Miễn viện phí - giấc mơ dần thành hiện thực: Khát vọng và bài toán bền vững
Để miễn viện phí một cách bền vững, cần lộ trình và giải pháp toàn diện về tài chính, nguồn lực, chất lượng
Theo một lãnh đạo Bệnh viện (BV) Ung bướu TP HCM, việc miễn viện phí cho bệnh nhân sẽ tạo ra nhiều lợi ích lớn, đặc biệt là cho bệnh nhân ung thư.
Phải bảo đảm đủ nguồn lực
Điều này sẽ giúp người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế, đặc biệt trong bối cảnh chi phí khám chữa bệnh là một trong những nguyên nhân khiến nhiều bệnh nhân trì hoãn điều trị. Khi miễn viện phí, bệnh nhân sẽ không còn lo ngại về chi phí và có thể đến BV sớm, giúp việc điều trị hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách miễn viện phí gặp nhiều thách thức trong trường hợp BV không thu viện phí, nguồn tài chính để vận hành BV sẽ bị thiếu hụt, ảnh hưởng đến công tác điều trị và đào tạo nhân lực. Thêm vào đó, việc đầu tư và bảo trì thiết bị y tế cũng sẽ gặp khó khăn nếu không có nguồn thu ổn định.
Nếu triển khai chính sách miễn viện phí, nhà nước cần bảo đảm đủ nguồn lực để đầu tư vào cơ sở vật chất và duy trì các thiết bị y tế.
Ngoài ra, bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân là một giải pháp khả thi để giảm gánh nặng chi phí cho người dân nhưng quỹ bảo hiểm hiện tại chưa đủ lớn để chi trả toàn bộ chi phí điều trị, đặc biệt đối với các bệnh lý nặng như ung thư. Vì vậy, kết hợp giữa miễn viện phí cho người nghèo và BHYT toàn dân có thể là một giải pháp hợp lý. Bên cạnh đó, các gói dịch vụ y tế chất lượng cao cũng có thể được triển khai cho những người có điều kiện tài chính tốt hơn. Tuy nhiên, bất kể là người có điều kiện hay không, chất lượng điều trị tại BV vẫn được bảo đảm với tiêu chuẩn chuyên môn cao, chỉ khác biệt về cơ sở vật chất.
Chính sách miễn viện phí cho bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân ung thư, sẽ giúp giảm gánh nặng tài chính cho người dân nhưng để có thể triển khai bền vững, cần chuẩn bị kỹ lưỡng về tài chính và đầu tư vào cơ sở vật chất. Sự kết hợp giữa BHYT và các gói dịch vụ chất lượng cao sẽ là phương án khả thi để người dân có thể lựa chọn dịch vụ phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của mình.
Tại TP HCM, BV An Bình trước đây đã từng triển khai mô hình miễn viện phí cho cộng đồng người Hoa. Mô hình này được duy trì nhờ sự hỗ trợ của cộng đồng. Dù đã giúp đỡ hàng trăm ngàn bệnh nhân khó khăn nhưng BV phải quay lại thu phí do thiếu nguồn lực. Việc thực hiện miễn viện phí cho toàn dân là một chủ trương đầy nhân văn nhưng không dễ dàng. Chính sách này yêu cầu sự chuẩn bị chu đáo về tài chính, cơ sở vật chất và nhân lực. Để triển khai thành công, cần một lộ trình rõ ràng và sự đồng thuận từ các cơ quan chức năng, đặc biệt là bảo đảm cơ chế tài chính bền vững để duy trì chất lượng dịch vụ y tế.

Miễn viện phí cho bệnh nhân sẽ tạo ra nhiều lợi ích lớn, đặc biệt là cho bệnh nhân ung thư
Nâng cao chỉ số hạnh phúc
BS chuyên khoa II Phạm Thanh Việt, Phó Giám đốc BV Chợ Rẫy (TP HCM), cho biết chính sách miễn viện phí cho toàn dân không chỉ mang lại công bằng trong y tế mà còn góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc xã hội. Những quốc gia đang thực hiện miễn phí giáo dục và y tế đều ghi nhận chất lượng sống của người dân cao hơn, an sinh xã hội tốt hơn và cộng đồng phát triển bền vững hơn.
Theo BS Việt, khi xã hội ngày càng ổn định về kinh tế, người dân sẽ có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến chỉ số hạnh phúc. Muốn đạt được điều đó, việc bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực y tế và giáo dục, là vô cùng quan trọng.
"Chúng ta hoàn toàn có thể cân bằng giữa lợi ích kinh tế và an sinh xã hội. Như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người. Miễn phí giáo dục là "trồng người", còn miễn viện phí chính là hướng tới công bằng trong chăm sóc sức khỏe" - BS Việt nhấn mạnh.
Trước lo ngại rằng việc miễn viện phí có thể ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh, BS Việt khẳng định chừng nào còn thu phí, chừng đó vẫn tồn tại không công bằng. Khi điều trị được miễn phí, mọi người bệnh sẽ được tiếp cận dịch vụ y tế như nhau, không còn phân biệt khả năng chi trả.
Ở một số quốc gia đã miễn viện phí, các BV được quản lý trực tiếp bởi nhà nước, hướng tới một mục tiêu chung là phục vụ người dân. Việc phân biệt giữa BV công - tư gần như không còn, bởi tất cả đều hoạt động vì sức khỏe cộng đồng.
Bên cạnh đó, để hệ thống y tế hoạt động hiệu quả và bền vững, cần có chính sách đồng bộ hơn. Sinh viên ngành y cần được tuyển chọn kỹ lưỡng, đào tạo bài bản và được hỗ trợ về học phí. Bác sĩ cũng cần được trả lương xứng đáng để họ yên tâm cống hiến. Như ở Phần Lan, lĩnh vực nhi khoa được miễn phí hoàn toàn nhưng cũng chính là chuyên khoa khó nhất để được nhận vào làm việc và có mức lương cao nhất. Như vậy mới có thể đồng thời bảo đảm chất lượng và duy trì chính sách miễn viện phí.
Một trong những lo ngại hiện nay là hệ thống BV công, nhất là các BV tự chủ tài chính, có thể gặp khó khăn khi triển khai miễn viện phí. Tuy nhiên, nếu tổ chức tốt, đây hoàn toàn không phải vấn đề quá lớn.
"Các bác sĩ hiện nay được đào tạo bài bản, có năng lực chuyên môn tốt và luôn hỗ trợ nhau trong quá trình điều trị. Nếu được miễn viện phí, người dân sẽ không còn xu hướng đổ dồn lên tuyến cuối, mà có thể chủ động tầm soát sức khỏe ngay từ tuyến đầu" - BS Việt phân tích.
Thực tế cho thấy nhiều người chỉ đến BV khi bệnh đã nặng, qua "thời gian vàng" trong điều trị. Nếu được miễn phí, người dân sẽ có thói quen chủ động chăm sóc sức khỏe, phát hiện bệnh sớm, từ đó tạo nên một cộng đồng khỏe mạnh, làm việc hiệu quả hơn.
"Khi tổ chức khám bệnh, chỉ cần thông báo miễn phí, người dân ở khu vực lân cận cũng sẽ đến vì muốn biết tình trạng sức khỏe của mình. Điều này chứng tỏ nhu cầu được chăm sóc y tế là rất lớn nhưng rào cản tài chính vẫn còn hiện hữu" - BS Việt dẫn chứng.
Theo BS Việt, tại BV Chợ Rẫy hiện vẫn đang có nhiều hoạt động hỗ trợ người nghèo được điều trị. Những bệnh nhân không có khả năng chi trả vẫn được bảo đảm điều trị cơ bản và được phục vụ với tinh thần "điều trị cho người nghèo nhưng phục vụ như cho người giàu". (Còn tiếp)