DNA người có thể lai với DNA một virus, sinh ung thư

(NLĐO) - Các nhà khoa học Mỹ phát hiện ra một nguyên nhân sốc, thúc đẩy các khối u trong bệnh ung thư hầu họng.

Theo Medical Xpress, các nhà nghiên cứu từ Đại học California ở San Diego (UC San Diego - Mỹ) phát hiện ra rằng DNA của virus HPV có thể lai với một phần DNA của người bệnh để tạo thành DNA ngoại nhiễm sắc thể (ecDNA), thúc đẩy sự phát triển của khối u ung thư hầu họng.

Tỉ lệ mắc ung thư vòm họng liên quan đến HPV (Human Papillomavirus) đang gia tăng. Nếu phát hiện sớm, hầu hết các bệnh nhân mắc dạng ung thư này có tỉ lệ sống sót cao. Nhưng khoảng 20% sẽ có tiên lượng xấu.

DNA người có thể lai với DNA một virus, sinh ung thư- Ảnh 1.

Virus HPV có thể thúc đẩy các khối u trong bệnh ung thư vòm họng - Ảnh: NEWS-MEDICAL

Theo công trình mới được công bố trên tạp chí Nature Communications, ecDNA thường được tìm thấy trong các tế bào ung thư vùng hầu họng.

Nó đã được chứng minh là có thể tránh được hệ thống miễn dịch và thúc đẩy quá trình gây ung thư.

Các bằng chứng sẵn có cho thấy ecDNA có thể được hình thành do sự tích hợp của gen HPV và DNA của con người có trong khoảng 30% ung thư vòm họng dương tính với HPV.

Tuy vậy, tại sao điều này xảy ra vẫn chưa rõ ràng. Nhóm nghiên cứu UC San Diego đã đi tìm câu trả lời.

Họ đã phân tích những thay đổi về biểu hiện gien trong ecDNA được hình thành bởi HPV và lai ghép DNA của con người trong các tế bào khối u hầu họng.

Nghiên cứu phát hiện ra rằng HPV và các chất tăng cường DNA của con người chưa được xác định trước đây đã làm tăng biểu hiện của các gien thúc đẩy khối u trong các tế bào ung thư, dẫn đến sản xuất nhiều virus hơn và tăng trưởng khối u.

Vì vậy, việc nhắm mục tiêu vào các chất tăng cường này bằng công nghệ chỉnh sửa gien CRISPR và các protein điều chỉnh hoạt động của gen đã làm giảm biểu hiện của chúng.

Điều này cũng giúp ức chế sự phát triển của các khối u hầu họng dương tính với HPV tại phòng thí nghiệm.

Việc nhắm mục tiêu có chọn lọc vào các khối u bằng liệu pháp phá vỡ ecDNA có thể làm chậm sự phát triển của chúng trong khi vẫn giữ nguyên các tế bào bình thường.

"Hiện nay, có nhiều loại thuốc đang được phát triển cả trong phòng thí nghiệm và trong các thử nghiệm lâm sàng để nhắm mục tiêu cụ thể vào các loại ung thư dựa vào ecDNA để phát triển" - GS-TS Joseph Califano, tác giả chính, cho hay.

Ngoài ra, có một cách hiệu quả khác để phòng ngừa ung thư vòm họng liên quan đến HPV cũng như các loại ung thư khác mà virus này thúc đẩy (như ung thư cổ tử cung, dương vật, hậu môn...) là tiêm vắc-xin ngừa HPV.

Loại vắc-xin này hiện đã được nhiều nước trên thế giới cung cấp cho cả nam và nữ, với độ tuổi tiêm chủng phù hợp nhất là trong giai đoạn thiếu niên.