Greenland - đảo băng ẩn giấu kho tàng
(NLĐO) - Bên dưới cảnh quan cô đơn, khắc nghiệt ở hòn đảo Bắc Cực Greenland ẩn giấu nhiều kho báu, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng
Năm 2019, trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề xuất mua lại Greenland, một ý tưởng mà một số người khi đó cho là "trò đùa". Nhưng ngay khi trở lại Nhà Trắng năm 2025, ông đã chứng minh sự quyết liệt đối với kế hoạch này





Một số hình ảnh về cuộc sống trên đảo Greenland - Ảnh: NATIONAL GEOGRAPHIC/GREENLAND TOURISM/HAKAI MAGAZINE
Những "kho báu" khổng lồ
Greenland là hòn đảo lớn nhất thế giới với diện tích hơn 2.166.086 km2 nhưng dân số chưa đầy 57.000 người - theo thống kê vào đầu năm 2025.
Trên đảo tọa lạc vùng lãnh thổ tự trị cùng tên, là một phần của Vương quốc Đan Mạch. Phần lớn cư dân ở đây là người Inuit (Kalaallit) và tiếng Kalaallisut - còn gọi là tiếng Greenland - là ngôn ngữ chính.
Theo National Geographic, 2/3 diện tích Greenland nằm phía trên Vòng Bắc Cực, khiến 80% bề mặt hòn đảo bao phủ bởi băng tuyết.

Đảo Greenland nằm ở Bắc Băng Dương, với 2/3 diện tích nằm trên Vòng Bắc Cực - Ảnh: NASA
Khối băng Greenland là khối băng lớn thứ hai trên thế giới sau khối băng Nam Cực, trải dài hơn 2.400 km từ Bắc xuống Nam và có nơi dày tới hơn 1.500 m.
Các phần không đóng băng của Greenland được bao phủ bởi những lãnh nguyên trơ trụi, lộng gió. Đất đóng băng vĩnh cửu nằm bên dưới phần lớn diện tích lãnh nguyên này và đầy đá.
Người dân Greenland trải qua 24 giờ nắng vào mùa hè, với nhiệt độ chỉ khoảng 4 độ C và gần như là bóng đêm hoàn toàn vào mùa đông, với nhiệt độ có khi xuống đến -34 độ C.
Thế nhưng, bên dưới cảnh quan cô đơn, khắc nghiệt đó là những "kho báu" khổng lồ.
Tài nguyên của tương lai
Bên dưới Greenland không phải mỏ vàng hay kim cương, nhưng là những thứ có thể trở nên quý hơn vàng trong tương lai: Đất hiếm, với trữ lượng rất lớn.
Các nguyên tố đất hiếm (REE) rất quan trọng trong chuyển đổi năng lượng và công nghệ quốc phòng, từ những viên pin, công nghệ năng lượng gió - mặt trời cho đến các thiết bị quân sự tiên tiến.

Bên dưới băng giá và các lãnh nguyên trơ trụi của Greenland là nhiều mỏ khoáng sản, mỏ dầu - Ảnh: NATIONAL GEOGRAPHIC
Theo một phân tích từ Trung tâm Khoa học và Quan hệ quốc tế Belfer thuộc Trường Havard Kenedy - Đại học Havard (Mỹ), các nước phương Tây coi tài nguyên khoáng sản của Greenland là cơ hội để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc - quốc gia thống trị chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng.
Trung Quốc cũng bày tỏ sự quan tâm đến nguồn tài nguyên khoáng sản của Greenland. Song, một dự án đất hiếm do Trung Quốc hậu thuẫn đã bị đình trệ sau khi Greenland cấm khai thác urani.
Theo một cuộc khảo sát năm 2023 được Al Jazeera trích dẫn, 25 trong số 34 loại khoáng sản được Ủy ban Châu Âu coi là “nguyên liệu thô quan trọng” được tìm thấy ở Greenland.
Ngoài ra, theo báo cáo năm 2007 của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), ngoài khơi bờ biển Greenland có thể có trữ lượng dầu khí đáng kể.
Khác với nhiều nơi trên thế giới, hòn đảo này vẫn giữ được kho tàng khoáng sản khổng lồ đó gần như vẹn nguyên.
Greenland thậm chí không khai thác dầu khí và ngành khai khoáng bị người dân bản địa phản đối. Nền kinh tế của hòn đảo này phần lớn phụ thuộc vào đánh bắt cá.
Điều này càng khiến Greenland đúng nghĩa "đảo vàng" trong mắt nhiều người.


Greenland là một nơi vô cùng lạnh giá và khắc nghiệt - Ảnh: NATIONAL GEOGRAPHIC/NASA
Bên cạnh đó, chính những thứ tưởng chừng không phải kho tàng cũng có thể trở thành kho tàng trong tương lai.
Greenland đóng góp quan trọng vào nguồn cung cấp cá toàn cầu. Với sự biến đổi khí hậu, tầm quan trọng của nghề cá Greenland sẽ ngày một tăng.
Nước ngọt trên hòn đảo này cũng sẽ thành kho tàng trong tương lai, khi nhu cầu nước ngọt ngày càng tăng trên toàn cầu Khoảng 20% lượng nước ngọt của thế giới bị "khóa" trong lớp băng bao phủ Greenland.
Vị thế chiến lược
Greenland nằm cạnh 2 tuyến đường biển quan trọng là Hành lang Tây Bắc (dọc theo bờ biển phía Bắc của Bắc Mỹ) và tuyến đường biển xuyên cực (đi qua khu vực trung tâm Bắc Băng Dương).
Hiện tại, các tuyến đường này không khả thi về mặt thương mại và có khả năng sẽ vẫn như vậy trong nhiều năm nữa do thời tiết khắc nghiệt và băng trôi.
Nhưng xét đến tương lai xa hơn, khi băng biển Bắc Cực tan chảy ngày càng nhiều do biến đổi khí hậu, việc di chuyển qua các tuyến đường này sẽ thuận lợi hơn, nhanh hơn, giúp bỏ qua các điểm nghẽn hàng hải truyền thống như kênh đào Suez và Panama.

Hòn đảo Bắc Cực khắc nghiệt và tuyệt đẹp này có vị thế chiến lược quan trọng - Ảnh: NATIONAL GEOGRAPHIC
Khi lưu lượng tàu thuyền ở Bắc Băng Dương tăng lên, Greenland có khả năng trở thành nhân tố chủ chốt trong việc quản lý hiệu quả Bắc Băng Dương, bao gồm quản lý tình trạng khẩn cấp, phòng ngừa và ứng phó.
Chưa kể, trên hòn đảo này tọa lạc Căn cứ Không gian Pituffik, trước đây là Căn cứ Không quân Thule - một cơ sở quân sự quan trọng của Mỹ trong vấn đề cảnh báo sớm, phòng thủ tên lửa và giám sát không gian.
Greenland cũng là một phần của GIUK Gap (Greenland - Iceland - Vương quốc Anh), một điểm nghẽn xung đột chống tàu ngầm ở Bắc Đại Tây Dương trong Chiến tranh Lạnh.
GIUK Gap ngày nay vẫn quan trọng trong việc giám sát, có khả năng hạn chế các hoạt động của hải quân Nga ở Bắc Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương.
Tầm quan trọng của khu vực Bắc Cực ngày một nổi lên giữa tình hình địa chính trị căng thẳng trên thế giới.
Xung đột giữa Nga và Ukraine đã làm rạn nứt mối quan hệ của Nga với 7 quốc gia Bắc Cực (Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Thụy Điển và Mỹ), cũng như thúc đẩy Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO. Như vậy, ngoài Nga, tất cả quốc gia Bắc Cực còn lại đều là thành viên NATO.
Theo Trung tâm Khoa học và quan hệ Quốc tế Belfer, sự thay đổi này đã nâng cao tầm quan trọng chung của Bắc Cực - bao gồm Greenland, vốn vẫn được coi như một phần của Vương quốc Đan Mạch, một thành viên NATO.