Đề xuất hỗ trợ học phí, tiền ăn trưa cho con công nhân

Nhóm đối tượng được Chính phủ đề xuất bổ sung hỗ trợ học phí, tiền ăn trưa là con công nhân 3-5 tuổi, đang học tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở KCN

Tại dự thảo nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-5 tuổi, có 3 chính sách trọng tâm được đề xuất, gồm hỗ trợ thiết thực cho trẻ em, đầu tư mạng lưới trường lớp và chính sách đột phá cho đội ngũ giáo viên. Mục tiêu là đến năm 2030, 100% tỉnh, thành phố được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em ở độ tuổi này.

Bổ sung nhóm trẻ em được hỗ trợ

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn, hằng năm có khoảng 5,1 triệu trẻ mầm non được nuôi dưỡng, giáo dục tại hơn 32.400 trường, nhóm trẻ, trong đó phần lớn ở độ tuổi 3-5. Tỉ lệ trường mầm non dân lập, tư thục chiếm khoảng 21% và tỉ lệ trẻ em học ở các cơ sở giáo dục này chiếm khoảng 27,4%. Mặt khác, cả nước hiện có khoảng 300.000 trẻ em 3-4 tuổi ở vùng khó khăn, dân tộc thiểu số, con công nhân... vẫn đang ở ngoài phạm vi được hỗ trợ để có thể đến trường. Thực tế này cho thấy nguyên tắc công bằng xã hội trong lĩnh vực giáo dục chưa được bảo đảm.

Trong báo cáo đánh giá tác động của chính sách, Bộ GD-ĐT nêu rõ: Nghị định 105/2020 về quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non mới chỉ miễn học phí cho toàn bộ trẻ mẫu giáo 5 tuổi từ năm học 2024-2025 và mức hỗ trợ còn thấp; đối tượng trẻ 3-4 tuổi chưa được miễn. Bên cạnh đó, Luật Giáo dục cũng chỉ quy định phổ cập cho trẻ 5 tuổi, chưa có hành lang pháp lý đầy đủ cho nhóm 3-4 tuổi, trong khi yêu cầu định hướng về mặt chính trị đã được đặt ra. "Việc sửa luật cần thời gian và cần có đánh giá toàn diện. Vì vậy, ban hành nghị quyết của Quốc hội lúc này là phương án rất cần thiết, cấp bách, vừa nhằm thực hiện nghị quyết của Trung ương vừa là đòi hỏi của thực tế" - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định.

Con công nhân gửi tại Trường Mầm non Thanh Bình (TP Thủ Đức, TP HCM). Ảnh: HỒNG ĐÀO

Con công nhân gửi tại Trường Mầm non Thanh Bình (TP Thủ Đức, TP HCM). Ảnh: HỒNG ĐÀO

Dự thảo nghị quyết đề xuất bổ sung chính sách hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập, hoạt động, có cha hoặc mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng hợp pháp là công nhân đang làm việc tại các KCN được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động. Đồng thời, đề xuất nâng mức hỗ trợ tiền ăn trưa so với quy định hiện hành cho trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi. Cụ thể, khoản hỗ trợ chi phí học tập là 150.000 đồng/trẻ/tháng; tiền ăn trưa nâng lên 200.000 đồng/trẻ/tháng (hiện nay là 160.000 đồng/trẻ/tháng).

Theo ước tính, tổng chi cho hai khoản nêu trên là hơn 1.062 tỉ đồng/năm, bao gồm cả chi phí hỗ trợ các nhóm trẻ theo diện chính sách khác. "Nếu thực hiện chính sách này, công nhân ở KCN có con thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước sẽ phấn khởi, yên tâm công tác, lao động, sản xuất" - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định.

Chính sách nhân văn, ý nghĩa

Trước đề xuất của Chính phủ về việc hỗ trợ học phí và nâng mức hỗ trợ tiền ăn trưa cho học sinh mầm non 3-5 tuổi là con công nhân, học tại các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở KCN, với tổng mức hỗ trợ 350.000 đồng/tháng, nhiều công nhân bày tỏ sự vui mừng, cảm kích - nhất là những người có con nhỏ đang gửi tại các cơ sở ngoài công lập.

Chị Ngô Thị Út Phương (công nhân may tại TP HCM) nhận xét đây là chính sách thiết thực, giúp giảm bớt gánh nặng chi phí nuôi con trong bối cảnh vật giá leo thang. Tuy nhiên, chị cho rằng mức đề xuất hỗ trợ còn khá thấp so với mặt bằng chi phí tại các đô thị lớn như TP HCM. "Thực tế, học phí ở nhiều trường cao hơn nhiều so với mức hỗ trợ, chưa kể còn tiền đóng góp thêm, tiền ăn, tiền học kỹ năng..." - chị Phương bày tỏ.

Là công nhân giày da tại tỉnh Bình Dương, chị Đặng Thị Quỳnh băn khoăn thủ tục xét duyệt để được hỗ trợ có minh bạch, thuận tiện hay không. "Tôi có 2 con, một bé học mầm non và một bé học lớp 2. Chi phí lo ăn học hằng tháng cho 2 con chiếm một nửa thu nhập của gia đình. Nếu chính sách mở rộng phạm vi hỗ trợ tới cả bậc tiểu học thì sẽ tốt hơn rất nhiều" - chị Quỳnh kiến nghị thêm.

Bà Lê Thị Lệ Huyền, Phó Chủ tịch Công đoàn các KCX-CN TP HCM, nhìn nhận Chính phủ đề xuất chính sách nhân văn và ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm đối với các gia đình công nhân trong việc chăm sóc, giáo dục con cái.

Theo bà Huyền, với Nghị định 105/2020, để trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại KCN được hỗ trợ 160.000 đồng/tháng thì hằng tháng, công nhân phải xin xác nhận của Công đoàn cơ sở hoặc doanh nghiệp. Điều này gây tâm lý ngán ngại đối với cả công nhân và doanh nghiệp, nhất là với những doanh nghiệp có số lượng người lao động lớn. Nhiều doanh nghiệp có thể không triển khai và công nhân không được hưởng chính sách ưu việt này. "Để đơn giản thủ tục, tôi đề xuất nên cập nhật qua VSSiD để có thể biết người lao động còn đi làm hay không và chuyển trực tiếp phần tiền hỗ trợ cho cha mẹ các bé" - bà Huyền nói.

Cũng nêu thực trạng nhiều công nhân không tiếp cận được chính sách từ Nghị định 105/2020, bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Juki Việt Nam (KCX Tân Thuận, quận 7, TP HCM), góp ý để chính sách mới thực sự có hiệu quả, cần bảo đảm việc triển khai minh bạch, đúng đối tượng và nếu có thể thì xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ phù hợp.

"Số tiền hỗ trợ tuy không lớn nhưng có thể giúp phụ huynh chi trả một phần học phí, khuyến khích giáo dục sớm, tạo nền tảng cho thế hệ tương lai. Việc này cũng giúp công nhân yên tâm làm việc, tăng năng suất lao động, giảm tình trạng trẻ bị bỏ rơi hoặc thiếu sự chăm sóc" - bà Linh đánh giá. 

Nghiên cứu mở rộng đối tượng hỗ trợ học phí

Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội, bày tỏ băn khoăn khi dự thảo nghị quyết chỉ đề xuất bổ sung hỗ trợ học phí với đối tượng trẻ mầm non khối dân lập, tư thục ở KCN, mà không mở rộng tới tất cả trẻ mầm non khối này.

Giải trình nội dung trên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết sau khi quyết định miễn học phí cho học sinh công lập cả nước từ năm học 2025-2026, Bộ Chính trị cũng đã có kết luận yêu cầu Đảng ủy Chính phủ, Bộ GD-ĐT nghiên cứu mở rộng đối tượng hỗ trợ học phí đối với học sinh từ mầm non tới THPT tại các trường dân lập, tư thục. Mức hỗ trợ bằng học phí của trường công lập theo quy định. "Bộ GD-ĐT đang soạn thảo nghị quyết của Quốc hội về việc miễn học phí, hỗ trợ học phí để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội" - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thông tin.

Nhóm lao động tự do cũng khó khăn

Cô Phạm Thị Bích Ngọc, hiệu trưởng một trường mầm non tại phường Tân Tạo (quận Bình Tân, TP HCM), đồng tình với đề xuất của Chính phủ về việc hỗ trợ học phí, tiền ăn trưa cho con công nhân bởi đối tượng này chiếm tỉ lệ lớn trong trường. "Nhiều phụ huynh thật sự gặp khó khăn về tài chính nên việc được hỗ trợ tiền học, tiền ăn sẽ giúp họ an tâm gửi con và gắn bó với công việc. Khi phụ huynh giảm áp lực kinh tế, việc phối hợp giáo dục sẽ thuận lợi hơn" - cô Ngọc nêu thực tế.

Lãnh đạo một số trường mầm non kiến nghị Chính phủ đề xuất mở rộng chính sách hỗ trợ đến đối tượng con em của người lao động tự do, thu nhập thấp, làm công việc không có hợp đồng chính thức vì nhóm này cũng khó khăn không kém công nhân trong KCN. Một số trường mầm non đề nghị làm rõ nguồn kinh phí và thủ tục triển khai, chi trả khoản hỗ trợ nêu trên.