Với trên 52 km bờ biển, vùng đất Thái Bình (cũ) - nay thuộc tỉnh Hưng Yên - thường chịu tác động trực tiếp của thiên tai, biến đổi khí hậu. Thời gian qua, địa phương này nổi lên như một điển hình về trồng rừng lấn biển, hơn 50 năm kiên trì thực hiện chiến lược "trồng cây gây rừng, lấn biển giành đất".
"Bức tường xanh" khổng lồ
Từ những năm 1960, người dân vùng biển Thái Bình đã bắt đầu trồng cây ngập mặn ven bờ. Đến nay, vành đai xanh dài hơn 50 km đã hình thành, tạo thành "bức tường xanh" vững chắc bảo vệ đê biển và cuộc sống của hàng trăm ngàn người dân.
Vùng đất Thái Bình trước đây thường chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, đặc biệt là bão biển, triều cường, xâm nhập mặn. Với gần 4.300 ha, rừng ngập mặn trải rộng che chắn, bảo vệ hơn 52 km bờ biển; đóng vai trò quan trọng đối với cuộc sống.
Phát triển kinh tế hướng biển là 1 trong 5 trọng tâm của chính quyền tỉnh Thái Bình trước đây và tỉnh Hưng Yên hiện nay, nhằm tạo bước đột phá tăng trưởng kinh tế của địa phương. Để phát triển kinh tế biển hiệu quả, bền vững, đòi hỏi chính quyền địa phương bên cạnh việc xây dựng các công trình đê biển phải hình thành hệ thống vành đai xanh - chính là rừng ngập mặn.
Rừng ngập mặn ở tỉnh Hưng Yên được chia thành 2 vùng chính: Rừng trồng ven biển tại huyện Thái Thụy (cũ) và huyện Tiền Hải (cũ) với hệ động vật - thực vật phong phú. Nhận thức được tầm quan trọng của rừng ngập mặn trong việc phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh - quốc phòng, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm thực hiện, đạt được những kết quả tích cực.

Rừng ngập mặn bạt ngàn tại tỉnh Hưng Yên
Báo cáo của địa phương nêu rõ hệ thống rừng ven biển ở tỉnh Hưng Yên đã khẳng định được vai trò to lớn trong việc phòng hộ, chắn sóng, bảo vệ đê biển, tạo sinh kế và tăng thu nhập cho người dân. Diện tích và chất lượng rừng ngập mặn ngày càng được cải thiện. Tình trạng phá rừng hầu như không xảy ra, việc lấn chiếm đất rừng trái phép để nuôi trồng thủy sản từng bước được kiểm soát.
Nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vai trò của rừng ven biển cũng như trách nhiệm của mình đối với việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn được nâng cao rõ rệt.
Chiến lược phát triển bền vững
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hưng Yên khẳng định: "Trồng cây lấn biển đã trở thành truyền thống ở địa phương, được cha ông truyền lại cho con cháu. Mỗi năm, tỉnh đều có kế hoạch trồng mới và chăm sóc rừng ngập mặn ven biển".
Theo thống kê, từ năm 1994 đến nay, tỉnh Hưng Yên đã trồng được hơn 7.000 ha rừng ngập mặn ven biển, chủ yếu là các loài cây bản địa như sú, vẹt, đước, mắm. Nhờ đó, địa phương này đã lấn ra biển được khoảng 3.000 ha đất mới.
Rừng ngập mặn không chỉ giúp chắn sóng, giảm xói lở bờ biển mà còn tạo môi trường sinh thái thuận lợi cho nhiều loài thủy sản sinh sống, phát triển. Nhiều mô hình kinh tế đã được triển khai hiệu quả như nuôi ngao, nuôi cáy, thu hoạch mật ong rừng... Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hưng Yên, nhờ có rừng ngập mặn, nhiều hộ dân ven biển đã chuyển từ đánh bắt sang nuôi trồng thủy sản, thu nhập tăng gấp 2-3 lần.

Người dân các xã ven biển Hưng Yên tham gia trồng, bảo vệ rừng ngập mặn
Bà Nguyễn Thị Hoa - ngụ xã Đông Thụy Anh, tỉnh Hưng Yên - đã gắn bó với rừng ngập mặn nhiều năm qua. Gia đình bà đã nhận khoán chăm sóc và bảo vệ 30 ha rừng ở địa phương.
"Hằng ngày, vợ chồng tôi thường xuyên ra rừng để kiểm tra, vệ sinh các tán rừng có nguy cơ hư hỏng và đánh bắt thủ công các loại thủy sản. Công việc này mỗi ngày cũng kiếm được 300.000 - 500.000 đồng, đủ trang trải sinh hoạt trong gia đình. Người dân nơi đây luôn ý thức được rằng khai thác phải đi đôi với giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên" - bà Hoa khẳng định.
Giới chuyên môn đánh giá rừng ngập mặn ở Hưng Yên giúp giảm sức mạnh của sóng biển 20%-70%, bảo vệ hiệu quả hệ thống đê điều. Tuy nhiên, trước tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, việc trồng và bảo vệ rừng ngập mặn ở đây đang đối mặt nhiều thách thức.
Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hưng Yên nhận xét: "Tình trạng xói lở bờ biển diễn ra ngày càng phức tạp. Ở nhiều khu vực, sóng biển đánh vào làm gãy đổ cả những cây rừng trưởng thành. Chúng tôi phải liên tục nghiên cứu, điều chỉnh phương pháp trồng và chăm sóc rừng để thích ứng tình hình mới".
Lãnh đạo tỉnh Hưng Yên khẳng định trồng cây lấn biển là một trong những chiến lược phát triển bền vững của địa phương. Trồng rừng lấn biển là việc lâu dài, là giải pháp sống còn của nhiều khu vực trước thách thức của biến đổi khí hậu.
Với những nỗ lực không ngừng, Hưng Yên đang tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong trong việc "trồng cây gây rừng, lấn biển giành đất". Các địa phương ven biển trên cả nước có thể tham khảo, học hỏi những kinh nghiệm trong việc trồng rừng ngập mặn ở Hưng Yên.
Phát triển kinh tế biển bền vững phải gắn với việc bảo vệ môi trường. Những năm qua, Hưng Yên luôn kiên trì với mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc, sẵn sàng từ chối các dự án lớn nếu xâm hại môi trường, không bảo đảm yếu tố bền vững.
Hưng Yên xác định phát triển kinh tế biển phải trên cơ sở tài nguyên được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị hệ sinh thái biển. Vì vậy, việc bảo vệ và phát triển rừng ven biển được đặc biệt chú trọng.
Bình luận (0)