Hòa hợp dân tộc: Sức mạnh cho đất nước vươn xa
Hòa hợp dân tộc không chỉ là câu chuyện của quá khứ mà còn là hành trình dài hơi để xây dựng một đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025), chúng ta không chỉ nhìn lại một chặng đường lịch sử đầy tự hào mà còn hướng tới tương lai với tinh thần hòa hợp và đoàn kết dân tộc.
Xây dựng lòng tin lẫn nhau
Hòa hợp dân tộc phải bắt đầu từ việc hiểu và tôn trọng lịch sử.
50 năm trước, ngày 30-4-1975 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng khi nhân dân ta đã đánh đổ chính quyền tay sai, đồng thời giành thắng lợi cuối cùng trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Chiến tranh đã qua đi nhưng để lại những vết thương sâu, không chỉ trên mảnh đất này mà còn trong lòng nhiều người dân Việt Nam. Những mất mát và cả cách biệt, chia rẽ, khó có thể xóa nhòa trong một sớm một chiều. Vì vậy, chúng ta cần nhìn nhận lịch sử một cách khách quan, không né tránh, nhưng cũng không để trở thành rào cản cho sự gắn kết.

Đoàn kiều bào tham quan TP HCM dịp Tết 2024.Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Việc giáo dục thế hệ trẻ hiểu về quá khứ không phải để khơi gợi những vết thương mà là nhằm tri ân bao thế hệ đã không tiếc xương máu giành lấy độc lập, tự do, để càng trân trọng hòa bình và giá trị của sự thống nhất đất nước.
Hòa hợp dân tộc đương nhiên phải trên cơ sở xây dựng lòng tin lẫn nhau. Nhiều chuyên gia người Việt ở nước ngoài đã về nước làm việc, được tạo điều kiện thuận lợi để có thể phát huy cao nhất năng lực và tâm huyết của mình. Tuy nhiên, nếu đâu đó vẫn còn khoảng cách vô hình giữa các thế hệ, các cộng đồng từng ở hai bên chiến tuyến, cách biệt trong nhận thức… thì sự hòa hợp có thể trở nên khó khăn.
Chúng ta cần tạo ra những không gian đối thoại chân thành, nơi mọi người có thể chia sẻ câu chuyện của mình, lắng nghe và thấu hiểu lẫn nhau. Lòng tin sẽ được vun đắp khi mỗi người cảm nhận được sự tôn trọng và đồng cảm từ cộng đồng.
Bên cạnh đó, hòa hợp đòi hỏi sự bao dung thực sự. Bao dung không có nghĩa là quên đi những gì đã xảy ra mà là chọn cách vượt lên để cùng nhau tiến về phía trước cũng như chấp nhận những khác biệt.
Trong 50 năm qua, đã có rất nhiều câu chuyện cảm động về những người chịu thương tổn trong chiến tranh vươn lên để tạo lập cuộc sống hạnh phúc trong điều kiện hòa bình, cũng như các câu chuyện về những người từng ở hai bên chiến tuyến giờ đây bắt tay nhau xây dựng cuộc sống mới.
Chúng ta cần lan tỏa những câu chuyện ấy, khuyến khích đối thoại cởi mở giữa các thế hệ, giữa những chủ thể đã chịu sự tác động của chiến tranh khác nhau, nhất là những người đã hết lòng vì đất nước ở điều kiện cụ thể của mình.
Hành động cụ thể
Chính vì vậy, hòa hợp dân tộc cần được thể hiện qua hành động cụ thể. Đảng, Nhà nước, các cơ quan chính quyền, tổ chức xã hội và mỗi cá nhân đều có vai trò trong việc này.
Thời gian qua, nhiều chính sách bảo đảm các quyền và lợi ích chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài đã được ban hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi để bà con kiều bào có thể về nước sinh sống, đầu tư. Nhiều chính sách khác đã không còn nặng nề về lịch sử chính trị liên quan đến chế độ cũ, nhất là trong việc kết nạp Đảng.
Việc chăm lo cho các cá nhân chịu ảnh hưởng từ chiến tranh, bất kể họ từng ở phía nào, là một minh chứng cho tinh thần nhân văn. Việc xây dựng những chính sách công bằng, tạo cơ hội phát triển đồng đều cho mọi vùng miền, đặc biệt là các khu vực từng bị tàn phá nặng nề, cũng là cách để hàn gắn vết thương và củng cố niềm tin.
Một trong các hành động cụ thể, thiết thực có ý nghĩa sâu sắc là thực hiện hoạt động giáo dục và văn hóa phù hợp. Đây là những yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng tinh thần hòa hợp.
Một mặt, chúng ta cần truyền tải đến thế hệ trẻ để họ hiểu biết đúng đắn về sự thật lịch sử, về sự đóng góp của các thế hệ cha anh trong công cuộc đánh đuổi ngoại xâm giành độc lập, ngợi ca những tấm gương anh hùng.
Mặt khác, cần tiếp tục đề cao giá trị của sự đoàn kết, không phải qua những bài học khô khan mà qua các câu chuyện sống động về tình người, về những con người từng đối đầu nhưng giờ đây cùng chung tay xây dựng đất nước. Các hoạt động khác, như tổ chức chương trình ngày Việt Nam ở nước ngoài, dạy tiếng Việt, thông tin về tình hình Việt Nam đến kiều bào ta ở các nước… cũng cần tiếp tục được đẩy mạnh.
Hòa hợp dân tộc nên là trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi người chúng ta chứ không phải chỉ là việc của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Không cần hành động lớn lao, chỉ cần mỗi người sẵn sàng gác lại định kiến, mở lòng với người khác, chia sẻ những giá trị chung nhất của dân tộc, cùng nhau hướng tới tương lai, chúng ta đã góp phần xây dựng một dân tộc thống nhất trong đa dạng.
Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là thời điểm để mỗi người Việt Nam tự nhắc mình: Hòa hợp dân tộc là sức mạnh để đất nước vươn xa. Có thể thấy rằng hòa hợp dân tộc là một hành trình đòi hỏi sự kiên nhẫn, lòng chân thành và trách nhiệm từ tất cả chúng ta. Với sự đồng lòng và nỗ lực, chúng ta có thể biến những bài học từ quá khứ thành động lực cho một Việt Nam thịnh vượng, nơi mọi trái tim cùng nhịp đập vì một mái nhà chung.
Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước còn là thời điểm để mỗi người Việt Nam tự hỏi mình "đã làm gì để hàn gắn và xây dựng?". Chỉ khi mỗi trái tim cùng hướng về một mục tiêu chung, đất nước ta mới thực sự trở thành một khối đoàn kết vững chắc, sẵn sàng vươn ra biển lớn.
Không chỉ dừng lại ở trong nước
Hòa hợp dân tộc không chỉ dừng lại ở trong nước mà còn mở rộng ra cộng đồng người Việt khắp thế giới. 50 năm sau ngày thống nhất, hàng triệu người Việt xa quê vẫn mang trong mình nỗi niềm về cội nguồn. Việc kết nối, mời gọi sự đóng góp của họ cho quê hương không chỉ là cách thể hiện tinh thần hòa hợp mà còn là động lực để Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn.
Các cuộc thăm viếng của lãnh đạo Đảng và Nhà nước ở nước ngoài đều có hoạt động thăm hỏi kiều bào tại nước sở tại. Việc bảo hộ người gốc Việt cũng luôn được quan tâm bằng các chính sách và hành động cụ thể.