Giải đáp "nóng" về phổ điểm, chọn nguyện vọng ĐH
Báo Người Lao Động tổ chức chương trình talkshow - tư vấn trực tuyến với chủ đề: "Giải mã phổ điểm, chiến lược chọn nguyện vọng đại học"
Trong khuôn khổ chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" năm 2025, vào lúc 14 giờ ngày 17-7, Báo Người Lao Động tổ chức chương trình talkshow - tư vấn trực tuyến với chủ đề: "Giải mã phổ điểm, chiến lược chọn nguyện vọng đại học".
Talkshow - tư vấn trực tuyến được tổ chức vào thời điểm "vàng" - khi thí sinh cả nước đã có kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025 và chính thức bắt đầu đăng ký xét tuyển đại học trên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT.
Khách mời của chương trình gồm:
- TS Trần Thanh Thưởng, Trưởng Phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên- Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM;
- ThS Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó Trưởng Phòng Tuyển sinh - Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Tài Chính - Marketing;
-ThS Trần Lê Trọng Phúc, Phó trưởng Phòng Quản lý đào tạo - Trường ĐH Mở TP HCM;
- ThS Ngô Thị Xuân, Phó trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông - Trường ĐH Ngân hàng TP HCM
- ThS Trương Quang Trị - Phó trưởng Phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành
Tham gia chương trình có các chuyên gia, đại diện đến từ Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, Trường ĐH Tài chính - Marketing, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, Trường ĐH Mở TP HCM, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.
Trong chương trình này, các khách mời sẽ tập trung phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT 2025 vừa được Bộ GD-ĐT công bố, dự đoán xu hướng điểm chuẩn và tư vấn chiến lược lựa chọn ngành học phù hợp với năng lực, nguyện vọng từng nhóm thí sinh.
Ngoài ra, thí sinh sẽ được hướng dẫn cách đăng ký - điều chỉnh nguyện vọng một cách thông minh, nhận diện và tránh các lỗi phổ biến trong xét tuyển; đồng thời giải đáp các quy định mới liên quan đến việc quy đổi điểm, cộng điểm ưu tiên từ chứng chỉ quốc tế… Đặc biệt, đại diện các trường sẽ cập nhật thông tin mới nhất về phương thức tuyển sinh, chỉ tiêu, thời gian đăng ký, mốc điều chỉnh nguyện vọng và điểm cộng ưu tiên…
Chương trình được tường thuật trực tuyến trên Báo Người Lao Động điện tử và các nền tảng số của báo. Từ bây giờ bạn đọc có thể đặt câu hỏi vào ô bên dưới để chuyên gia giải đáp.

Chương trình tư vấn bắt đầu
- Thưa quý thầy/cô, phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay có gì khác biệt so với năm trước? Điều đó ảnh hưởng ra sao đến xu hướng xét tuyển?
-ThS Nguyễn Thị Kim Phụng: Có nhiều chuyên gia đã phân tích phổ điểm các môn thi. Môn toán dù có nhiều điểm 10 nhưng điểm trung bình thấp. Do vậy, những tổ hợp xét tuyển có môn toán sẽ thấp.
Với các môn còn lại như văn, sử, địa khá ổn định so với các năm trước. Môn tiếng Anh ở mức trung bình. Xu hướng năm nay, với các tổ hợp truyền thống như A00, A01, D01… sẽ có mức điểm thấp hơn các năm trước.
Thời gian tới, các trường sẽ công bố điểm sàn, đây là cơ sở để thí sinh đặt nguyện vọng. Với tổ hợp C00, điểm chuẩn sẽ giữ ổn định hoặc tăng nhẹ. Năm nay, các trường sử dụng nhiều tổ hợp xét tuyển. Do vậy, thí sinh không nên quá lo lắng. Năm nay hệ thống sẽ tự động xét, thí sinh chỉ ghi mã trường, ngành muốn học mà thôi.

ThS Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó Trưởng Phòng Tuyển sinh - Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Tài Chính - Marketing
-ThS Trần Lê Trọng Phúc: Phổ điểm các môn năm nay chỉ giảm nhẹ so với năm trước, chỉ riêng môn toán giảm mạnh (điểm trung bình giảm từ 6,45 của năm 2024 xuống còn 4,78).
Toán là môn bắt buộc nên đề khó là khó chung cho tất cả thí sinh.
Những tổ hợp có môn toán có mức điểm xét tuyển sẽ giảm nhẹ. Các nhóm ngành về kinh tế, kỹ thuật ở Trường ĐH Mở TP HCM điểm chuẩn có thể hạ thấp hơn năm ngoái.

ThS Trần Lê Trọng Phúc, Phó trưởng Phòng Quản lý đào tạo - Trường ĐH Mở TP HCM
-Phổ điểm năm nay cho thấy mức độ phân hóa của đề thi không đồng đều nhau? Điều này ảnh hưởng ra sao đến công tác xét tuyển đại học?
-TS Trần Thanh Thưởng: Một điểm đáng lưu ý trong kỳ thi năm nay là điểm môn toán có xu hướng thấp hơn so với các năm trước. Điều này có thể ảnh hưởng đến tổng điểm xét tuyển của nhiều thí sinh.
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM có các chương trình đào tạo tại trường: Chương trình đào tạo tiếng Việt, chương trình đào tạo tiếng Anh, chương trình Việt - Nhật, chương trình đào tạo tại phân hiệu.
Về quy trình đăng ký nguyện vọng năm nay, sẽ đơn giản hơn cho thí sinh. Các em chỉ cần thực hiện các bước sau: Đăng ký tên cá nhân, số căn cước công dân, lựa chọn ngành và trường cho nguyện vọng 1, sau đó tiếp tục cho nguyện vọng 2 và cứ thế cho đến hết nguyện vọng N.
Việc chọn tổ hợp môn nào có điểm cao nhất để xét, ưu tiên xét tuyển bằng điểm thi, điểm học bạ hay điểm đánh giá năng lực... tất cả sẽ do máy tính tự động thực hiện.

TS Trần Thanh Thưởng, Trưởng Phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên- Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM.
-ThS Ngô Thị Xuân: Trường ĐH Ngân hàng TP HCM đến thời điểm hiện nay, các bạn thí sinh đang cung cấp minh chứng, tiến hành đăng ký nguyện vọng trên cổng thông tin của Bộ GD-ĐT.
Môn toán năm nay có sự phân hóa rõ ràng, điểm cạnh tranh cao, nhất là ở khối A, D.
Theo tôi, điểm chuẩn năm nay có khả năng giảm từ 1-3 điểm. Năm nay, chúng tôi cũng tuyển sinh 16 ngành ở 14 tổ hợp môn. Phụ huynh và thí sinh yên tâm, quan trọng nhất là xác định đúng ngành yêu thích, điền đúng thông tin.

ThS Ngô Thị Xuân, Phó trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông - Trường ĐH Ngân hàng TP HCM
-Với phổ điểm thi vừa được Bộ GD- ĐT công bố, liệu điểm chuẩn năm nay có giảm, mức giảm là bao nhiêu ở từng lĩnh vực ngành nghề, tổ hợp xét tuyển?
-ThS Trương Quang Trị: Đề thi năm nay phân hoá mạnh và hợp lý, đặc biệt môn toán và tiếng Anh.
Trong xét tuyển, trường nào cũng phải điều chỉnh để phù hợp với phổ điểm. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã công bố điểm sàn xét tuyển để thí sinh an tâm.
Chưa thể kết luận điểm chuẩn năm nay giảm bao nhiêu vì nó còn phụ thuộc nhiều yếu tố như lượng thí sinh đăng ký và điểm thi của thí sinh đó. Tuy vậy, có thể nói điểm chuẩn năm nay có thể giảm nhẹ.
Thí sinh cần tham khảo điểm chuẩn năm 2024, 2023 để làm cơ sở đăng ký xét tuyển vào các trường mà thí sinh quan tâm.
Năm nay trường mở một số ngành mới, đây là cơ hội để thí sinh có thêm sự lựa chọn. Dù phương thức nào, thí sinh cũng cần quan tâm đến thực lực, điểm số của mình.

ThS Trương Quang Trị - Phó trưởng Phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.
-ThS Nguyễn Thị Kim Phụng: Nếu thí sinh để ý sẽ thấy điểm sàn của các trường năm nay thấp hơn 2024. Tùy ngành, khối ngành nên có điểm sàn khác nhau, điểm chuẩn khác nhau.
Ở từng trường có những ngành thế mạnh thì điểm chuẩn chắc chắn sẽ không giảm nhiều bởi đây là ngành trọng tâm, trọng điểm.
Hiện nay, trên hệ thống xét tuyển không có phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển. Quan trọng nhất là thí sinh phải chọn được ngành mình muốn học, đúng sở trường chứ không thể nói điểm đó có thể trúng ngành nào. Thí sinh hoàn toàn không nên chỉ chọn trường thôi mà không chọn ngành.
Các trường có nhiều phương thức, tổ hợp nên thí sinh có nhiều cơ hội tham gia xét tuyển.
Hãy cẩn trọng trong việc xác định ngành nghề nào phù hợp, trường nào phù hợp với điều kiện tài chính. Còn tổ hợp nào, phương thức nào hệ thống sẽ tự động xét cho các bạn miễn là môn thi, phương thức xét tuyển của bạn phù hợp với phương thức, tổ hợp xét tuyển của trường.

Các chuyên gia đang tư vấn
-Nhiều thí sinh đã vạch ra kế hoạch chọn ngành, chọn trường. Liệu thí sinh có nên điều chỉnh nguyện vọng nếu điểm thấp hơn dự kiến?
-ThS Trần Lê Trọng Phúc: Các bạn đã có 12 năm theo đuổi việc học và bây giờ là giai đoạn quan trọng quyết định tương lai học tập sau này.
Những năm gần đây, cánh cửa hước vào giảng đường đại học tương đối rộng mở. Tuy nhiên, làm sao theo đuổi 4 năm đại học đến cùng thì thí sinh cần phải chọn đúng ngành học đam mê.
Sau khi có phổ điểm thi, nhiều thí sinh cảm thấy "dễ thở" hơn. Bộ GD- ĐT không giới hạn số lượng nguyện vọng. Thầy, cô cũng hướng dẫn học sinh chia nguyện vọng thành 2-3 nhóm.
Những nguyện vọng đầu thuộc nhóm ngành thí sinh mơ ước, điểm chuẩn có thể cao hơn năng lực của các em một chút; nhóm còn lại là những nguyện vọng bằng hoặc thấp hơn năng lực hiện tại.
Nếu đăng ký nguyện vọng không chính xác, thí sinh hoàn toàn không thể xin thay đổi nguyện vọng được. Thí sinh cần tránh trường hợp đặt sai vị trí nguyện vọng.
-ThS Ngô Thị Xuân: Thí sinh hãy kiên định với mục tiêu ban đầu của mình. Tại thời điểm này, điểm thi đã có rồi. Tuy nhiên, chúng ta sẽ có thêm phương án dự phòng, cụ thể là những nguyện vọng bổ sung.
Ví dụ, trong trường hợp thí sinh không trúng nguyện vọng 1 mà trúng vào nguyện vọng bổ sung, nên chọn những ngành gần giống hoặc trong nhóm ngành yêu thích của nguyện vọng 1.

"Các bạn đã có 12 năm theo đuổi việc học và bây giờ là giai đoạn quan trọng quyết định tương lai học tập sau này."
-Những ngành kỹ thuật nào đang có xu hướng tăng mạnh điểm chuẩn trong những kỳ tuyển sinh qua? Liệu thí sinh có nên theo đuổi những ngành này khi mà điểm thi không đạt như kỳ vọng?
-TS Trần Thanh Thưởng: Trong những năm vừa qua, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM có nhiều ngành điểm chuẩn cao như CNTT, logistics quản lý chuỗi cung ứng, điều khiển tự động hoá…
Thí sinh không nên quá lo lắng nếu điểm chuẩn không như kỳ vọng.
Nếu thí sinh sợ không trúng tuyển ngành đó ở trường mà đăng ký NV1 ở trường khác thì nếu trúng tuyển ở trường khác rồi thì các em không còn cơ hội xét NV2 ở trường.
Nếu không tự tin vào ngành em muốn có thể đăng ký vào ngành gần, đăng ký vào chương trình chất lượng cao thường có điểm chuẩn thấp hơn hệ đại trà; hay đăng ký tại phân hiệu Bình Phước (tỉnh Đồng Nai) sẽ có điểm chuẩn thấp hơn do 2025 là năm đầu tiên trường tuyển sinh ở phân hiệu này.

Các chuyên gia đang tư vấn trực tiếp về chọn ngành, nguyện vọng ĐH cho thí sinh
-Khi đăng ký nguyện vọng trên hệ thống của Bộ GD-ĐT, thí sinh nên lưu ý những điều gì? Có cần chọn phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển không? Hệ thống xét tuyển thực hiện như thế nào?
-ThS Trần Lê Trọng Phúc: Năm nay, thí sinh sẽ cung cấp 3 thông tin chính: Thứ tự nguyện vọng, mã trường, mã ngành.
Thí sinh có thể cung cấp thêm minh chứng như chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển hoặc lấy điểm cộng.
Lưu ý, trong quá trình đăng ký, thí sinh vẫn thực hiện rà soát lại điểm học bạ các năm, điểm kỳ thi V-SAT, điểm thi đánh giá năng lực… để chắc rằng đây là những thông tin chính xác, làm cơ sở để các trường ĐH xét tuyển. Ngoài ra, thí sinh cần phải thường xuyên theo dõi các kênh thông tin của các trường ĐH để không bỏ lỡ bất kỳ thông báo nào trong thời điểm này.

"Nên có chiến lược lựa chọn nguyện vọng thông minh"
-Năm nay thí sinh cũng được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng, được điều chỉnh không giới hạn số lần và được bổ sung nguyện vọng trong thời gian quy định. Câu hỏi đặt ra là có nên đăng ký nhiều nguyện vọng cho an toàn?
-ThS Nguyễn Thị Kim Phụng: Hằng năm, có nhiều trường hợp thí sinh chỉ đăng ký 1 nguyện vọng thôi và đôi khi rớt, cũng như có 1 nhóm thí sinh đăng ký rất nhiều nguyện vọng…
Khi đăng ký quá nhiều nguyện vọng sẽ khiến các bạn hoang mang nhiều hơn vì không xác định đâu là ngành, đặt nguyện vọng sao cho phù hợp.
Cần phải có chiến lược đặt nguyện vọng. Theo đó, các bạn chọn ít nhất 2 trường có điểm chuẩn năm ngoái cao hơn điểm mình có; 2 trường có điểm bằng; 2 trường có điểm chuẩn năm ngoái thấp hơn điểm mình có từ 1-2 điểm; chọn thêm ngành gần ở 3 trường với 3 nguyện vọng mà điểm chuẩn năm ngoái thấp hơn nhiều so với điểm mình có để làm dự phòng.
Khi đăng ký, điều chỉnh bạn phải ghi chú để tránh nhầm lẫn.
Thí sinh cũng không nên đăng ký nguyện vọng ngay mà cần sắp xếp các nguyện vọng thật hợp lý sau đó mới đăng ký.
Các bạn cũng tránh tập trung đăng ký vào những ngày cuối cùng để tránh sự cố hệ thống.
Nếu có điều chỉnh, các bạn hãy suy nghĩ thật cẩn trọng, tránh bổ sung nhiều quá, điều chỉnh nhiều quá…
Tóm lại, bạn phải có chiến lược đặt nguyện vọng để đảm bảo trúng tuyển, trúng vào ngành thích nhất ở trường phù hợp nhất với điểm thi và năng lực, khả năng của mình và gia đình.
-Để có thể trúng tuyển vào ngành mong muốn học và trúng ngay ở nguyện vọng 1, thí sinh cần sắp xếp thứ tự nguyện vọng như thế nào sao cho hợp lý? Ngoài điểm thi mà thí sinh có cùng với thông tin phổ điểm, thí sinh nên tham khảo điểm chuẩn của mấy năm để làm cơ sở đặt nguyện vọng?
-TS Trần Thanh Thưởng: Từ ngày 16-7 đến 17 giờ ngày 28-7, mở cổng đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng không giới hạn số lần. Từ 29-7 đến 17 giờ ngày 5-8: Thí sinh phải đóng tiền các nguyện vọng, 1 nguyện vọng là 25.000 đồng.
Chọn nguyện vọng khoa học là điều thí sinh cần phải làm ngay lúc này. Nguyện vọng 1 là ngành đam mê nhất và giảm dần mức độ yêu thích ở các nguyện vọng sau.
Ví dụ: Nếu thí sinh đam mê ngành kỹ thuật ô tô thế nhưng ngành này có mức điểm chuẩn khá cao, thí sinh có thể đăng ký thêm nguyện vọng vào ngành chế tạo máy và ô tô, kỹ nghệ gỗ và nội thất…Theo tôi, chọn từ 8-10 nguyện vọng là phù hợp.
Năm 2025 Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM dành 60 tỉ đồng để cấp học bổng cho sinh viên.
-Cấp học bổng khuyến tài cho thí sinh trúng tuyển có tổng điểm thi THPT 2025 (không tính điểm ưu tiên, điểm thưởng) của 3 môn xét tuyển từ 26 điểm trở lên; mỗi điểm thưởng 1.000.000đ; mỗi ngành chọn 1 thí sinh có điểm cao nhất.
-Cấp học bổng học kỳ đầu tiên, các học kỳ tiếp theo thì căn cứ vào kết quả học tập của học kỳ trước đó để cấp học bổng:
-Có giá trị bằng 50% học phí cho thí sinh nữ học các ngành kỹ thuật
-Có giá trị bằng 20% học phí cho thí sinh có anh, chị em ruột đã hoặc đang học tại trường.
-Ngành sư phạm Anh và ngành sư phạm công nghệ: Miễn học phí trong 4 năm học và còn được nhận tiền sinh hoạt phí 3,6 triệu đồng/tháng.

Toàn cảnh tư vấn lựa chọn nguyện vọng ĐH do Báo Người Lao Động tổ chức chiều 17-7
-ThS Ngô Thị Xuân: Điều quan trọng nhất chính là xác định nguyện vọng đam mê, nếu có thêm phân tích cụ thể, thí sinh cần đăng ký thêm 1 vài nguyện vọng phía dưới có cùng nhóm ngành.
Thí sinh cần lưu ý, số lượng nguyện vọng là không giới hạn, đồng thời phải thường xuyên cập nhật thông tin đề án của các trường xem có sự thay đổi gì đột biến hay không. Khi đăng ký nguyện vọng xong, cần phải lưu lại ngoài sổ tay.
Với Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, nhà trường tuyển sinh 16 ngành với 4 chương trình đào tạo. Trong đó, có một số ngành tuyển sinh nhiều chương trình đào tạo. Trường có tuyến xe buýt đi thẳng vào trường, có ý túc xá cho sinh viên.
-Ngoài điểm thi (tốt nghiệp THPT, đánh giá năng lực, học bạ…), khi đăng ký xét tuyển thí sinh cần cân nhắc đến những vấn đề gì?
-ThS Trương Quang Trị: Bất kỳ phương thức nào thí sinh trúng tuyển đều có quyền lợi như nhau. Quan trọng là điểm số của thí sinh và ngành mà thí sinh đăng ký có phù hợp không…
Thí sinh phải hiểu mình, hiểu ngành, và biết cách đăng ký sao cho ngành/trường yêu thích nhất phải đặt ở nguyện vọng 1 sau đó giảm dần về các nguyện vọng sau.
Thí sinh cũng cần quan tâm đến học phí của trường ĐH, chương trình đào tạo, phải đủ tỉnh táo, quyết tâm và thông minh khi đăng ký nguyện vọng.
-ThS Trần Lê Trọng Phúc: Các em nhớ là phải đăng ký được nguyện vọng trên hệ thống của Bộ GD-ĐT. Thí sinh trúng tuyển thẳng vào trường vẫn phải đăng ký lại trên hệ thống của Bộ GD-ĐT.
Thí sinh không nên chờ đến những ngày áp chót của đợt đăng ký xét tuyển mới đăng ký. Nếu thí sinh đã có sự chuẩn bị kỹ thì có thể đăng ký ngay ở thời điểm này.
Việc sắp xếp thứ tự nguyện vọng là quan trọng bởi nếu đã trúng ở nguyện vọng trước thì không xét đến nguyện vọng sau.
Để có thể trúng tuyển vào ngành yêu thích, hãy chia nguyện vọng thành các nhóm để vừa có cơ hội trúng tuyển vào ngành/trường yêu thích nhất vừa đảm bảo cơ hội trúng tuyển.
SAU ĐÂY LÀ PHẦN TƯ VẤN TRỰC TUYẾN: