Đảo băng ẩn giấu kho tàng: Khi Tổng thống Donald Trump "để ý" Greenland
(NLĐO) - Việc kích hoạt Điều 5 của Hiến chương NATO đối với Greenland trở nên phức tạp bởi cả Đan Mạch và Mỹ đều là thành viên liên minh quân sự này
Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần bày tỏ mong muốn Washington giành quyền kiểm soát Greenland. Ông cho biết muốn đưa lãnh thổ tự trị thuộc Đan Mạch này chịu sự quản lý của Mỹ "vì lý do an ninh quốc gia và an ninh quốc tế".
Nhiều chuyên gia tỏ ra hoài nghi về tính khả thi của kịch bản này trong khi các chính trị gia ở Greenland và Đan Mạch kiên quyết bác bỏ ý tưởng của ông chủ Nhà Trắng. Tuy nhiên, hiện chính quyền Mỹ dường như vẫn chưa bị lay chuyển.
Căn cứ quan trọng
Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ "để ý" Greenland. Năm 1865 - thời Tổng thống Mỹ Andrew Johnson, Ngoại trưởng William H Seward đã đề xuất với Chính phủ Đan Mạch về việc mua lại Greenland và Iceland. Đan Mạch và Mỹ đã bước vào đàm phán nhưng không tìm được tiếng nói chung.
Đến năm 1946, Ngoại trưởng Mỹ James Byrne đưa ra đề nghị mua Greenland với giá 100 triệu USD.
Trong Thế chiến II, Mỹ đưa quân đến Greenland với lý do bảo đảm an ninh quốc gia sau khi Đức kiểm soát Đan Mạch. Đến năm 1949, tranh chấp về Greenland mới được giải quyết khi Mỹ đồng ý từ bỏ yêu cầu duy trì hiện diện tại đây sau khi Đan Mạch gia nhập NATO.
Bản đồ vị trí Greenland và Mỹ. Nguồn: OpenStreetMaps
Mỹ có một căn cứ quân sự quan trọng ở phía Bắc Greenland, gọi là Căn cứ Không gian Pituffik (tên cũ là Căn cứ Không quân Thule). Phó Tổng thống Mỹ JD Vance gần đây đã đến thăm căn cứ này trong chuyến đi "chọc giận" giới chức và người dân địa phương.
Quân đội Mỹ đến Greenland - khi đó là thuộc địa của Đan Mạch - vào năm 1941, ngay sau khi Đan Mạch bị Đức Quốc xã chiếm đóng trong Thế chiến II. Động thái này của Mỹ nhằm bảo vệ khu vực khỏi tàu ngầm Đức, xây dựng sân bay và trạm khí tượng.
Vào năm 1951, Đan Mạch và Mỹ đạt thỏa thuận cho phép quân đội Mỹ xây dựng Căn cứ Không quân Thule ở Greenland.
Căn cứ Không quân Thule đóng vai trò là tiền đồn ở Bắc Cực thời chiến tranh lạnh, được quân đội Mỹ sử dụng để quét tìm tên lửa và giám sát không gian.
Đến tháng 4-2023, Căn cứ Không quân Thule được đổi tên thành Căn cứ Không gian Pituffik nhằm “tôn vinh di sản văn hóa Greenland". Cơ sở này hiện vẫn đảm nhận các nhiệm vụ phòng thủ tên lửa, giám sát không gian và vận hành hệ thống phát hiện tên lửa đạn đạo trước khi chúng tiếp cận lãnh thổ Mỹ.
Theo tạp chí Forbes, Không quân và Lực lượng Không gian Mỹ có khoảng 150 nhân sự thường trực tại Căn cứ Pituffik, bên cạnh người của Đan Mạch và Greenland.
Căn cứ Không gian Pituffik ở miền Tây Bắc Greenland. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ
Một phái đoàn chụp hình trước mái vòm radar tại Căn cứ Không gian Pituffik. Ảnh: Lực lượng Không gian Mỹ
Những kịch bản nào cho Greenland?
Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa đưa ra nhiều chi tiết về cách thức giành quyền kiểm soát Greenland, ngoài việc tuyên bố không loại trừ khả năng sử dụng biện pháp quân sự.
Là lãnh thổ tự trị của Đan Mạch, Greenland không có quân đội riêng. Quân đội Đan Mạch chịu trách nhiệm bảo vệ Greenland và hòn đảo này nằm trong khu vực do NATO giám sát.
Về lý thuyết, mọi động thái quân sự nhằm vào Greenland đều có thể kích hoạt Điều 5 của Hiến chương NATO. Theo đó, bất cứ hành động tấn công hoặc đe dọa nào nhằm vào một trong các thành viên của NATO đều sẽ bị coi là nhằm vào toàn bộ liên minh và cho phép họ tiến hành biện pháp phòng vệ tập thể.
Tuy nhiên, điều khoản phòng thủ chung ấy trở nên phức tạp bởi thực tế, cả Đan Mạch lẫn Mỹ đều là thành viên NATO và chưa rõ giải pháp cho vấn đề này.
Lực lượng Mỹ huấn luyện tại Căn cứ Không gian Pituffik. Ảnh: Lục quân Mỹ
Ngoài lựa chọn quân sự, trong thời gian tới, tình hình liên quan Greenland có thể đi theo các hướng sau, theo tờ USA Today (Mỹ):
Greenland bỏ phiếu độc lập, đề nghị gia nhập Mỹ
Người dân Greenland đã tranh luận trong nhiều năm về việc liệu lãnh thổ này có thể phát triển tốt hơn với tư cách một quốc gia độc lập hay không. Điều này có thể trở thành hiện thực nếu một cuộc trưng cầu ý dân được tổ chức. Đan Mạch đã tuyên bố sẽ cho phép bước đi này nếu có đủ người dân ủng hộ.
Nếu Greenland độc lập, họ có thể chọn trở thành lãnh thổ liên kết với Mỹ. Một lựa chọn có thể là thiết lập "hiệp ước liên kết tự do" với Mỹ, tương tự quy chế của các quốc đảo Thái Bình Dương, gồm Quần đảo Marshall, Micronesia và Palau.
Các cuộc thăm dò cho thấy phần lớn người Greenland muốn độc lập nhưng họ chỉ sẵn sàng thực hiện điều đó nếu không đánh mất mức sống hiện tại - vốn được duy trì nhờ hệ thống phúc lợi của Đan Mạch.
Ông Donald Trump tìm cách mua lại Greenland
Hiện vẫn chưa rõ chính quyền ông Donald Trump có thể mua lại Greenland bằng cách nào, nhất là khi Đan Mạch nhiều lần khẳng định hòn đảo này không phải để bán.
Không có con đường pháp lý hoặc thương mại nào rõ ràng cho kế hoạch này. Dù vậy, điều trùng hợp là vùng lãnh thổ nước ngoài gần đây nhất mà Mỹ mua lại chính là từ Đan Mạch. Năm 1917, Mỹ đã mua quần đảo Virgin với giá 25 triệu USD.
Ông David Barker, một nhà phát triển bất động sản và cựu chuyên gia tại Cục Dự trữ Liên bang New York - Mỹ, gần đây ước tính số tiền bỏ ra để mua Greenland dao động từ 12,5 tỉ đến 77 tỉ USD. Ước tính này được dựa theo giá trị thương vụ mua quần đảo Virgin và Alaska (7,2 triệu USD, năm 1867), đã được điều chỉnh theo lạm phát và tăng trưởng kinh tế.
Ông Donald Trump gây sức ép kinh tế lên Greenland và Đan Mạch
Theo một số chuyên gia, ông Donald Trump có thể tìm cách áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ Đan Mạch bằng cách viện dẫn Đạo luật Quyền lực Kinh tế khẩn cấp quốc tế năm 1977.
Đạo luật này trao cho tổng thống Mỹ quyền hạn rộng rãi để tăng thuế quan dưới danh nghĩa bảo vệ an ninh kinh tế và quốc gia.
Cuối cùng là khả năng ông Donald Trump sẽ mất dần sự quan tâm đối với Greenland và sẽ không có diễn biến đáng kể nào xảy ra.
Nhiều trở ngại, thách thức
Người dân biểu tình trước Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Copenhagen – Đan Mạch hôm 29-3 để phản đối quan điểm của Mỹ liên quan Greenland Ảnh: Tân Hoa Xã
Nhà nghiên cứu địa lý Barry Scott Zellen của Đại học Connecticut (Mỹ) cho rằng một cuộc chiếm đóng quân sự Greenland, nếu diễn ra, sẽ "nhanh chóng và gần như không đổ máu". Ông lập luận rằng do Greenland là đồng minh lâu năm của Mỹ nên họ có thể cảm thấy thân thiện hơn và ít phản đối hơn trước một cuộc tiếp quản của Washington.
Tuy nhiên, ông Ulrik Pram Gad, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch, gọi ý tưởng chiếm đóng quân sự nói trên là "lố bịch."
"Greenland không phải là lãnh thổ có thể dễ dàng bị quân sự hóa: Đây là một khối băng khổng lồ, bao quanh là dải đất đá với những ngọn núi sắc nhọn và các vịnh băng sâu" - ông Gad nói với trang Newsweek. Theo chuyên gia này, không có con đường nào kết nối các khu định cư nên một khi lực lượng chiếm đóng đặt chân lên đó, họ không thể đi đâu.
Ngoài ra, mọi nỗ lực chiếm Greenland bằng vũ lực sẽ vi phạm luật pháp quốc tế, có khả năng dẫn đến hậu quả ngoại giao và kinh tế nghiêm trọng, thậm chí là xung đột quân sự.
"Xét từ góc độ luật pháp quốc tế, hành động đơn phương sáp nhập hoặc ép buộc tiếp quản Greenland rõ ràng sẽ vi phạm các nguyên tắc quốc tế, đặc biệt là về toàn vẹn lãnh thổ và quyền tự quyết" - ông Romain Chuffart, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Viện Bắc cực (Mỹ), nhận định.
Tân Thủ hiến Greenland, ông Jens-Frederik Nielsen, vừa lên tiếng khẳng định tương lai lãnh thổ này do người dân ở đó quyết định. Ảnh: knr.gl
Bên cạnh đó, theo ông Phillip Lipscy, chuyên gia tại Đại học Toronto (Canada), lựa chọn quân sự sẽ không được chấp nhận về mặt chính trị trong và ngoài nước Mỹ, và quan trọng nhất là không được người dân Mỹ ủng hộ.
Theo một cuộc thăm dò do tờ The Wall Street Journal công bố không lâu trước khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng đầu năm nay, 68% người Mỹ phản đối ý tưởng trên.
Ông Lipscy cho rằng dù việc sáp nhập Greenland có thể củng cố an ninh của Mỹ tại Vòng Bắc Cực nhưng động thái này không thực sự cần thiết do sự hiện diện quân sự và hải quân của các quốc gia NATO trong khu vực.
Theo chuyên gia Lipscy, nếu ông Donald Trump tiếp tục phớt lờ mong muốn của Greenland và Đan Mạch, điều này sẽ làm xấu thêm các mối quan hệ quốc tế, ảnh hưởng đến các liên minh kinh tế, an ninh quốc gia và chính trị vốn đã tồn tại từ sau Thế chiến II.