Thời gian qua, các cơ quan chức năng ở Đồng Nai thường xuyên phát hiện, xử lý nhiều hộ chăn nuôi sử dụng chất cấm tạo nạc cho heo. Tuy nhiên, thực trạng này vẫn chưa được xử lý triệt để. Chất cấm còn len lỏi vào một số trại chăn nuôi heo gia công cho các công ty lớn. Ai cũng biết chất tạo nạc gây nguy hiểm cho người sử dụng nhưng nó vẫn tồn tại. Chất này không chỉ tạo nhiều nạc mà còn tạo màu đẹp cho thịt do đó nhiều người chăn nuôi vẫn sử dụng chất cấm này để tạo ra sản phẩm đẹp nhằm bán giá cao.
Tỉnh nào cũng có
Thông tin từ Chi cục Thú y TP HCM, từ đầu năm đến nay, chi cục đã tổ chức kiểm tra, giám sát, xử lý đối với việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, kinh doanh, giết mổ trên địa bàn. Theo đó, đơn vị đã kiểm tra mẫu nước tiểu gia súc, mẫu thức ăn tại 40 cơ sở chăn nuôi ở huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh và quận 9 nhưng không phát hiện tồn dư chất cấm trong chăn nuôi. Tuy nhiên, khi kiểm tra 2 đợt tại 14 cơ sở giết mổ, lấy 516 mẫu nước tiểu trên 120 lô heo chuẩn bị giết mổ, kết quả có 23/120 lô heo dương tính với chất cấm thuộc nhóm Beta-agonist chiếm tỉ lệ 19,17%, có 95/516 mẫu nước tiểu dương tính chất cấm thuộc nhóm Beta-agonist chiếm tỉ lệ 18,41%.

Cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai xử lý chất tăng trọng trong chăn nuôi trên địa bàn
Ngoài ra, chi cục lấy 159 mẫu thịt tươi trên thị trường để kiểm tra tồn dư chất cấm, kết quả ban đầu ELISA có 3/159 mẫu dương tính với tồn dư chất cấm (Beta-agonist), sau khi kiểm tra khẳng định bằng phương pháp LC/MS kết quả có 2/159 mẫu thịt dương tính Salbutamol với hàm lượng ≥ 10ppb (1 nguồn từ Đồng Nai và 1 nguồn huyện Củ Chi, TP HCM). Các địa phương có nguồn gia súc đưa về TP giết mổ có kết quả xét nghiệm dương tính tồn dư chất cấm gồm: Đồng Nai (11 lô), Tiền Giang (4 lô), Long An (4 lô), Bến Tre (2 lô), Bà Rịa - Vũng Tàu (1 lô) và Vĩnh Long (1 lô).
Được biết hồi đầu năm, Viện Vệ sinh Y tế công cộng TP HCM đã lấy 15 mẫu thịt heo tại các siêu thị, cửa hàng, chợ và địa điểm bán lẻ trên địa bàn TP để kiểm tra. Kết quả, 4/15 mẫu thịt heo có hàm lượng Salbutamol từ 0,32 ppb/kg đến 4,49 ppb/kg. Kết quả này chưa vi phạm vì còn nằm trong ngưỡng cho phép tồn dư theo Phụ lục II Thông tư 57/2012/TT-BNNPTNT (trên thịt heo là 5 ppb/kg).
Kéo dài đến bao giờ?
TS Vương Nam Trung, Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng và thức ăn chăn nuôi (Phân viện Chăn nuôi Nam Bộ), cho biết những chất tạo nạc, tạo màu gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, ảnh hưởng đến tim, tăng huyết áp nhanh, gây chết nếu quá liều. Sử dụng lâu ngày sẽ dẫn đến ung thư. Tình trạng này đã xảy ra khá lâu, từ năm 2006 đã có phát hiện. Tại TP HCM, giai đoạn 2001-2002, cơ quan chức năng lấy mẫu kiểm tra, có 5%-7% mẫu nhiễm chất cấm, năm 2009 có 10% và từ năm 2010 bùng phát mạnh.
Theo ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, tình trạng sử dụng các loại chất cấm và kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi đã tràn lan từ năm 2005 đến nay. Nguyên nhân là do người chăn nuôi chạy theo lợi nhuận; quản lý nhà nước ở cơ sở còn lỏng lẻo. Kết cục là những người chăn nuôi, người sản xuất thức ăn chăn nuôi vô ý thức, không chấp hành quy định của nhà nước đã tự tiêu diệt ngành nghề của mình và làm hại sức khỏe người dân.
Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục Thú y TP HCM, cho biết để quản lý được tốt hơn cần quy định quy trình lấy mẫu thịt tươi kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh để làm cơ sở kiểm tra xử lý, vì khi lấy mẫu thịt tươi phải lưu giữ bảo quản quầy thịt 3-7 ngày để chờ kết quả xét nghiệm định lượng. Có biện pháp, hình thức xử lý đối với kinh doanh động vật tại các điểm trung chuyển, vựa, cơ sở giết mổ trái phép, vận chuyển động vật không giấy chứng nhận kiểm dịch phát hiện có sử dụng chất cấm để làm căn cứ kiểm tra, xử lý. Quy định trách nhiệm của chủ cơ sở chăn nuôi, chủ cơ sở giết mổ trong việc thực hiện lưu giữ gia súc khi phát hiện tồn dư chất cấm trong quá trình chờ kết quả xét nghiệm. Xem xét lại giới hạn hàm lượng tồn dư trong thịt, gan, thận, máu, nước tiểu để không ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng. Bộ Y tế cần sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 24 cho phù hợp với thực tế.
Bài và ảnh: NGUYỄN HẢI