Đây là phản ánh của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) trong công văn khẩn cấp gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Bộ Khoa học - Công nghệ về tình hình phôi thép hợp kim nhập khẩu từ Trung Quốc. Chỉ tính từ đầu năm đến ngày 15-9, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lượng phôi thép nhập khẩu về Việt Nam hơn 1,13 triệu tấn với trị giá 421 triệu USD, tăng tới 290% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng phôi thép nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm trên 75% tổng lượng phôi nhập cả nước.
Núp bóng để hưởng thuế suất
Theo VSA, đặc biệt trong 2 tháng gần đây, một số công ty thương mại nhập khẩu phôi thép Trung Quốc khai là phôi thép hợp kim chứa nguyên tố crom để hưởng thuế suất 0%. Với việc khai sai mã thuế, chỉ trong 2 tháng, ngân sách nhà nước đã thất thu hơn 1,89 triệu USD. Khả năng lượng phôi thép hợp kim từ Trung Quốc sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới nếu không có giải pháp ngăn chặn.
Vì sao doanh nghiệp (DN) khai thép hợp kim? Đại diện VSA giải thích: Về bản chất, phôi thép chứa hàm lượng rất nhỏ crom sẽ không khác biệt gì với phôi thông thường và vẫn dùng để cán thép xây dựng thông dụng. Trước đây, nhiều DN Việt cũng nhập khẩu rất nhiều thép xây dựng hợp kim chứa hàm lượng rất nhỏ boron về với mục đích trốn thuế và vẫn dùng như thép xây dựng. Sau khi bị phản ứng mạnh mẽ của các DN sản xuất thép Việt Nam và các nhà sản xuất thép thuộc Hiệp hội Thép Đông Nam Á, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại và phòng vệ kỹ thuật của chính phủ các nước, chính phủ Trung Quốc đã bỏ chính sách hoàn thuế đối với một số sản phẩm thép chứa boron.
Nhiều nhà máy thép trong nước phải cắt giảm sản xuất, bán dưới giá thành để cạnh tranh với phôi thép Trung Quốc Ảnh C.T.V
“Nay, các DN Trung Quốc tiếp tục thay thế boron bằng crom để được hưởng chính sách hoàn thuế, cộng thêm vào Việt Nam lại được hưởng thuế suất bằng 0% nên có giá bán rất thấp và ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành thép trong nước” - ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch VSA, nói.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tôn Hoa Sen, ông Lê Phước Vũ cho rằng trong hội nhập những khó khăn, thách thức với DN là rất lớn nhưng cái ông “sợ” hơn là cách làm ăn của một bộ phận DN khi trốn thuế, lách thuế hoặc khai sai mã thuế để chiếm đoạt tiền thuế của nhà nước. Khi nền kinh tế hội nhập thì chính “chúng ta đang giết mình, để hàng nhập giá rẻ tràn vào bóp chết nền sản xuất trong nước”. Câu chuyện của ngành thép từ vài năm nay không hẳn lo hội nhập không cạnh tranh được với hàng ngoại mà lo hàng nhập khẩu tràn vào nhưng gian lận chất lượng để hưởng thuế, bán giá quá rẻ...
Kiểm soát chặt hơn
Hiện công suất sản xuất phôi thép trong nước đạt gần 11 triệu tấn nhưng các DN chỉ sản xuất khoảng 60% công suất. Nay, lượng lớn phôi thép giá rất thấp từ Trung Quốc tràn vào đã đe dọa các nhà máy luyện thép trong nước, nhiều nhà máy phải cắt giảm sản xuất, bán dưới giá thành để có thể cạnh tranh và duy trì sản xuất gây thua lỗ nặng. VSA cho rằng nếu tình hình này kéo dài, các DN sản xuất phôi thép và cả đơn vị sản xuất thép cán sẽ khó đứng vững trong tương lai. Nhất là khi chủ trương của Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu trước tình hình nhu cầu trong nước vào giai đoạn suy giảm.
Do đó, VSA kiến nghị các cơ quan quản lý kiểm soát chặt hàng nhập khẩu phôi thép hợp kim có chứa nguyên tố crom. Đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Bộ Khoa học - Công nghệ thành lập đoàn kiểm tra, giám sát các DN nhập khẩu phôi thép hợp kim chứa chất crom thời gian qua, nếu dùng để cán thép xây dựng thông thường sẽ truy thu thuế và xử phạt nặng... Nếu DN nào nhập khẩu loại thép này về để cán thép xây dựng sẽ phải áp mức thuế 9% như thông thường. Ngoài ra, các cơ quan quản lý sớm hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật như xây dựng quy định hàng rào kỹ thuật, tăng cường kiểm tra sau thông quan nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại và cạnh tranh không lành mạnh.
LINH ANH