Suối Mạch Máng - ghi khắc trận đánh lịch sử

Suối Mạch Máng đã đi vào lịch sử dân tộc khi từng diễn ra trận đánh hết sức ác liệt giữa bộ đội chủ lực, dân quân, du kích địa phương với bộ binh Mỹ - ngụy

Chúng tôi trở lại suối Mạch Máng (hay còn gọi là Suối Sọ, ở tỉnh Bình Dương), gặp người chiến sĩ cách mạng Lê Viết Phong, dù ở tuổi 80 và từng bị thương do bom mìn kẻ thù nhưng ông vẫn còn rất minh mẫn và hoạt bát.

Nghĩ đến là nghẹn ngào

Dẫn chúng tôi đến thăm bia tưởng niệm suối Mạch Máng, tại khu phố Tân Phước, phường Tân Bình, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương, nhìn lên các tấm bia khắc tên đồng đội, người thân, hình ảnh những ngày bị giặc Mỹ càn quét năm 1968 lại ùa về trong ký ức ông. "Quân địch với xe tăng, pháo binh đã tấn công dữ dội vào trận địa của ta. Tiếng súng, tiếng bom nổ vang trời" - ông Phong mở đầu câu chuyện. Chỉ tay về phía trước, ông nói xung quanh khu vực này có khoảng 13 con suối lớn nhỏ, do địa hình lổn ngổn, nhấp nhô của các con suối mà bộ đội đã chọn làm chiến hào để ẩn nấp.

Ông Phong kể ông được sinh ra tại Tân Uyên (Bình Dương). Trước năm 1953, ông theo gia đình về quê ngoại ở Dĩ An sinh sống. Năm 1965, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông tham gia cách mạng với nhiệm vụ cấp cứu, hỗ trợ cứu thương, chăm sóc chiến sĩ. Thời điểm này giặc Mỹ càn quét rất ác liệt - ban ngày quân ta phải ở trong khu căn cứ, đến đêm mới ra ngoài nhà dân, cùng ăn ở với họ.

Suối Mạch Máng - ghi khắc trận đánh lịch sử- Ảnh 1.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương và TP Dĩ An tham dự lễ khánh thành bia ghi dấu “Sự kiện lịch sử không bao giờ quên”

Năm 1968, địch về xây dựng căn cứ cách suối Mạch Máng chỉ khoảng 1 km. Một buổi sáng, địch điều một tiểu đoàn tràn vào con suối, hai bên giao chiến ác liệt. "Nếu chiến đấu bộ binh thì ta không thua địch, vì bộ đội của ta cực kỳ thông minh, nhạy bén. Tuy nhiên, quân ta hy sinh chủ yếu là do bom đạn giặc Mỹ. Ban ngày máy bay địch quần đảo, kiếm người, còn ban đêm thì thả pháo. Dù rất đau xót nhưng chúng tôi không thể chôn cất đồng đội tươm tất" - ông Phong nghẹn ngào nhớ lại.

Biến đau thương thành sức mạnh

Theo lịch sử Đảng bộ phường Tân Bình ghi lại, suối Mạch Máng gắn liền với trận đánh chống càn ngày 4-5-1968. Vào ngày này, với sự yểm trợ của máy bay, pháo binh, xe tăng và hơn 4.000 quả trọng pháo, bộ binh Mỹ - ngụy đã mở cuộc càn quét hết sức ác liệt. Bọn chúng đã điên cuồng đổ xuống vùng đất này hàng trăm tấn bom trong một ngày đầy máu lửa.

Lịch sử ghi lại, sau hơn một ngày đêm kiên cường bám trụ chiến đấu, đánh trả hết sức quyết liệt, quân và dân ta đã đẩy lùi nhiều đợt tấn công và làm tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, bắn cháy 4 xe tăng, bẻ gãy hoàn toàn trận càn với quy mô lớn của kẻ thù. Thế nhưng, để có được chiến công ấy, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ cách mạng và nhân dân địa phương đã anh dũng chiến đấu và ngã xuống trên mảnh đất này.

Từ sau trận chống càn đó, con suối nhỏ mà người dân địa phương lâu nay quen gọi là suối Bà Cát cũng được đổi thành suối Mạch Máng. Tiếp đó nhiều ngày, thậm chí nhiều tháng sau, người ta còn thấy nhiều sọ người dọc theo con suối này. Đó cũng là lý do người dân địa phương gọi suối Mạch Máng là suối Sọ. Tên gọi suối Sọ còn để khắc ghi tội ác của kẻ thù xâm lược và mãi tri ân công lao của những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Bà Trương Thị Bích Hạnh, Bí thư Thành ủy Dĩ An, cho biết suối Mạch Máng là minh chứng cho tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất và sự hy sinh to lớn của quân và dân Bình Dương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nơi đây không chỉ là di tích lịch sử mà còn là một địa điểm giáo dục truyền thống cách mạng sâu sắc. 

Sự kiện lịch sử không bao giờ quên

Để tri ân công lao to lớn và sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sĩ trong trận đánh suối Mạch Máng năm 1968, vào năm 2008, nhân kỷ niệm 40 năm trận đánh suối Mạch Máng, TP Dĩ An đã tiến hành xây dựng bia tưởng niệm liệt sĩ suối Mạch Máng. Đến năm 2018, văn bia di tích suối Mạch Máng tiếp tục được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Dĩ An dựng lên để tỏ lòng tri ân, đời đời ghi nhớ công ơn, tinh thần chiến đấu kiên cường, anh dũng hy sinh của cán bộ, chiến sĩ khắp mọi miền đất nước và nhân dân địa phương vì độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc.

Ngày 24-4-2013, UBND tỉnh Bình Dương đã có quyết định công nhận Di tích lịch sử suối Mạch Máng (suối Sọ) là di tích cấp tỉnh, thành phố. Ngày 27-7-2024, phường Tân Bình đã tổ chức khánh thành bia ghi dấu "Sự kiện lịch sử không bao giờ quên!" ghi nhận thêm 5 người dân bị chết và 49 ngôi nhà bị cháy, sập trong trận đánh chống càn ngày 4-5-1968.