50 NĂM GIƯƠNG CAO NGỌN CỜ ĐẦU (*): Cất cánh, bay cao trên những đường băng
Hạ tầng giao thông được ví như đường băng để kinh tế cất cánh và bay cao. TP HCM đang hiện thực hóa điều này
Khởi công năm 1996, sau 11 năm xây dựng, đến năm 2007, đại lộ Nguyễn Văn Linh chính thức hoàn thành.
Thông trên đường, thoáng dưới sông
Đại lộ Nguyễn Văn Linh bắt đầu từ đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7 và kéo dài đến Quốc lộ 1, huyện Bình Chánh, TP HCM với tổng chiều dài 17,8 km.
Đường Nguyễn Văn Linh gồm 10 làn xe, đóng vai trò như trục xương sống kết nối khu vực nội thành với các quận, huyện phía Nam TP HCM, đồng thời dẫn đến nhiều khu vực quan trọng như Khu Chế xuất Tân Thuận, Nhà máy Điện Hiệp Phước, Khu Công nghiệp Hiệp Phước... Với vị trí chiến lược, đại lộ ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển đô thị, kinh tế của TP HCM.
Đây cũng là con đường huyết mạch từ phía Nam thành phố đi các tỉnh, thành miền Tây thông qua tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương, kết nối cầu Phú Mỹ vượt sông Sài Gòn đến các tỉnh Đông Nam Bộ.

Nút giao An Phú đang hướng về đích với nỗ lực cao nhất. Ảnh: NGỌC QUÝ
Cầu Phú Mỹ dài hơn 2 km với 6 làn xe, khánh thành vào dịp lễ 2-9-2009. Để an toàn cho tàu thuyền ra vào các cảng, cầu được thiết kế khoảng cách 2 trụ tháp là 380 m, tĩnh không thông thuyền 45 m, bảo đảm cho tàu biển có tải trọng 30.000 DWT lưu thông bên dưới. Đây là loại cầu dây văng quy mô bậc nhất Việt Nam, là điểm nhấn về công trình giao thông của TP HCM và khu vực.
Cũng dịp Quốc khánh năm 2009, đại lộ Đông - Tây (nay là đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ) giai đoạn 1 được khánh thành, rút ngắn thời gian di chuyển từ quận 1 đến Quốc lộ 1, huyện Bình Chánh. Hai năm sau, toàn tuyến dài gần 22 km thông xe, trong đó hầm vượt sông Sài Gòn giúp thời gian di chuyển từ bờ Đông sang bờ Tây chỉ hơn 1 phút.
Tối ưu kết nối liên vùng
Thúc đẩy kết nối liên vùng là ưu tiên của TP HCM nhiều năm gần đây. Trong đó, đường Vành đai 3 TP HCM không chỉ giúp liên kết thành phố với các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An mà còn tạo đòn bẩy cho phát triển công nghiệp và logistics.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM - chủ đầu tư, đến nay, dự án đường Vành đai 3 TP HCM đạt 36% khối lượng thi công.
Dự kiến ngày 30-4-2025, công trình dài trên 76 km liên kết TP HCM với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, tạo đòn bẩy cho phát triển công nghiệp và logistics này hoàn tất việc kết nối cầu Nhơn Trạch. Đến ngày 30-4-2026, 32,8 km thuộc các gói thầu trên địa bàn TP Thủ Đức, huyện Hóc Môn, Bình Chánh và Củ Chi sẽ được thông xe kỹ thuật.

Đại lộ Nguyễn Văn Linh ngày càng khẳng định vai trò quan trọng. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Cùng với Vành đai 3, tuyến Vành đai 4 dài khoảng 200 km kết nối các trục cao tốc được kỳ vọng tăng năng lực giao thông cho TP HCM và 4 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An.
Các địa phương liên quan đang hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư vào kỳ họp tháng 5-2025. Sau khi được phê duyệt, việc lựa chọn nhà đầu tư và giải phóng mặt bằng sẽ triển khai nhằm bảo đảm kịp khởi công vào quý I hoặc quý II/2026.
Công trình đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài, mở rộng tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây đang hoàn tất thủ tục để triển khai trong năm 2025 cũng được tin tưởng tạo nên động lực lớn để phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ở cửa ngõ phía Đông, công trình xây dựng nút giao An Phú góp phần giải tỏa căng thẳng giao thông, tăng năng lực vận tải cho cảng Cát Lái, tạo điều kiện phát triển khu Đông - nơi được định hướng thành đô thị sáng tạo tương lai. Nút giao này đang được thi công với nỗ lực cao nhất.
Nối dài giấc mơ metro
Sau 17 năm chờ đợi, ngày 22-12-2024, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chính thức vận hành thương mại. Qua đó, nhu cầu tối ưu giao thông công cộng dần hiện thực hóa bằng những đoàn tàu lao vun vút, giúp người dân thoát cảnh kẹt xe đầy phiền phức.

Hiệu quả của tuyến metro số 1 đang vượt xa dự đoán trước đó. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 (HURC 1 - đơn vị vận hành tuyến metro số 1), từ đầu năm 2025 đến nay, tuyến metro số 1 vận hành hơn 21.900 lượt tàu, phục vụ trên 6,8 triệu lượt khách. Đây là con số vượt xa dự đoán, cho thấy sức hút mạnh mẽ và nhu cầu bức thiết về hình thức giao thông công cộng văn minh.
Để đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng cao, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết, TP HCM đã khẩn trương đưa vào hoạt động 17 tuyến xe buýt kết nối trực tiếp với ga metro, đồng thời điều chỉnh lịch trình để hành khách dễ dàng chuyển tuyến, tiết kiệm thời gian.
TP HCM cũng đang ấp ủ kế hoạch nối dài tuyến metro số 1 về phía Đồng Nai - một bước tiến lớn trong chiến lược kết nối liên vùng. Theo đó, với việc nối thêm gần 21 km, tổng mức đầu tư khoảng 30.000 tỉ đồng, dự án sẽ mở rộng cánh cửa giao thông, tạo đòn bẩy phát triển cho cả khu vực phía Đông và vùng phụ cận. Cùng với đó, tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) dự kiến khởi công tháng 12-2025 sẽ tiếp nối giấc mơ metro cho người dân.
Xa hơn, với nhiều cơ chế đặc thù, trao quyền tự chủ, tự quyết theo Nghị quyết 188/2025 của Quốc hội, chính quyền TP HCM đang dồn tâm sức thực hiện Đề án phát triển đường sắt đô thị TP HCM, hướng đến xây dựng mạng lưới metro dài khoảng 355 km đến năm 2035 và mở rộng lên 510 km vào năm 2045. Hệ thống này gồm 7 tuyến chính và các tuyến nhánh, kết nối trung tâm TP HCM với vùng ven và các đô thị vệ tinh; tổng mức đầu tư ước tính hơn 40 tỉ USD.
Dịp 30-4 thêm ấn tượng
UBND TP HCM vừa gửi Bộ Xây dựng danh sách 6 dự án tiêu biểu sẽ tổ chức khởi công, khánh thành nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025).
Trong đó, 4 dự án được khánh thành gồm: Nhà ga hành khách T3 - Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa; tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành; Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn. Hai dự án tổ chức khởi công gồm: Hạng mục lấn biển thuộc dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ và Vành đai 2 TP HCM (đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Phạm Văn Đồng).
TP HCM yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương hoàn tất công tác kỹ thuật, chuẩn bị lễ khởi công, khánh thành theo hình thức trực tuyến, kết nối với điểm cầu Trung ương. Buổi lễ dự kiến tổ chức ngày 19-4, đồng loạt trên cả nước theo kế hoạch chung của Bộ Xây dựng.
Tạo không gian sống lý tưởng
Không chỉ chú trọng hạ tầng giao thông, TP HCM còn đặt trọng tâm vào cải tạo môi trường và nâng cao chất lượng sống đô thị. Các dự án như cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, cải tạo rạch Xuyên Tâm sẽ giúp những dòng kênh hết ô nhiễm, xanh hơn, góp phần chống ngập, cải thiện môi trường sống và tạo thêm không gian sinh hoạt cộng đồng cho người dân.

Thi công cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. Ảnh: THU HỒNG
Đến tháng 4-2025, sau hơn 2 năm thi công, dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên hoàn thành phần lớn những hạng mục chính.
Nhiều đoạn đường sắp được thông xe kỹ thuật, góp phần giảm áp lực giao thông và nâng cao chất lượng hạ tầng đô thị. Dự kiến, toàn bộ dự án được đưa vào sử dụng trong năm 2026, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển bền vững của TP HCM.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 14-4