Học thuyết hạt nhân Nga: Lời cảnh tỉnh dành cho phương Tây
(NLĐO) - Tổng thống Vladimir Putin phê duyệt bản cập nhật học thuyết hạt nhân của Nga, theo đó hạ thấp ngưỡng xem xét sử dụng vũ khí hạt nhân.
Các chuyên gia quốc phòng và chính trị nhận định học thuyết hạt nhân mới của Nga có thể sẽ buộc Mỹ và các quốc gia phương Tây khác phải xem xét lại việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Bốn sửa đổi quan trọng
Nga hôm 19-11 thông báo Tổng thống Vladimir Putin ký sắc lệnh phê chuẩn một số thay đổi về học thuyết hạt nhân, được gọi là "Những nguyên tắc cơ bản của chính sách nhà nước về răn đe hạt nhân" trong bối cảnh Ukraine thực hiện cuộc tấn công đầu tiên vào sâu lãnh thổ Nga bằng tên lửa tầm xa do Mỹ cung cấp.
Theo học thuyết này, Nga có thể xem bất kỳ cuộc tấn công lớn nào vào lãnh thổ của mình do các nước không có vũ khí hạt nhân (như Ukraine) thực hiện cũng đủ để kích hoạt phản ứng hạt nhân nếu nước đó được quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân hỗ trợ (như Ukraine được Mỹ hậu thuẫn).
Học thuyết hạt nhân mới của Nga có 4 sửa đổi quan trọng, đặc biệt là hạ ngưỡng kích hoạt vũ khí hạt nhân trong đòn đáp trả.

Tổng thống Vladimir Putin phê chuẩn một số thay đổi về học thuyết hạt nhân trong bối cảnh Ukraine thực hiện cuộc tấn công đầu tiên vào sâu lãnh thổ Nga. Ảnh: TASS
- Điểm sửa đổi quan trọng đầu tiên là học thuyết mới mở rộng phạm vi mà Nga sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả, từ hành động gây hấn nhằm vào Nga thành hành động gây hấn nhằm vào thành viên khác trong "Nhà nước Liên minh", gồm Nga và Belarus. Điều này về cơ bản đã đưa Belarus vào "chiếc ô hạt nhân" của Nga và xem bất cứ đòn tấn công nào vào quốc gia này cũng là hành động tấn công Nga, khiến Nga kích hoạt vũ khí hạt nhân đáp trả.
- Điểm đáng chú ý thứ hai là Nga hạ ngưỡng kích hoạt vũ khí hạt nhân trong học thuyết mới. Nga từng tuyên bố sẽ dùng vũ khí hạt nhân phản đòn nếu sự tồn vong của đất nước bị đe dọa.
Bản sửa đổi được điều chỉnh thành "khi có mối đe dọa nghiêm trọng đến chủ quyền cũng như toàn vẹn lãnh thổ của Nga và Belarus".

Nga phóng tên lửa liên lục địa RS-24 YARS. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga
- Điểm đáng chú ý thứ ba là Đoạn 10 của bản sửa đổi cho biết Nga sẽ xem hành động tấn công từ quốc gia thành viên trong một liên minh là hành động tấn công của cả liên minh đó, dường như ám chỉ NATO.
Theo Newsweek, đoạn 11 nêu rõ các cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường nhằm vào Nga hoặc đồng minh của Nga nhưng được hỗ trợ bởi một nước sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ được coi là một cuộc tấn công chung và Nga có thể kích hoạt vũ khí hạt nhân trả đũa.
- Điểm đáng chú ý thứ tư: Học thuyết sửa đổi khác với học thuyết được thông qua vào năm 2020, trong đó nêu rõ 4 tình huống mà Moscow có thể kích hoạt biện pháp răn đe hạt nhân.
Thứ nhất, nếu nhận được "thông tin đáng tin cậy" về việc phóng tên lửa đạn đạo chống lại chính mình hoặc các đồng minh.
Thứ hai, nếu một vũ khí hạt nhân hoặc loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác được sử dụng chống lại Nga hoặc các đồng minh của mình.
Thứ ba, nếu kẻ thù hành động chống lại "các cơ sở nhà nước hoặc quân sự quan trọng" có thể làm gián đoạn phản ứng của lực lượng hạt nhân Nga.
Thứ 4, nếu Nga bị tấn công bằng vũ khí thông thường mà có thể đe dọa sự tồn tại của nhà nước.
Tại sao lại là lúc này?
Khi vạch ra những sửa đổi trong học thuyết hạt nhân hồi tháng 9, ông Putin không nhắc cụ thể quốc gia nào. Tuy nhiên, bối cảnh hiện tại cho thấy điều chỉnh này dường như nhắm đến Ukraine, quốc gia phi hạt nhân đang nhận sự hỗ trợ từ Mỹ và các nước phương Tây khác.
Thời điểm Nga công bố học thuyết hạt nhân mới gây chú ý vì trùng với mốc 1.000 ngày xung đột Nga - Ukraine và căng thẳng Nga - phương Tây leo thang đáng kể sau khi Tổng thống Joe Biden cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa mà Mỹ viện trợ tấn công sâu trong lãnh thổ Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. Ảnh: TASS
Đầu năm nay, ông Putin cũng cho rằng có thể cần cập nhật học thuyết do các mối đe dọa mới nổi từ NATO.
Thứ trưởng Ngoại giao Sergey Ryabkov đã mô tả học thuyết chưa sửa đổi hồi tháng 6 là "quá chung chung" và cho rằng Nga phải thể hiện "rõ ràng hơn, cụ thể hơn, chắc chắn hơn về những gì có thể xảy ra" nếu phương Tây tiếp tục các hành động leo thang không thể chấp nhận được.
Ông Putin hồi tháng 9 cũng nhắc lại rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân là "biện pháp cực đoan" để bảo vệ chủ quyền của Nga nhưng Moscow phải tính đến tình hình quân sự-chính trị hiện đại đang thay đổi một cách nhanh chóng bao gồm cả sự xuất hiện của các nguồn đe dọa và rủi ro quân sự mới đối với Nga và các đồng minh.
Các chuyên gia quốc phòng và chính trị nhận định học thuyết hạt nhân mới của Nga có thể sẽ buộc Mỹ và các quốc gia phương Tây khác phải xem xét lại việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
"Lựa chọn cuối cùng"
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh rằng học thuyết này trao cho Nga quyền cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp Ukraine, với sự hỗ trợ của phương Tây, sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công lãnh thổ Nga.

Một tên lửa đạn đạo liên lục địa của Nga. Ảnh: TASS
Chuyên gia Thomas Roeper, cảnh báo quyết định này sẽ làm phức tạp thêm nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình cho xung đột Ukraine, đặc biệt là đối với Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Ông Roeper cho rằng việc Mỹ cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine có thể dẫn đến những phản ứng mạnh mẽ từ Nga, khiến tình hình trở nên khó kiểm soát hơn.
Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga, nhấn mạnh Nga có quyền đáp trả bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt nhắm vào cả Kiev lẫn các cơ sở chính của NATO bất kể vị trí nào.
Nhiều quan chức Nga cũng đã kêu gọi phương Tây cẩn trọng. Phó Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề Quốc tế Andrey Klimov hy vọng các nước phương Tây sẽ rút ra bài học từ học thuyết mới này và "không đùa với lửa".

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: TASS
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia Yuri Shvytkin cho rằng bất kỳ vũ khí nào từ Pháp hay Anh sử dụng để tấn công Nga đều sẽ dẫn đến sự đáp trả tức thì từ Nga.
Người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Hội đồng Liên bang Nga Vladimir Bulavin nhấn mạnh học thuyết mới không nhằm mục đích thay đổi bản chất chiến lược của vũ khí hạt nhân. Nhưng theo ông, Nga vẫn xem vũ khí hạt nhân là "biện pháp cuối cùng" được sử dụng trong các trường hợp cực kỳ nghiêm trọng để duy trì sự ổn định chiến lược.