Kim Phúc nói gì về vụ Nick Út bị ngừng ghi nhận là tác giả bức ảnh "Em bé Napalm"
(NLĐO) - Mới đây, "Em bé Napalm" Phan Thị Kim Phúc đã lên tiếng về vụ Nick Út bị tạm dừng công nhận là tác giả bức ảnh nổi tiếng này
Theo đó, lá thư bà Kim Phúc viết cho biết bà đã biết thông tin về bộ phim "The Stringer" công chiếu lần đầu tại Liên hoan phim Sundance vào tháng 1-2025. Phim này cho rằng người chụp thực sự là ông Nguyễn Thành Nghệ.
"Tôi đã từ chối tham gia vào cuộc tấn công sai lệch và vô lý này nhằm vào Nick Út - điều mà ông Robinson đã theo đuổi trong nhiều năm qua - và tôi cũng chưa bao giờ trả lời email của ông ấy đề nghị tôi trò chuyện. Tôi không nhớ rõ từng phút giây ngày hôm đó, nhưng tôi sẽ không bao giờ tham gia vào bộ phim của Gary Knight, bởi tôi biết nó là sai sự thật" - bà Kim Phúc viết.
"Em bé Napalm" chia sẻ bà không thể nhớ hết những ký ức về ngày 8-6-1972 nhưng bà khẳng định rằng tất cả những nhân chứng có mặt vào ngày kinh hoàng ấy - bao gồm cả chú của bà - đã nhiều lần xác nhận trong suốt những năm qua rằng chính nhiếp ảnh gia Nick Út là người đã có mặt tại hiện trường, chạy đến phía bà để chụp bức ảnh và đưa bà đến bệnh viện gần nhất.

Bức ảnh "Em bé Napalm". Ảnh: AP
Ngoài ra, Kim Phúc cũng bày tỏ lòng biết ơn với nhiếp ảnh gia Nick Út: "Tôi không hề nghi ngờ, cả bằng lý trí lẫn con tim, rằng chính Nick Út là người đã chạy đến phía tôi và chụp bức ảnh nổi tiếng đó.
Tôi vô cùng biết ơn vì ông không chỉ là một nhiếp ảnh gia. Ông là người hùng của tôi - người đã gác máy ảnh xuống, đưa tôi đến bệnh viện và cứu sống tôi ngày hôm đó. Không một ai khác làm điều đó vào ngày kinh hoàng ấy. Chỉ có chú Nick Út".

Bản tiếng Anh bức thư của Kim Phúc
Ngày 16-5, việc Tổ chức World Press Photo (Giải Ảnh báo chí thế giới) đưa ra thông báo ngừng ghi nhận nhiếp ảnh gia Nick Út (Huỳnh Công Út) là tác giả của bức ảnh "Em bé Napalm" thu hút sự chú ý của truyền thông trong và ngoài nước.
Trước đó, bức ảnh này được nhận định là một trong những hình ảnh mang tính biểu tượng của thế kỷ 20.
World Press Photo từng trao danh hiệu "Ảnh của năm" cho nhiếp ảnh gia Nick Út với bức ảnh này vào năm 1973. Ông vốn là nhiếp ảnh gia của hãng tin AP và đã nghỉ hưu.
Bản báo cáo do World Press Photo công bố đi kèm với những bằng chứng về mặt hình ảnh và kỹ thuật đang nghiêng về giả thuyết mới cho rằng nhiếp ảnh gia Nguyễn Thành Nghệ mới là người chụp bức hình.
Tuy nhiên, đến ngày 20-5, đại diện tổ chức xét tặng Giải thưởng Pulitzer gửi thông cáo cho hãng CNN và tuyên bố không có hành động thay đổi hay tác động nào liên quan đến giải thưởng đã trao cho Nick Út.

Nhiếp ảnh gia Nick Út và bà Phan Thị Kim Phúc hội ngộ tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh (TP HCM) vào tháng 2-2024. (Ảnh: Kim Ngân)
"Giải thưởng Pulitzer căn cứ vào tài liệu mà các hãng tin tức cung cấp khi nộp bài dự thi. Đó cũng là cơ sở xác định tác giả của bài dự thi" - tuyên bố của tổ chức trao giải Pulitzer nêu. Cuộc điều tra của hãng tin AP cho thấy không đủ bằng chứng để thu hồi giải thưởng.
Trước đó, hãng AP công bố kết quả điều tra xác định nhiếp ảnh gia Nick Út vẫn có khả năng cao là người chụp Em bé Napalm. Hãng tin cho biết không tìm thấy bằng chứng chứng minh được bức ảnh do người khác chụp. Cuộc điều tra dựa trên việc phỏng vấn nhân chứng, kiểm tra máy ảnh, mô hình 3D hiện trường và các âm bản ảnh còn lại.
Sau khi AP công bố kết quả điều tra, nhiếp ảnh gia Nick Út một lần nữa khẳng định ông là người chụp bức "Em bé Napalm". Ông cũng nói thêm: "Toàn bộ sự việc này thực sự gây ra rất nhiều đau đớn và khó khăn với tôi".
World Press Photo vừa là một tổ chức phi lợi nhuận, vừa là một giải thưởng danh giá trong lĩnh vực ảnh báo chí thế giới. Tổ chức này được thành lập năm 1955 và có trụ sở tại Hà Lan, nơi tổ chức cuộc thi ảnh báo chí World Press Photo hàng năm.