Đừng để người tiêu dùng là "nạn nhân"
Cần báo động về việc nhiều cá nhân lợi dụng mạng xã hội để tiếp tay quảng cáo các loại sản phẩm không rõ nguồn gốc cho cộng đồng.
Trong lúc dư luận đang bức xúc với vụ gần 600 nhãn hiệu sữa bột "giả" bán khắp thị trường trong nước suốt 4 năm qua, trên mạng xã hội (MXH) vẫn tiếp tục xuất hiện những quảng cáo giới thiệu một số nhãn hiệu này.
Những kẻ kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn kiếm tiền "bất chấp" sức khỏe người dân. Nhiều nhãn hiệu sữa "giả" bị phát hiện từng được quảng cáo dành cho người bị đái tháo đường, suy thận, trẻ sinh non, phụ nữ mang thai…
Phải chăng biện pháp quản lý bằng định danh tài khoản MXH, gắn với thông tin nhân thân thông qua số điện thoại di động (ĐTDĐ) chưa phát huy tác dụng? Theo lý thuyết, những ai vi phạm trên MXH dù ẩn danh với nickname nào cũng sẽ bị cơ quan chức năng truy thông tin nhân thân để xử lý. Theo Nghị định 147/2024/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 25-12-2024), người dùng các MXH trong nước và xuyên biên giới như Facebook, YouTube, TikTok, Zalo… sẽ không thể tương tác, nghĩa là không thể đăng bài và livestream, nếu tài khoản không được định danh tài khoản qua số ĐTDĐ. Theo luật định, mỗi số ĐTDĐ phải gắn với một thuê bao cụ thể được xác thực và chuẩn hóa với cơ sở dữ liệu quốc gia. Vì thế, các tài khoản MXH vi phạm đều có thể bị truy nhân thân để xử lý.
Không ít cá nhân lợi dụng quãng "thời gian trung gian" khi bắt đầu áp dụng quy định về định danh tài khoản đến thời điểm bắt đầu áp dụng biện pháp chế tài. Theo Nghị định 147/2024/NĐ-CP, nếu không thực hiện định danh, tài khoản sẽ bị hạn chế tính năng sau thời hạn 25-3-2025 (tức sau 90 ngày nghị định có hiệu lực). Kể từ ngày 25-3, các tài khoản MXH còn được tương tác, đăng bài, livestream có nghĩa là đã được định danh và có chủ thể chịu trách nhiệm.
Cũng cần báo động về việc nhiều cá nhân lợi dụng MXH để tiếp tay quảng cáo các loại sản phẩm không rõ nguồn gốc cho cộng đồng. Trong đó, có những người của công chúng, những KOL, người nổi tiếng… được nhiều người theo dõi. "Nạn nhân" của những sản phẩm kém chất lượng hoặc không rõ nguồn gốc được rao bán, quảng cáo tràn lan trên MXH chính là người tiêu dùng.
Bên cạnh những bất cập về quản lý, mức xử phạt hiện tại còn quá nhẹ so với những khoản thu nhập khủng mà người quảng cáo trên mạng nhận được. Vì vậy cần tăng cường quản lý chặt chẽ định danh tài khoản để ngăn ngừa việc quảng cáo, bán hàng gian dối qua mạng.