Dự án Luật BHXH (sửa đổi): Bảo đảm an sinh lâu dài cho người lao động

Dự án Luật BHXH sửa đổi dự kiến sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10 tới đây. Dự thảo Luật BHXH lần này bổ sung nhiều nội dung mới để tăng cường mở rộng an sinh xã hội cho người lao động

Các chuyên gia cho rằng dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) thể hiện quyết tâm của Chính phủ về tăng cường mở rộng an sinh xã hội cho người lao động (NLĐ) cả về diện bao phủ và các chế độ phúc lợi NLĐ được hưởng khi tham gia chính sách BHXH, phù hợp với xu thế quốc tế và các đặc thù của Việt Nam.

Mở rộng an sinh xã hội

Cũng theo các chuyên gia, dự thảo Luật BHXH lần này là bước sửa đổi khá căn bản, dần đáp ứng sự thay đổi của thị trường lao động, đáp ứng tốt hơn quyền lợi của nhóm NLĐ, đặc biệt là lao động nữ, lao động trong khu vực phi chính thức, người cao tuổi. Thực hiện mục tiêu phát triển bền vững - "không bỏ ai lại phía sau" và củng cố vai trò của nhà nước trong việc hỗ trợ các nhóm lao động yếu thế.

Ông Hà Thanh Tùng, Thư ký Tổ Biên tập dự án Luật BHXH (sửa đổi), cho biết dự thảo luật đã bám sát 5 chính sách được Quốc hội thông qua gồm: Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt; mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH; mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH; bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng BHXH; đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.

Trên cơ sở các chính sách trên, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cụ thể hóa quy định 11 nội dung lớn: Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng; mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; bổ sung quyền lợi hưởng chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện; giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm; về quy định hưởng BHXH một lần; bổ sung quy định quản lý thu, đóng BHXH nhằm xử lý tình trạng trốn đóng BHXH…

Dự án Luật BHXH (sửa đổi): Bảo đảm an sinh lâu dài cho người lao động - Ảnh 1.

Đề xuất nhiều thay đổi về chính sách BHXH có lợi cho người lao động. (Ảnh minh họa)

Khắc phục tình trạng trốn đóng BHXH

Vấn đề được nhiều người quan tâm trong dự thảo Luật BHXH lần này là các quy định xử lý vi phạm về trốn đóng BHXH, các chuyên gia thống nhất cao với định hướng cần có các chế tài đủ mạnh để xử lý những trường hợp trốn đóng, chậm đóng BHXH bắt buộc. Đồng thời, để khắc phục triệt để tình trạng này, quy định về chế tài xử lý vi phạm đóng BHXH bắt buộc cũng phải thật rõ và đúng về hành vi. Trên cơ sở đó, có quy định về phương thức xử lý, mức độ xử lý, cơ quan, tổ chức/cá nhân có thẩm quyền xử lý, biện pháp bảo đảm thi hành các chế tài xử lý...

Theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù cơ quan BHXH và các cơ quan liên quan đã có nhiều giải pháp trong công tác thu nhưng tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Không ít trường hợp cả doanh nghiệp (DN) và NLĐ cùng đồng thuận lợi dụng các quy định, kẽ hở của luật pháp để né tránh đóng BHXH. DN chậm đóng, không đóng BHXH (trốn đóng) không chỉ gây nên tình trạng thất thu cho quỹ BHXH, nợ đọng quỹ mà còn gây thiệt thòi, khiến NLĐ không được hưởng các quyền lợi BHXH, BHYT. Qua công tác quản lý thuế cũng cho thấy không ít DN đã trích phần BHXH thuộc trách nhiệm đóng góp của NLĐ (trừ vào tiền lương) nhưng lại không đóng vào quỹ BHXH theo quy định...

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã bổ sung quy định nhằm xử lý tình trạng trốn đóng BHXH (từ điều 36 đến điều 44). Ngoài ra, để bảo đảm quyền lợi của NLĐ, dự thảo đã bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động - phải bồi thường cho NLĐ nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ...