Ly kỳ bảo vật quốc gia: Bí ẩn bộ trang sức vàng trong mộ táng

(NLĐO) - Bộ sưu tập trang sức vàng niên đại hàng ngàn năm ở khu mộ táng Lai Nghi (Điện Bàn - Quảng Nam) vừa được công nhận là Bảo vật Quốc gia

Mang những bí ẩn từ hàng ngàn năm trước, bộ sưu tập trang sức vàng ở khu mộ táng Lai Nghi - vừa được công nhận là Bảo vật Quốc gia - hé lộ đời sống văn hóa tinh thần rất đa dạng, phong phú của cư dân cổ Sa Huỳnh

Quý hiếm, độc đáo

Khu mộ táng Lai Nghi được phát hiện năm 2000 tại xã Điện Nam, huyện Điện Bàn (nay là phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn), tỉnh Quảng Nam. Trước đó, khoảng năm 1995, thông tin người dân địa phương phát hiện một số đồ sắt han gỉ và nhiều mảnh gốm tại vườn nhà bà Hà Thị Nuôi ở Điện Nam được các nhà khảo cổ học chú ý.

Ly kỳ bảo vật quốc gia: Bí ẩn bộ trang sức vàng trong mộ táng- Ảnh 1.

Các khuyên tai vàng được phát hiện ở khu mộ táng Lai Nghi

Trên diện tích gần 200 m2, các nhà khảo cổ đã phát hiện 63 mộ chum, 4 mộ đất và một số cụm gốm với 10.423 tiêu bản. Di chỉ khảo cổ này được nhận định có đồ tùy táng rất phong phú và đa dạng. Hiện vật chôn theo mỗi chum ở Lai Nghi đạt tỉ lệ cao nhất trong số những địa điểm đã phát hiện và khai quật thuộc Văn hóa Sa Huỳnh. 

Trong đó, bộ trang sức vàng ở khu mộ táng Lai Nghi có niên đại từ thế kỷ III đến giữa thế kỷ I TrCN, gồm 108 hiện vật, chia thành 2 nhóm. 

Nhóm 1 gồm 4 khuyên tai tiết diện hình tròn, được làm bằng vàng, toàn thân có ren xoắn và khe hở ở thân. Các khuyên tai vàng này chưa bao giờ được tìm thấy trước đó trong Văn hóa Sa Huỳnh. 

Nhóm 2 là hạt chuỗi vàng, gồm 104 hiện vật hình dáng như 2 hình nón cụt úp vào nhau, chính giữa thân nối thành đường gờ, hai đầu phẳng và có lỗ xuyên dọc thân.

Ly kỳ bảo vật quốc gia: Bí ẩn bộ trang sức vàng trong mộ táng- Ảnh 2.

Hạt chuỗi vàng tìm thấy tại khu mộ táng Lai Nghi

Theo ông Nguyễn Chiều, giảng viên Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội, có thể xem các khuyên tai vàng ở di tích Lai Nghi là kiểu hiện vật được phát hiện lần đầu tiên tại các di chỉ thuộc Văn hóa Sa Huỳnh. 

Với hạt chuỗi vàng, TS Andreas Reinecke, trưởng đoàn khai quật Viện Khảo cổ chung và so sánh Đức, cho rằng Lai Nghi là di chỉ có số lượng hiện vật loại này được phát hiện nhiều nhất trong các di chỉ thuộc Văn hóa Sa Huỳnh từ trước đến nay.

Cư dân giàu có

Trang sức vàng ở khu mộ táng Lai Nghi có hình thức độc đáo và đa dạng về loại hình, chất liệu. Theo hồ sơ di sản, 4 chiếc khuyên tai ở đây được chế tác từ sợi/dây vàng. khá giống nhau về hình dáng và kích thước. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, quan sát và nghiên cứu kỹ thì thấy 3 chiếc có những gờ nổi rõ hơn; trên một số gờ có dấu của vết khắc.

Vì vậy, các chuyên gia khảo cổ học Đức và Việt Nam cho rằng 4 chiếc khuyên tai này được chế tác với kỹ thuật khác nhau. Những chiếc khuyên tai ở Lai Nghi có thể được làm bởi nhiều người thợ thủ công. Khuyên tai được chế tác ở đây có thể đã sao chép lại kiểu được du nhập.

Ly kỳ bảo vật quốc gia: Bí ẩn bộ trang sức vàng trong mộ táng- Ảnh 3.

104 hạt chuỗi vàng có hình dáng như 2 hình nón cụt úp vào nhau

Tại Đông Nam Á, khuyên tai chế tác tại địa phương đã được tìm thấy ở Prohear - Campuchia, Java - Indonesia. Các tiêu bản được nhập từ bên ngoài, không phải chế tác từ địa phương được phát hiện ở Bit Meas, Đông Campuchia và Afganistan. 

Dựa vào những bằng chứng khảo cổ học, các nhà nghiên cứu nhận định loại khuyên tai này phân bố rộng, từ châu Âu đến Đông Nam Á, có niên đại từ thế kỷ V đến thế kỷ I TrCN. Kỹ thuật chế tác các loại khuyên tai này phổ biến từ phía Tây đến Đông Nam Á.

Các hạt chuỗi vàng hoặc dát vàng có thể được chế tác bằng phương pháp dập khuôn bao ngoài, dập lỗ bên trong tạo thành hạt rỗng ruột. Do vậy, hạt chuỗi tuy nhẹ nhưng rất chắc chắn, khó méo mó. Tuy nhiên, một số hạt trong quá trình dập lỗ không đạt nên không thể xỏ dây qua. Điều này cũng minh chứng cho việc các hiện vật này được chế tác tại chỗ.

Kết quả phân tích 8 hạt chuỗi ở Lai Nghi cùng một số hiện vật khác ở Gò Mun (Phong Châu - Phú Thọ), Gò Mả Vôi (Duy Xuyên – Quảng Nam) cho thấy nguyên liệu là vàng sa khoáng - vốn được người xưa đãi từ sông hoặc trầm tích sông. Những hạt chuỗi này được chế tác trên cùng dây chuyền, có cùng nguồn gốc với tỉ lệ vàng 74%-95%.

Những hạt chuỗi vàng ở khu mộ táng Lai Nghi có thể được cư dân Văn hóa Sa Huỳnh khai thác nguyên liệu và chế tác tại chỗ. Vùng đất Quảng Nam vốn có các mỏ vàng như Bồng Miêu, Pu Nếp và nhiều nơi có vàng sa khoáng.

Ly kỳ bảo vật quốc gia: Bí ẩn bộ trang sức vàng trong mộ táng- Ảnh 4.

Các khuyên tai vàng được phát hiện ở khu mộ táng Lai Nghi

Các chuyên gia nhận định việc chế tác khuyên tai vàng phỏng theo trang sức nguồn gốc bên ngoài với kỹ thuật cao; cùng với việc tìm kiếm nguyên liệu, tinh chế và sản xuất hạt chuỗi vàng ở Lai Nghi cho thấy nhiều ngành nghề thủ công của Văn hóa Sa Huỳnh đã phát triển ngang bằng những nền văn hóa sơ kỳ sắt khác ở Đông Nam Á. 

Điều này còn cho thấy việc thương mại lẫn mức độ giàu có của cư dân văn hóa Sa Huỳnh không hề kém bất cứ cư dân nào cùng thời trong khu vực.

Ly kỳ bảo vật quốc gia: Bí ẩn bộ trang sức vàng trong mộ táng- Ảnh 5.

Các nhà khảo cổ khai quật khu mộ táng Lai Nghi

Bộ sưu tập trang sức vàng được phát hiện ở khu mộ táng Lai Nghị là tư liệu lịch sử quý hiếm, phản ánh quá trình giao lưu văn hóa và những thành tựu văn hóa, lịch sử của cư dân Văn hóa Sa Huỳnh trong quá trình lao động, xây dựng và phát triển.

Bảo vật quốc gia này là sản phẩm kết tinh giữa sự kế thừa truyền thống chế tác đồ thủ công của cư dân Sa Huỳnh với quá trình trao đổi, tiếp thu, chắt lọc tinh hoa của nghệ thuật chế tác từ các nền văn hóa lớn trên thế giới. Bộ sưu tập không chỉ thể hiện trình độ chế tác và tư duy thẩm mỹ mà còn là thông điệp về địa vị và cả ước nguyện của cư dân Văn hóa Sa Huỳnh.

Văn hóa Sa Huỳnh được nhà khảo cổ người Pháp M. Vinet phát hiện lần đầu tiên vào năm 1909. Ông tìm thấy bên đầm nước ngọt An Khê ở Sa Huỳnh (nay thuộc thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) một di chỉ minh chứng tại đây tồn tại một nền văn hoá phát triển đồng thời với Văn hoá Đông Sơn. Di vật tìm thấy là đồ tuỳ táng chôn theo người chết được đặt trong các mộ chum bằng đất nung.

Từ khu mộ chum ở Sa Huỳnh, các nhà khảo cổ đã liên tục phát hiện dấu vết một nền văn hóa thời tiền sử và tìm thấy khoảng 500 mộ chum chứa nhiều đồ tùy táng dọc các tỉnh, thành duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

Năm 1936, nhà khảo cổ học người Pháp M.Colani đã đặt tên cho nền văn hóa khảo cổ này là Văn hóa Sa Huỳnh.