Dự báo “nóng”: Tin xấu cho chứng khoán
(NLĐO) - Sự kiện Trung Quốc mở cửa biên giới từ hôm nay, ngày 8-1, ảnh hưởng đến chứng khoán châu Á; còn việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể tiếp tục tăng lãi suất khiến thị trường chứng khoán của nền kinh tế số 1 thế giới biến động mạnh.
Lạm phát có thể hạ nhiệt, báo hiệu việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang có hiệu quả như mong đợi. Chỉ số Dow Jones tăng 2,13%, S&P 500 tăng 2,28% và Nasdaq Composite tăng 2,6% khi kết thúc phiên giao dịch hôm 6-1 (giờ địa phương). Đây là phiên tăng điểm mạnh mẽ nhất của Dow Jones và S&P 500 kể từ ngày 30-11-2022 và của Nasdaq kể từ ngày 29-12-2022.
Chứng khoán Mỹ "đẫm máu", châu Á lạc quan
Tuy nhiên, đó chỉ là một phiên tăng điểm của chứng khoán Mỹ sau tuần đầu năm với liên tiếp những phiên "đẫm máu". Chứng khoán Mỹ được cho là hồi phục vào ngày 6-1 nhờ hiệu ứng từ báo cáo việc làm tháng 12-2022 với nội dung cho thấy nước này có thêm 223.000 việc làm, cao hơn dự báo.
Cục Thống kê Lao động Mỹ cũng công bố số liệu người đăng ký trợ cấp thất nghiệp thấp hơn dự báo, càng củng cố nhận định thị trường việc làm đang tích cực sau khi FED nâng lãi suất 7 lần liên tục. Theo đài CNBC, tăng trưởng tiền lương giảm tốc trong tháng 12-2022 nhưng tốt hơn dự báo cũng là một dấu hiệu cho thấy thị trường lao động vẫn mạnh mẽ ngay cả khi FED nỗ lực làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế nhằm kiềm chế lạm phát.
Trong khi đó, ở châu Á, thị trường chứng khoán chứng kiến nhiều phiên tăng điểm trong những ngày đầu năm 2023 nhờ sự lạc quan về việc Trung Quốc mở cửa biên giới sau 3 năm áp đặt các biện pháp phòng ngừa dịch COVID-19.

Bảng điện hiển thị chỉ số Nikkei và tỉ giá hối đoái giữa đồng yen và USD bên ngoài công ty môi giới chứng khoán tại Tokyo - Nhật Bản hôm 4-1. Ảnh: REUTERS
Các chỉ số quan trọng tại châu Á như Nikkei của Nhật Bản, Kospi của Hàn Quốc, MSCI châu Á - Thái Bình Dương (không tính Nhật Bản) và hầu hết chỉ số chứng khoán ở Trung Quốc đều kết thúc phiên giao dịch tuần đầu tiên của năm 2023 trong sắc xanh.
Trong đó, chứng khoán Trung Quốc ghi nhận chuỗi 5 ngày tăng điểm nhờ kỳ vọng của các nhà đầu tư về nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2023. Khối ngoại đã mua ròng 20 tỉ nhân dân tệ (tương đương 2,9 tỉ USD) cổ phiếu Trung Quốc trong tuần này, sức mua lớn nhất trong một tuần kể từ ngày 2-12-2022.

Sàn giao dịch chứng khoán ở Frankfurt, Đức hôm 3-1. Ảnh: REUTERS
Khả năng tiếp tục tăng lãi suất
Ông Anthony Saglimbene, Giám đốc chiến lược thị trường tại Công ty Dịch vụ tài chính Ameriprise (Mỹ), nhận định: "Rõ ràng là tin tốt trên thị trường lao động lại là tin xấu đối với thị trường chứng khoán. Thị trường lao động còn phục hồi thì FED còn phải tiếp tục siết chặt các điều kiện tài chính để giảm lạm phát".
Năm 2023, hầu hết nhà kinh tế dự báo Mỹ sẽ có một cuộc suy thoái nông, bắt nguồn từ việc FED thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát vẫn đang ở gần mức cao nhất kể từ đầu những năm 1980.
Theo biên bản họp hồi tháng 12-2022, các quan chức của FED cam kết tiếp tục cuộc chiến chống lạm phát và kỳ vọng lãi suất sẽ tăng cao hơn cho tới khi có tiến triển về việc hạ nhiệt lạm phát. Phát biểu hôm 4-1, ông Neel Kashkari, Chủ tịch FED Chi nhánh Minneapolis, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục tăng lãi suất, đồng thời đưa ra dự báo rằng lãi suất chính sách nên dừng ở mức 5,4%.
Ông Mike Loewengart, Trưởng Bộ phận xây dựng danh mục của Văn phòng Đầu tư Toàn cầu của Ngân hàng Morgan Stanley (Mỹ), nhìn nhận: "Biên bản cuộc họp của FED là một lời nhắc nhở đối với nhà đầu tư rằng lãi suất sẽ còn cao trong cả năm 2023. Một khi thị trường lao động còn mạnh mẽ, việc chống lạm phát vẫn sẽ là vấn đề trọng tâm của FED. Nhìn chung, dù đã sang năm mới, những trở ngại của năm cũ vẫn còn nguyên".
Giới quan sát thị trường đang đặt cược khả năng đến 68,8% FED nâng lãi suất 0,25 điểm % trong cuộc họp tiếp theo vào tháng 2-2023 và cho rằng lãi suất sẽ đạt đỉnh ở mức dưới 5% trước tháng 6-2023.
Ông Peter Boockvar, Giám đốc đầu tư của Nhà hoạch định tài chính Bleakley Financial Group (Mỹ), nhận định FED đang cố gắng giảm nhịp độ tăng lãi suất nhưng không muốn thị trường vui mừng quá sớm về kịch bản FED sẽ nới lỏng chính sách tài chính. Có nghĩa là, FED muốn siết chặt chính sách, kiềm chế lạm phát nhưng không muốn gây ra suy thoái.

Bên ngoài Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE) ở TP New York - Mỹ. Ảnh: REUTERS
Việt Nam: Cổ phiếu ngành nào chờ hưởng lợi?
Thị trường chứng khoán trong nước tuần qua ghi nhận điểm số bật tăng mạnh cùng thanh khoản cải thiện so với tuần trước đó, được dẫn dắt bởi chỉ số VN-Index với mức tăng 4,4% lên 1.051,4 điểm. Các chỉ số khác cũng tăng điểm khá ấn tượng trong tuần đầu năm, cụ thể: HNX-Index và Upcom-Index tăng lần lượt 2,6% và 1,5% từ đầu tuần và đóng cửa tuần giao dịch tại 210,6 và 72,7 điểm.
Xu hướng thị trường được hỗ trợ bởi những thông tin tích cực đầu năm, trong đó có việc Trung Quốc thông báo chính thức mở cửa đường bay quốc tế từ hôm nay, ngày 8-1.
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường - Công ty Chứng khoán VNDirect, cho biết thanh khoản thị trường được cải thiện với giá trị giao dịch bình quân 3 sàn tăng 9,3% lên 11.724 tỉ đồng. Trên nền tảng vĩ mô ổn định và định giá hấp dẫn, khối ngoại tiếp tục duy trì tuần mua ròng kể từ đầu tháng 11-2022. Chỉ riêng trên sàn HOSE, mở đầu năm mới, khối ngoại đã mua ròng 1.637 tỉ đồng.
Trong dài hạn, dòng tiền trên thị trường chứng khoán được dự đoán sẽ tiếp tục cải thiện sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhất là ở những nhóm ngành được hưởng lợi từ những xu hướng vĩ mô lớn trong năm 2023, như: hàng không, du lịch, xuất khẩu thủy sản, cao su, xi-măng...
Tại báo cáo Vietnam At A Glance vừa công bố, các chuyên gia của HSBC nhìn nhận việc Trung Quốc mở cửa trở lại nhiều khả năng sẽ mang đến cú hích cần thiết cho kinh tế Việt Nam, đặc biệt là ngành du lịch. Cũng giống Thái Lan, nguồn khách du lịch lớn nhất của Việt Nam chủ yếu đến từ Trung Quốc đại lục với tỉ trọng 30%. Một thuận lợi khác là Việt Nam đang cân nhắc các biện pháp nhằm đạt mục tiêu thu hút 8 triệu du khách trong năm 2023, ví dụ: kêu gọi kéo dài thời gian miễn thị thực cho khách nước ngoài lên 30 ngày, triển khai thị thực điện tử (e-visa) cho công dân các nước…
Cẩn trọng lạm phát
Ở góc nhìn rộng hơn, các chuyên gia của HSBC cho rằng cần Việt Nam cần lưu tâm đến vấn đề lạm phát. Dù lạm phát chính của năm tương đối thấp, chỉ 3,2%, nhưng áp lực lạm phát vẫn mạnh lên. Tháng 12-2022 là tháng thứ 3 liên tiếp lạm phát vượt mức trần 4% của Ngân hàng Nhà nước, đồng nghĩa Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng sẽ tiếp tục chu kỳ thắt chặt.
Là ngân hàng trung ương cuối cùng ở ASEAN có động thái điều chỉnh lãi suất, Ngân hàng nhà nước đã tăng lãi suất cơ sở 2 điểm % trong năm 2022. Các chuyên gia phân tích của HSBC dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ nâng lãi suất tái cấp vốn 0,5 điểm % trong quý I/2023 và quý II/2023, đưa mức lãi suất này lên 7,0% vào giữa năm 2023.
Báo cáo chiến lược 2023 của VNDirect mới đây cũng đề cập áp lực đối với mặt bằng lãi suất trong nước và tỉ giá hối đoái có thể kéo dài cho đến quý II/2023, sau đó sẽ giảm bớt đáng kể khi FED chuyển dịch chính sách tiền tệ sang hướng trung lập hơn.
Trong khi đó, bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc phân tích của VNDirect, nhận định Ngân hàng Nhà nước có thể giữ nguyên lãi suất điều hành trong năm 2023 do FED giảm tốc độ tăng lãi suất, chỉ số đồng USD có xu hướng giảm và lạm phát trong nước tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. "Kỳ vọng áp lực đối với VNĐ sẽ giảm đáng kể từ quý II/2023 và dự báo VNĐ có thể tăng 1%-2% so với USD trong năm 2023 do FED chuyển từ chính sách "thắt chặt tiền tệ" sang "bình thường hóa". Dù vậy, không loại trừ rủi ro FED thắt chặt tiền tệ mạnh hơn và lâu hơn so với kỳ vọng của thị trường nếu lạm phát hạ nhiệt không như kỳ vọng" - bà Trần Khánh Hiền dự báo.
VNĐ hồi phục cùng nhịp nhân dân tệ
Trong báo cáo kinh tế vĩ mô vừa công bố, Ngân hàng UOB (trụ sở tại Singapore) thông tin VNĐ đã tăng trở lại từ 24.500 đồng/USD hồi đầu tháng 12-2022 lên khoảng 23.630 đồng/USD ở thời điểm hiện tại. Động thái này trùng hợp với sự phục hồi của nhân dân tệ khi các biện pháp kiềm chế COVID-19 được nới lỏng và nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại.
"Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Không có gì ngạc nhiên khi VNĐ có mối tương quan chặt chẽ với nhân dân tệ. Sự suy yếu của nhân dân tệ kéo dài do những lo ngại về tăng trưởng và chính sách "Zero COVID-19" đã khiến VNĐ rơi xuống mức thấp kỷ lục mới là 24.874 đồng/USD vào đầu tháng 11-2022, bất chấp các yếu tố cơ bản trong nước khá mạnh mẽ" - các chuyên gia của Ngân hàng UOB nêu rõ.

Giới quan sát lo ngại sự phục hồi của Trung Quốc khó có thể diễn ra suôn sẻ do sự gia tăng nhanh chóng các ca nhiễm COVID-19. Trong ảnh: Khách hàng xem đồ trang trí cho Tết Nguyên đán tại một khu chợ ở Bắc Kinh - Trung Quốc ngày 7-1. Ảnh: REUTERS
Cũng theo Ngân hàng UOB, trong khi các thị trường ủng hộ việc Trung Quốc mở cửa trở lại sớm hơn dự kiến song quỹ đạo phục hồi của quốc gia này khó có thể diễn ra suôn sẻ do sự gia tăng nhanh chóng các ca nhiễm COVID-19. Ngoài ra, suy thoái dự kiến xảy ra ở các nền kinh tế phương Tây có khả năng làm tăng thêm bất ổn, tác động đáng kể tới tỉ giá USD/VNĐ trong thời gian tới.