Ukraine cần Mỹ hỗ trợ "lấy lại" nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu
(NLĐO) - Ukraine đang tìm kiếm sự hỗ trợ của Mỹ trong việc giành lại quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia và khởi động các dự án năng lượng chung.
Thông tin trên do hãng thông tấn nhà nước Ukraine (Ukrinform) dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng Herman Halushchenko hôm 16-4.
Tại cuộc thảo luận của Hội đồng Đại Tây Dương, ông Halushchenko phát biểu: "Chúng tôi có lợi ích chung với Mỹ trong việc đưa nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia về lại dưới quyền kiểm soát của Ukraine và bắt đầu vận hành nhà máy điện hạt nhân này. Điều này có thể mang lại nhiều cơ hội mới cho sự hợp tác, ví dụ như xuất khẩu điện".
Ông Halushchenko cho rằng việc khởi động lại nhà máy Zaporizhzhia có thể đóng vai trò quan trọng trong quá trình tái thiết lâu dài của Ukraine.

Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở miền Nam Ukraine. Ảnh: Tân Hoa Xã
Tờ The Kyiv Independent dẫn lời giải thích của ông Halushchenko: "Chúng tôi sẽ cần nhiều điện hơn cho bất kỳ dự án nào hợp tác với Mỹ có thể được triển khai tại Ukraine. Chúng tôi cần nhiều điện hơn để tái thiết đất nước trên quy mô lớn".
Bộ trưởng Năng lượng Ukraine cũng nhấn mạnh "báo động về các cuộc tấn công liên tiếp của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine", cùng với những ảnh hưởng đối với an ninh hạt nhân.
Nga đã giành được quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia (cơ sở hạt nhân lớn nhất châu Âu và trong top 10 trên thế giới) ngay từ đầu chiến dịch quân sự đặc biệt đầu năm 2022.
Ukraine cáo buộc kể từ tháng 8-2024, có hơn 150 sự cố liên quan tới các tên lửa hoặc máy bay không người lái (UAV) của Nga bay gần, hoặc phía trên các địa điểm hạt nhân của Ukraine, bao gồm nhà máy Zaporizhzhia.
Vào ngày 25-3, Mỹ đạt được các thỏa thuận riêng biệt với Nga và Ukraine, để tạm ngừng các cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng. Thế nhưng thỏa thuận ngừng bắn đó phần lớn đã không được duy trì. Cả Ukraine và Nga đều cáo buộc nhau vi phạm lệnh ngừng bắn năng lượng.
Trước đó, trong cuộc điện đàm ngày 19-3 với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra ý tưởng về quyền sở hữu chung của 2 nước đối với các nhà máy hạt nhân ở Ukraine.
Theo ông Donald Trump, đây là cách bảo vệ tốt nhất cho các cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine.
Nga đã bác bỏ mọi khả năng chuyển giao quyền kiểm soát hoặc tham gia vào các hoạt động chung. Vào ngày 25-3, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố nhà máy Zaporizhzhia là "cơ sở của Nga", đồng thời loại trừ khả năng trao lại nhà máy cho Kiev hoặc hợp tác với các bên thứ 3.
Nga đã đơn phương sáp nhập vùng Zaporizhzhia có nhà máy trên hồi tháng 10-2022, một quyết định bị Ukraine phản đối.