CSGT TP HCM thông báo chi tiết cách di chuyển trên nhiều tuyến đường
(NLĐO) - Phòng CSGT Công an TP HCM vừa có thông báo quan trọng, hướng dẫn người dân cách di chuyển ở nhiều tuyến đường.
CLIP: CSGT TP HCM thông báo chi tiết cách di chuyển ở nhiều tuyến đường.
Ngày 17-7, đại diện Phòng CSGT (PC08) Công an TP HCM thông báo hướng dẫn người dân các hướng di chuyển khi cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây đóng để tổ chức thi công sửa chữa và thi công tại nút giao Vành đai 3 – Tân Vạn.

CSGT TP HCM hướng dẫn người dân di chuyển.
Theo Công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VECE) từ ngày 15 đến 30-7, một phần cao tốc TP HCM - Long Thành bị đóng để sửa khe co giãn trên cầu Long Thành và hệ thống ITS.
Bên cạnh đó, nhiều vị trí trên cao tốc dài 55 km nối TP HCM - Đồng Nai bị rào chắn một tháng, xe phải hạn chế tốc độ. Thời gian sửa chữa khe co giãn trụ P26 cầu Long Thành dự kiến kéo dài 15 ngày, bắt đầu từ 15-7, đơn vị thi công rào chắn 1/2 mặt cầu bên trái tuyến (hướng Đồng Nai đi TP HCM), đồng thời hạn chế tốc độ xe qua khu vực này để đảm bảo an toàn.
PC08 hướng dẫn lộ trình đi thích hợp như sau:
Đối với các phương tiện di chuyển theo hướng cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây (hướng từ TP HCM đi Đồng Nai):
+ Lộ trình 1: Cầu Sài Gòn - Điện Biên Phủ - rẽ phải Quốc lộ 13 - Cầu Bình Triệu – đi thẳng Quốc lộ 13 – rẽ phải Vòng xoay Bình Phước – Đỗ Mười – rẽ trái Vòng xoay Linh Xuân – Hoàng Cầm – Quốc lộ 1K – Đồng Nai
+ Lộ trình 2: Hầm sông Sài Gòn - Mai Chí Thọ - Võ Nguyên Giáp - Đỗ Mười - Cầu Đồng Nai - Đồng Nai
+ Lộ trình 3: Cầu Phú Mỹ - Võ Chí Công - đi thẳng qua Vòng xoay Phú Hữu - Võ Chí Công - đi thẳng qua Vòng xoay Liên Phương - rẽ trái đường D1 - Khu Công nghệ cao - rẽ phải Võ Nguyên Giáp – đi thẳng Đỗ Mười - cầu Đồng Nai - Đồng Nai.
+ Lộ trình 4: Cầu Phú Mỹ - Võ Chí Công – rẽ phải Vòng xoay Mỹ Thủy – Nguyễn Thị Định – cuối đường vào Phà Cát Lái – Đồng Nai.
Lưu ý từ 5 giờ đến 21 giờ mỗi chuyến cách nhau 10 phút, từ 21 giờ đến 5 giờ hôm sau, mỗi chuyến cách nhau 30 phút. Tuy nhiên nên hạn chế đi Phà Cát Lái từ thứ năm đến thứ bảy do lưu lượng xe vào Cảng Cát Lái tăng cao.
Lộ trình thay thế khi thi công nút giao Vành Đai 3 – Tân Vạn như sau:
- Quốc lộ 1A hướng lưu thông từ TP HCM đi Đồng Nai
Khi các đơn vị thi công đóng làn xe hỗn hợp (xe 2,3 bánh và xe con) trên tuyến Quốc Lộ 1A. Các phương tiện xe 2 bánh và xe con lưu thông hướng từ TP HCM đi Đồng Nai trên tuyến Quốc 1A - rẽ phải vào đường Vành Đai tại km 1874 +560 (khu dân cư Long Bình) - đi thẳng đến Nguyễn Xiển – sau đó rẽ trái vào Nguyễn Xiển - Quốc 1A - cầu Đồng Nai.
- Quốc lộ 1A hướng lưu thông từ Cầu Đồng Nai đi TP HCM.
Sau khi đơn vị thi công đóng đường ĐT743 đi Mỹ Phước Tân Vạn (khu vực Bình Dương cũ) thì các phương tiện muốn lưu thông đi Mỹ Phước Tân Vạn (khu vực Bình Dương cũ) người tham gia giao thông có thể chọn các lộ trình thay thế như sau:
+ Lộ trình 1: Đi Quốc Lộ 1A đến nút giao Ngã 3 Vũng Tàu - Lê Văn Duyệt - cầu An Hảo (Đồng Nai) - cầu Hóa An - Quốc lộ 1K - Mỹ Phước Tân Vạn.
+ Lộ trình 2: Đi tuyến Cao Tốc Long Thành – Dầu Giây - TP HCM
+ Lộ Trình 3: Các phương tiện lưu thông tuyến Quốc Lộ 1A - Cầu Đồng Nai đi trên cầu vượt Tân Vạn - rẽ phải vào đường Số 3 (Cổng Khu công nghiệp dệt may Bình An) - rẽ phải ra lại đường ĐT743 đi Mỹ Phước Tân Vạn.
Lưu ý tuyến đường Quốc 1A từ Cầu Đồng Nai đến đường số 3 đường có 3 làn đường (2 làn xe ô tô và 1 làn xe hỗn hợp) nên lưu lượng phương tiện đông di chuyển chậm).
Ngoài ra, lực lượng CSGT khuyến cáo người dân có thể sử dụng phương tiện khác để lưu thông trong thời gian trên, cụ thể như sau:
Từ Bến Bạch Đằng đến Bến tàu cao tốc Vũng Tàu, theo lộ trình như sau:
Lộ trình di chuyển TP HCM ( đường Huỳnh Tấn Phát) đi tỉnh Vũng Tàu cũ như sau:
Lượt đi: Bắt đầu từ Bến Bạch Đằng (10B Tôn Đức Thắng, phường Sài Gòn) và kết thúc tại Bến tàu cao tốc Vũng Tàu (1A Trần Phú, phường Vũng Tàu).
Bắt đầu xuất phát: 8 giờ - 1 chuyến, 9 giờ - 1 chuyến, 10 giờ - 1 chuyến, 12 giờ và 14 giờ (tăng cường vào ngày cao điểm thứ bảy và chủ nhật). Trung bình mỗi ngày từ thứ hai đến thứ sáu chỉ 2 chuyến: 9 giờ và 12 giờ.
Lượng khách trung bình đi 1 chuyến là 60 khách. Hiện có 5 phương tiện phục vụ, nếu đặt vé online trước 3 ngày, có giá tiền là 270.000 /vé, trực tiếp mua là 320.000 đồng/vé.
Lượt về: Ngược lại, có các chuyến 10, 12, 14, 15, 16 giờ và kết thúc vào 18 giờ hằng ngày.
Bến phà Bình Khánh (Nhà Bè – Cần Giờ):
Thời gian hoạt động 24/24, cho tất cả các loại phương tiện (trừ xe đầu kéo kéo theo rơ moóc, sơ mi rơ moóc).
Phà có trọng tải: 25 tấn, chiều cao không quá 4 m, thời gian qua phà: 15 phút/lượt
Bến phà Cần Giờ - Vũng Tàu:
Thời gian hoạt động: 6 giờ đến 20 giờ (thứ hai đến thứ sáu) và 6 giờ đến 21 giờ (thứ bảy, chủ nhật), cho tất cả các loại phương tiện.
Phà có trọng tải: 25 tấn, chiều cao không hạn chế, thời gian qua phà: 35 đến 40 phút/lượt.
Hai đầu phà của Bến phà Cần Giờ xuất phát cùng giờ, cách nhau 1 giờ/chuyến
Lộ trình di chuyển TP HCM (đường Huỳnh Tấn Phát) đi Vũng Tàu như sau:
Đường Huỳnh Tấn Phát → Cầu Phú Xuân → Phà Bình Khánh → đường Rừng Sác → đường Lương Văn Nho → đường Tắc Xuất → Bến phà Cần Giờ. Chỉ có một lộ trình hướng TP HCM đi Vũng Tàu và Vũng Tàu đi TP HCM, tổng chiều dài lộ trình phà Bình Khánh đến Bến phà Cần Giờ là 42 km; thời gian di chuyển 50 phút.