Ly kỳ đánh cắp bí mật công nghệ: Các "đại gia" Mỹ khổ sở
(NLĐO) - Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland tuyên bố bộ này sẽ không dung thứ cho hành vi đánh cắp các công nghệ tiên tiến, trong đó có trí tuệ nhân tạo.
Nhiều công ty Mỹ đang đau đầu trước tình trạng bị đánh cắp bí mật công nghệ mà điểm đến thường là các công ty Trung Quốc.
Tesla
Truyền thông Trung Quốc hồi tháng 9-2023 đưa tin hãng xe điện Tesla (Mỹ) đã đệ đơn kiện Công ty Bingling Intelligent Technology (Trung Quốc), cáo buộc công ty này đánh cắp bí mật công nghệ và cạnh tranh không lành mạnh.
Đáng chú ý, hãng công nghệ Xiaomi (Trung Quốc) khi đó nắm 11,9% cổ phần trong Bingling, một công ty chuyên thiết kế vi mạch và linh kiện ô tô. Vụ kiện diễn ra trong bối cảnh Xiaomi đang tích cực mở rộng sang thị trường xe điện (EV) và tích hợp công nghệ lái xe tự động vào các mẫu xe của mình.

Xe tải không người lái của Tesla tại Hội nghị Robot Thế giới ở thủ đô Bắc Kinh - Trung Quốc hồi tháng 8-2024. Ảnh: REUTERS
Trước đó, vào năm 2019, hãng Tesla cáo buộc một cựu nhân viên đánh cắp và chia sẻ tài sản trí tuệ trị giá hàng trăm triệu USD với một đối thủ cạnh tranh ở Trung Quốc.
Kỹ sư Guangzhi Cao nói trên bị cáo buộc đánh cắp các chi tiết quan trọng từ dự án xe tự lái của Tesla và mang chúng đến Xiaopeng Motors, một công ty khởi nghiệp EV của Trung Quốc.
Theo đơn kiện, ông Cao đã tải lên tài khoản iCloud các bản sao hoàn chỉnh của mã nguồn xe tự lái của công ty. Khoảng 300.000 tập tin và thư mục đã bị lấy cắp.
Sau khi nhận công việc tại Xiaopeng, ông Cao đã xóa 120.000 tập tin khỏi máy tính làm việc và ngắt kết nối với tài khoản iCloud. Sau đó, ông ta nhiều lần đăng nhập vào mạng của Tesla và xóa lịch sử trình duyệt trước khi rời công ty này vào đầu tháng 1-2019.

Nhà máy của hãng Tesla ở TP Thượng Hải - Trung Quốc. Ảnh: REUTERS
Ông Cao sau đó làm việc tại XMotors, công ty con của Xiaopeng tại Mỹ. Xiaopeng cho biết cuộc điều tra nội bộ của họ không phát hiện hành vi sai trái nào của ông Cao, cũng như khẳng định họ không yêu cầu người này "chiếm đoạt bí mật thương mại, thông tin bảo mật và độc quyền của Tesla." Đến tháng 4-2021, theo Reuters, Tesla đã dàn xếp vụ kiện trên.
Theo trang tin Firstpost, vụ kiện của Tesla là một phần trong xu hướng chung khi các công ty Trung Quốc bị cáo buộc đánh cắp công nghệ EV từ các công ty toàn cầu. Năm 2020, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cảnh báo các nhà sản xuất ô tô trong nước về việc Trung Quốc "quan tâm đến việc đánh cắp công nghệ EV".
Tesla có một nhà máy ở TP Thượng Hải, đặt họ vào thế cạnh tranh trực tiếp với Xpeng và các công ty Trung Quốc khác trong thị trường EV lớn nhất thế giới.
Apple
Apple cũng là một "nạn nhân" nổi bật của tội phạm đánh cắp bí mật công nghệ. Bộ Tư pháp Mỹ hồi tháng 5-2023 công bố một cựu kỹ sư phần mềm của Apple bị buộc tội đánh cắp công nghệ tự động của công ty này để cung cấp cho một công ty xe tự lái Trung Quốc.
Người này là Weibao Wang, làm kỹ sư phần mềm tại Apple từ năm 2016 đến 2018. Ông Wang được cấp quyền truy cập rộng rãi vào các cơ sở dữ liệu mà chỉ 2.700 trong số 135.000 nhân viên của Apple có thể truy cập.

Ông Weibao Wang. Ảnh: Apple.fandom.com
Wang đã bị buộc 6 tội danh liên quan đến đánh cắp hoặc tìm cách đánh cắp "toàn bộ mã nguồn tự động" của Apple, các hệ thống theo dõi, lập kế hoạch hành vi cho hệ thống tự động, những mô tả về phần cứng đứng sau các hệ thống này.
Khoảng 4 tháng trước khi nghỉ việc tại Apple, ông Wang chấp nhận làm việc cho chi nhánh tại Mỹ của một công ty Trung Quốc (không được nêu tên) đang phát triển công nghệ xe tự lái. Khi đó, ông ta bắt đầu đánh cắp "lượng lớn" công nghệ thương mại và mã nguồn nhạy cảm, theo cáo trạng.
Cơ quan thực thi pháp luật Mỹ đã khám xét nhà của ông Wang ở bang California - Mỹ hôm 27-6-2018. Tại đây, họ tìm thấy lượng lớn dữ liệu bị đánh cắp, gồm những dữ liệu mật và độc quyền. Ông Wang ban đầu cam kết không rời khỏi Mỹ nhưng đã đổi ý sau khi cuộc khám xét diễn ra và chạy đến TP Quảng Châu - Trung Quốc. Người này sẽ phải đối mặt với 10 năm tù cho mỗi tội danh nếu bị dẫn độ và kết tội.
Wang là nhân viên thứ ba của Apple bị buộc tội đánh cắp bí mật thương mại về công nghệ tự động cho Trung Quốc. Một nhân viên khác của Apple, Xiaolang Zhang, đã nhận tội tại tòa án liên bang Mỹ về một vụ trộm tương tự liên quan đến bí mật thương mại trong bộ phận xe của Apple.
Giống như ông Wang, ông Zhang cũng có kế hoạch trốn sang Trung Quốc. Cả hai ông Zhang và Wang đều làm việc tại bộ phận tự lái của Apple cùng thời điểm và đều nghỉ việc năm 2018.

Một cửa hàng của Apple ở TP Thượng Hải - Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Người còn lại là Jizhong Chen, đối mặt cáo buộc tìm cách lấy thông tin quan trọng từ dự án xe tự lái bí mật của Apple vào năm 2019. Theo đài CNN, kỹ sư này bị bắt ngay trước khi có ý định bay sang Trung Quốc. Apple cho biết số tài liệu bí mật này nếu bị tiết lộ sẽ gây ra "tổn thất khổng lồ" cho công ty.
Theo đơn kiện, Chen đã thừa nhận với hãng Apple rằng ông ta tải thông tin về dự án nói trên vào ổ cứng cá nhân và xem đây như một "biện pháp bảo hiểm" trong trường hợp bị mất việc. Sau đó, Apple phát hiện ông Chen đã nộp đơn xin hai công việc khác, trong đó có vị trí tại một công ty xe tự lái Trung Quốc, trực tiếp cạnh tranh với dự án của Apple.
Bộ Tư pháp Mỹ hồi tháng 4-2024 cho biết một công dân Trung Quốc bị bắt vì cáo buộc đánh cắp hơn 500 tập tin chứa thông tin mật về công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) của Google.
Người này là Linwei Ding, cựu nhân viên 38 tuổi của Google. Các công tố viên cho biết vào thời điểm Ding ra tay đánh cắp bí mật công nghệ của Googe, người này còn bí mật là nhân viên của 2 công ty công nghệ ở Trung Quốc.
Các bí mật thương mại bị đánh cắp liên quan đến cơ sở hạ tầng phần cứng và nền tảng phần mềm cho phép các trung tâm dữ liệu siêu máy tính của Google huấn luyện mô hình AI lớn thông qua công nghệ học máy. Đại diện Google cho biết đã trình báo vụ việc cho lực lượng thực thi pháp luật sau khi phát hiện nhân viên nói trên đánh cắp tài liệu.

Hồ sơ trên trang LinkedIn của Linwei Ding. Ảnh: Medium
Ding được tuyển dụng vào Google làm kỹ sư phần mềm năm 2019, tập trung vào phát triển phần mềm liên quan đến học máy và ứng dụng AI. Vào tháng 5-2022, Ding bị cáo buộc bắt đầu tải lên thông tin mật từ mạng của Google vào tài khoản Google Cloud cá nhân.
Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray nhận định hành vi đánh cắp công nghệ sáng tạo và bí mật thương mại từ các công ty Mỹ có thể gây mất việc làm và để lại hậu quả nghiêm trọng về kinh tế và an ninh quốc gia.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland tuyên bố bộ này sẽ không dung thứ cho hành vi đánh cắp các công nghệ tiên tiến, trong đó có AI, từ đó đe dọa đến an ninh quốc gia. Cũng theo ông Garland, Washington sẽ bảo vệ quyết liệt các công nghệ nhạy cảm được phát triển ở Mỹ.
Thep trang NPR. Mỹ được xem là quốc gia dẫn đầu toàn cầu về AI, một công nghệ mới nổi có thể định hình lại nhiều khía cạnh của cuộc sống hiện đại.
AI cũng có thể trở thành một công cụ quan trọng trong việc giúp cơ quan thực thi pháp luật bảo vệ an toàn công cộng. Tuy nhiên, các quan chức Bộ Tư pháp Mỹ đã cảnh báo về những rủi ro tiềm tàng mà AI gây ra đối với an ninh quốc gia nếu rơi vào tay tội phạm hoặc các quốc gia thù địch.
Bộ này cũng thành lập một đơn vị để bảo vệ các công nghệ tiên tiến của Mỹ, như AI, trước nguy cơ bị đánh cắp bởi các đối thủ nước ngoài.