực của Mỹ nhằm giúp làm trung gian cho một lệnh ngừng bắn giữa Ấn Độ và Pakistan vào tháng 5, sau khi hai bên có những cuộc tấn công trả đũa lẫn nhau.
Nhà lãnh đạo Mỹ sau đó cho biết Campuchia và Thái Lan đã đồng ý gặp nhau để đàm phán một lệnh ngừng bắn.
Sự can thiệp của ông Donald Trump tiếp ngay sau khi ASEAN gia tăng sức ép nhằm xoa dịu căng thẳng giữa hai thành viên.
Tại cuộc họp khẩn cấp ngày 25-7, các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã kêu gọi xuống thang căng thẳng và thúc giục ASEAN đóng vai trò trung gian để tìm kiếm một giải pháp hòa bình.
Dù Hội đồng Bảo an không đưa ra nghị quyết nào về cuộc khủng hoảng, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Maris Sangiampongsa ngày 26-7 cho biết 15 thành viên đều nhất trí kêu gọi kiềm chế, chấm dứt các hành động thù địch và tìm kiếm một giải pháp hòa bình.