Cổ phiếu FPT, Eximbank gây đột biến
(NLĐO) - Cổ phiếu EIB và cổ phiếu FPT có giao dịch rất lớn
Thị trường chứng khoán tiếp tục sụt giảm trong ngày 4-9. Đây là phiên giảm thứ hai liên tiếp sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh. Theo đó, VN-Index giảm thêm 0,72 điểm xuống 471,45 điểm còn chỉ số HNX-Index giảm 0,45 điểm, đóng cửa ở 60,2 điểm.
Tuy nhiên, đặc biệt nhất trong ngày là việc khối lượng giao dịch ở sàn HoSE tăng gần 150% so với ngày 3-9 lên hơn 66,88 triệu cổ phiếu, còn giá trị chuyển nhượng cao gấp 3,38 lần lên tới gần 1.451 tỉ đồng. Trong đó, chỉ riêng phần giao dịch thỏa thuận đã chiếm 30,11 triệu cổ phiếu và gần 1.135 tỉ đồng giá trị.
Cổ phiếu EIB của Eximbank và FPT của Tập đoàn FPT có lượng giao dịch đột biến. Theo đó, EIB có bất ngờ có giao dịch thỏa thuận đến hơn 7 triệu cổ phiếu, trị giá gần 110 tỉ đồng, gấp hàng chục lần các phiên trước. Cuối ngày giao dịch, mỗi cổ phiếu EIB giảm nhẹ 200 đồng xuống còn 14.300 đồng.

Thống kê giao dịch thỏa thuận ở sàn HoSE ngày 4-9. Nguồn: Vietstock.vn
Trong khi đó, cổ phiếu FPT có đến 17,94 triệu đơn vị thỏa thuận, trị giá hơn 807 tỉ đồng, cao nhất trong vài năm trở lại đây của mã chứng khoán này. FPT cũng là cổ phiếu tăng giá hiếm hoi trong ngày với mức tăng 100 đồng lên 42.900 đồng/CP.
Ngoài ra, cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan cũng có lượng giao dịch gân 2,15 triệu đơn vị, tương đương 175 tỉ đồng giá trị.
Cổ phiếu VNM của Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) cũng gây chút ý khi tiếp tục tăng thêm 3.000 đồng lên 136.000 đồng mỗi cổ phiếu. Như vậy, trong hai ngày liên tục cổ phiếu này đã tăng 6.000 đồng, giúp cho vốn hóa của công ty tăng hơn 5.000 tỉ đồng lên tới gần 113.355 tỉ đồng. Những nhà đầu tư đã mua cổ phiếu này vào cuối tháng 8 có thể thu về một khoản lợi nhuận không nhỏ.
Trong một công bố mới đây của tạp chí Forbes Việt Nam, Vinamilk đang dẫn đầu danh sách 50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất Việt Nam do tạp chí này bình chọn.
Danh sách này còn có những cái tên khác như PV Gas (GAS), Đạm Phú Mỹ (DPM), Vinacafe Biên Hòa (VCF), Masan (MSN), Tập đoàn VINGROUP (VIC), Tập đoàn FPT (FPT), Tập đoàn Bảo Việt (BVH), Eximbank (EIB), Vietcombank (VCB). Trong khi những doanh nghiệp lớn khác như Sacombank (STB), Ngân hàng Á Châu (ACB), Vietinbank (CTG), Hoàng Anh Gia Lai (HAG)... lại không có mặt.