Giáo hoàng Francis - Vị giáo hoàng khiêm nhường và bao dung
(NLĐO) - Giáo hoàng Francis, vị giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử đến từ Mỹ Latin, đã chinh phục thế giới bằng phong cách khiêm tốn và quan tâm đến người nghèo
Giáo hoàng Francis đã qua đời ngày 21-4 ở tuổi 88. Chuông nhà thờ vang lên từ các tháp chuông khắp Rome - Ý sau thông báo Giáo hoàng Francis qua đời.
Giáo hoàng Francis tên thật là Jorge Mario Bergoglio, sinh năm 1936 tại Argentina.

Giáo hoàng Francis đã qua đời ngày 21-4 ở tuổi 88. Ảnh: AP
Giáo hoàng Francis là con trai cả trong gia đình gốc Ý di cư có 5 người con. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành hóa học, ông lấy bằng triết học năm 1963, nhận chức linh mục năm 1969 và bắt đầu hành trình phục vụ tôn giáo.
Năm 2013, ông trở thành Giám mục Roma, là vị Giáo hoàng thứ 266 của Giáo hội Công giáo và là người Mỹ Latin đầu tiên đảm đương trọng trách này.
Theo hãng tin AP, Giáo hoàng Francis, người mắc bệnh phổi mãn tính và từng bị cắt bỏ một phần phổi khi còn trẻ, được đưa vào bệnh viện Gemelli ngày 14-2-2025 vì nhiễm trùng hô hấp, sau đó là viêm phổi kép.
Ông đã nằm viện 38 ngày - thời gian nhập viện dài nhất trong 12 năm làm giáo hoàng của ông.

Giáo hoàng tên thật là Jorge Mario Bergoglio, sinh năm 1936. Ảnh: Alamy
Từ lời chào đầu tiên khi làm giáo hoàng đến việc ôm lấy những người tị nạn và những người bị xã hội ruồng bỏ, Giáo hoàng Francis đã nhấn mạnh sự khiêm nhường thay vì kiêu ngạo.
Giáo hoàng Francis có thời thơ ấu êm đềm bên cha mẹ và các em. Dù gia đình khó khăn, ông được giáo dục, sống trong tình yêu thương.
Trong hồi ký, Giáo hoàng Francis tiết lộ ông thích chơi bóng đá. Thuở nhỏ, ông hâm mộ San Lorenzo, đội bóng gần nhà ở Buenos Aires.

Cựu Tổng thống Barack Obama chào tạm biệt Giáo hoàng Francis sau cuộc gặp tại Nhà Trắng năm 2015. Ảnh: Nhà Trắng/Alamy

Giáo hoàng Jorge Mario Bergoglio tại trường El Salvador vào năm 1966, nơi ông dạy văn học và tâm lý học ở Buenos Aires – Argentina. Ảnh: AP
Ngày 13- 3-2013, ông Jorge Mario Bergoglio được chọn làm giáo hoàng, trở thành Giáo hoàng Francis.

Đức Giáo hoàng John Paul II (bên trái) và Đức Hồng y Jorge Mario Bergoglio vào ngày ông được phong làm hồng y tại Vatican năm 2013. Ảnh: AP
Sau đó, Giáo hoàng Francis đối mặt với thực tế chưa từng có khi dẫn dắt Giáo hội Công giáo vượt qua đại dịch COVID-19 tại Thành Vatican bị phong tỏa. Ông kêu gọi thế giới xem COVID-19 như cơ hội để suy nghĩ lại về hệ thống kinh tế và chính trị.
Giáo hoàng Francis thể hiện sự quan tâm về các vấn đề toàn cầu như di cư, biến đổi khí hậu, xung đột, khủng hoảng kinh tế, lòng trắc ẩn. Ông phản đối mạnh mẽ xung đột, cho rằng các cá nhân và quốc gia cần hành động để chấm dứt chạy đua vũ trang và sự lan rộng của vũ khí.

Giáo hoàng Francis vẫy tay chào đám đông ngày 13- 3-2013. Ảnh: AP
Một số ý kiến cho rằng Giáo hoàng Francis đã khuấy động được bầu không khí cải cách như một cuộc khởi hành mới cho Giáo hội Công giáo.
Ông cải tổ bộ máy quyền lực ở tòa thánh, đã lập lại kỷ cương và thiết lập sự minh bạch về kinh tế và tài chính ở Vatican.

Giáo hoàng Francis cầu nguyện trước Bức tường phía Tây, địa điểm linh thiêng nhất của Do Thái giáo, tại Jerusalem vào tháng 5-2014. Ảnh: Alamy

Giáo hoàng Francis chụp ảnh với các linh mục vào năm 2024 tại hội trường Paul VI ở Vatican. Ảnh: Vatican Pool

Giáo hoàng tại Vatican năm 2019. Ảnh: AP

Giáo hoàng gặp Phó Tổng thống Mỹ JD Vance vào ngày 20-4-2025 tại Vatican, một ngày trước khi mất. Ảnh: Vatican Pool

Sau thánh lễ Chúa Nhật Phục Sinh, Giáo hoàng ban phước lành từ ban công Vương cung Thánh đường Thánh Peter ngày 20-4. Ảnh: Abaca