Lãnh đạo Thái Lan và Campuchia đàm phán ở Malaysia

(NLĐO) – Thủ tướng Campuchia Hun Manet và Quyền Thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn tại biên giới hai nước chiều 28-7.

Cuộc họp đang diễn ra ở thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia, cùng với sự hỗ trợ của Mỹ và sự thúc đẩy của thủ tướng Malaysia.

Trước đó, hai nhà lãnh đạo Thái Lan và Campuchia lên đường đến Malaysia sáng 28-7.

Lãnh đạo Thái Lan và Campuchia đang đàm phán ở Malaysia- Ảnh 1.

Thủ tướng Campuchia Hun Manet và Quyền Thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai đang thảo luận tại Malaysia. Ành: The Phnom Penh Post

Lãnh đạo Thái Lan và Campuchia đang đàm phán ở Malaysia- Ảnh 2.

Thủ tướng Campuchia Hun Manet đàm phán tại Malaysia hôm 28-7. Ảnh: The Phnom Penh Post

Lãnh đạo Thái Lan và Campuchia đang đàm phán ở Malaysia- Ảnh 3.

Quyền Thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai đàm phán tại Malaysia hôm 28-7. Ảnh: The Phnom Penh Post

Theo tờ Khmer Times, Quyền Thủ tướng Phumtham Wechayachai và Thủ tướng Campuchia Hun Manet gặp nhau tại Kuala Lumpur lúc 15 giờ (giờ địa phương) (khoảng 14 giờ theo giờ Việt Nam).

Các phái đoàn Campuchia và Thái Lantới Malaysia

Người phát ngôn chính phủ Thái Lan Jirayu Huangsap đã xác nhận thông tin chi tiết về phái đoàn Thái Lan. 

Theo đó, ông Phumtham đi cùng Bộ trưởng Ngoại giao Maris Sangiampongsa, Thứ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Nattapol Nakphanit và Tiến sĩ Prommin Lertsuridej, Tổng Thư ký của thủ tướng. Ông Jirayu nhấn mạnh rằng sẽ không thảo luận về bất kỳ vấn đề nhượng bộ lãnh thổ nào.

Lãnh đạo Thái Lan và Campuchia đang đàm phán ở Malaysia- Ảnh 4.

Thủ tướng Campuchia Hun Manet rời Campuchia đến thủ đô Kuala Lumpur – Malaysia sáng 28-7. Ảnh: Khmer Times

Cuộc gặp diễn ra tại văn phòng của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, người thúc đẩy đối thoại với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). 

Theo Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, ông kỳ vọng sẽ trực tiếp dẫn dắt cuộc đàm phán, bao gồm việc xem xét các điều kiện do hai bên đưa ra.

Cuộc hội đàm đầu tiên này diễn ra trong vòng 48 giờ sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố các nhà lãnh đạo Thái Lan và Campuchia đã đồng ý "nhanh chóng đạt được một lệnh ngừng bắn".

Sau các cuộc điện đàm riêng với ông Phumtham và Hun Manet hôm 26-7, ông Donald Trump đã đe dọa rằng Washington sẽ không ký kết thỏa thuận thương mại với cả hai nước khi xung đột còn tiếp diễn.

Giao tranh trước thềm đàm phán

Theo phóng viên kênh Channel NewsAsia đưa tin từ tỉnh Oddar Meanchay - Campuchia, giáp biên giới với Thái Lan, người dân trú ẩn gần Trại Tiểu học Batthkao cách khu vực xung đột khoảng 55km cho biết họ nghe thấy tiếng bom từ 3 giờ sáng nay. Ông Muen Sim, 53 tuổi, đến từ huyện Samrong, cách trại 30 km, cho biết: "Sau đó, tôi nghe thấy tiếng nổ cứ 10 phút một lần, cho đến tận 13 giờ".

Hơn 200.000 người ở Thái Lan và Campuchia đã phải sơ tán và ít nhất 35 người ở cả hai phía thiệt mạng trong 5 ngày xung đột vừa qua.

Trong hơn một thế kỷ, Thái Lan và Campuchia đã bất đồng về các đoạn biên giới chung - một khu vực chưa được phân định đầy đủ.

Đường biên giới ban đầu được Pháp vẽ vào năm 1907 trong thời kỳ thực dân cai trị Campuchia, dựa trên thỏa thuận tuân theo đường phân thủy tự nhiên của khu vực.

Căng thẳng bùng phát không liên tục trong những năm qua, với đỉnh điểm là vào năm 2008, khi Campuchia đề cử ngôi đền Preah Vihear từ thế kỷ XI làm Di sản Thế giới UNESCO.

Bạo lực sau đó lên đến đỉnh điểm vào năm 2011 bằng một trận đấu pháo kéo dài một tuần. Vào thời điểm đó, Campuchia đã đệ đơn lên Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), yêu cầu tòa án làm rõ phán quyết năm 1962 đã công nhận ngôi đền thuộc Campuchia và ban hành các biện pháp ngăn chặn cuộc đối đầu quân sự tiếp theo.

Năm 2013, ICJ tái khẳng định toàn bộ mũi đất của ngôi đền nằm trong lãnh thổ Campuchia. Giờ đây, Phnom Penh lại một lần nữa nhờ đến Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) để giải quyết "những vấn đề nhạy cảm và chưa được giải quyết".