Bệnh viện E trung ương những ngày qua tiếp nhận hơn 20 bệnh nhân bị thủy đậu, trong đó có nhiều bệnh nhân 20-30 tuổi. Gần nhất là bệnh nhân nữ V.T.T.H (SN 1987; tại Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhập viện ngày 6-2, trong tình trạng sốt cao, nổi mụn nước mặt và lan toàn thân. Bệnh nhân có biểu hiện sốt cao, nổi mụn toàn thân, đau đầu, mệt mỏi. Bệnh nhân được chỉ định nhập viện. Khai thác tiền sử của bệnh nhân H., bác sĩ nhận thấy bệnh nhân bị mắc thủy đậu từ ngày 5-2. Sau một ngày điều trị, tình trạng bệnh nhân vẫn sốt, nổi nốt ban toàn thân, đa lứa tuổi, đa hình thái (có những nốt bội nhiễm, dịch đục, mủ trắng, nốt mới mọc, nốt mọc lâu...). Trước đó, con bệnh nhân này mới 2 tuổi cũng mắc thủy đậu nhưng đã khỏi. Con bệnh nhân cũng lây bệnh từ các bạn học ở trường mầm non.
Tương tự, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương mỗi ngày tiếp nhận 4-5 bệnh nhân tới khám và được chẩn đoán mắc thủy đậu. Trung bình mỗi tháng có khoảng 20 trường hợp là người lớn và trẻ em phải nhập viện do bệnh này. Số trường hợp nặng phải nhập viện thường có biến chứng bội nhiễm nốt phỏng, vùng tổn thương dày đặc, trong đó, nhiều bệnh nhân là người lớn.

Bác sĩ Vũ Mạnh Cường, Bệnh viện E trung ương, cho biết mùa đông xuân là “mùa thủy đậu”, dễ lan rộng trong môi trường tập thể. Trẻ em là đối tượng hay mắc thủy đậu nhất, tuy nhiên ít biến chứng. Còn đối với người lớn, mắc thủy đậu có thể dẫn đến viêm phổi bội nhiễm. Với phụ nữ mang thai bị thủy đậu ở 3 tháng đầu của thai kỳ, virus thủy đậu có thể gây sẩy thai, hay khi sinh ra trẻ sẽ bị thủy đậu bẩm sinh với nguy cơ bị dị tật như: đầu nhỏ, co gồng tay chân, bại não, sẹo bẩm sinh.
Do virus thủy đậu có thể truyền từ mẹ sang thai nhi qua nhau thai và gây ra dị tật bẩm sinh cho nên bác sĩ thường khuyên phụ nữ dự định có thai làm xét nghiệm máu để xác định xem họ đã có miễn dịch với bệnh hay chưa. Cũng theo bác sĩ Cường, những người đã mắc bệnh thủy đậu thì sẽ có miễn dịch với bệnh suốt đời. Tuy nhiên, virus vẫn “ngủ đông” - tồn tại ở dạng không hoạt động trong cơ thể và sau nhiều năm nó có thể tái hoạt động để gây ra bệnh zona.
Để phòng bệnh, các bác sĩ khuyến cáo người dân nên đi tiêm ngừa bệnh thủy đậu cho trẻ từ 12 tháng trở lên, kể cả người lớn nếu chưa mắc bệnh cũng nên tiêm phòng vắc-xin này. Tuy nhiên, dù đã được tiêm chủng vắc-xin thủy đậu thì tỉ lệ miễn dịch cũng chỉ đạt 80%-90%, do đó vẫn có người đã tiêm vắc-xin vẫn nhiễm bệnh nhưng với các trường hợp này, triệu chứng thường nhẹ hơn.