AN TOÀN LAO ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG (*): Khi an toàn trở thành văn hóa nơi làm việc

An toàn lao động không chỉ là khẩu hiệu mà phải thực chất nhằm tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp

Một trong những mục tiêu trọng tâm mà Chỉ thị số 31-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động (AT-VSLĐ) trong tình hình mới đề ra là bảo đảm quyền của người lao động (NLĐ) được làm việc trong điều kiện AT-VSLĐ và bảo vệ tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhà nước, doanh nghiệp (DN), tổ chức, cá nhân; phấn đấu giảm tỉ lệ tai nạn lao động (TNLĐ) chết người ít nhất 4%/năm...

Tuân thủ các quy định

Nhằm bảo đảm công tác AT-VSLĐ vừa qua, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) và Công đoàn cao su Việt Nam đã ký kết chương trình liên tịch tổ chức Tháng hành động về AT-VSLĐ.

Theo đó, để an toàn lao động trở thành nền tảng phát triển bền vững, tập đoàn chú trọng cải thiện điều kiện lao động và phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp (BNN) cho NLĐ; tăng cường rà soát, đánh giá, kiểm soát các nguy cơ, rủi ro mất AT-VSLĐ tại các đơn vị thành viên, nhất là trong sử dụng máy, thiết bị, hóa chất... Bên cạnh các giải pháp trên, VRG còn hướng dẫn các đơn vị thành viên kiện toàn bộ máy làm công tác AT-VSLĐ; đẩy mạnh kiểm tra và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về AT-VSLĐ.

Ngoài phối hợp với các đơn vị tổ chức đối thoại, giải đáp chính sách trong công tác AT-VSLĐ tại DN, Công đoàn còn tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật, thi sáng kiến về AT-VSLĐ… qua đó xây dựng văn hóa làm việc an toàn ở mỗi đơn vị. Hiện nay, VRG có hệ thống y tế ngành gồm các bệnh viện hạng 3 (ngang với tuyến huyện) và phòng khám đa khoa. 

"Hệ thống y tế này phần lớn đóng ở vùng sâu vùng xa, làm tốt công tác khám, bảo vệ sức khỏe cho trên 90.000 NLĐ, người thân và người dân trong khu vực, góp phần gia tăng hiệu quả sản xuất - kinh doanh của tập đoàn và các đơn vị" - ông Huỳnh Kim Nhựt, Chủ tịch Công đoàn cao su Việt Nam, cho hay.

Còn tại Tập đoàn PPJ Group (TP Thủ Đức, TP HCM), ngoài tuân thủ các quy định về AT-VSLĐ, các nhà máy đều nỗ lực theo hướng xanh hóa. Xuyên suốt quá trình sản xuất, PPJ Group sử dụng hệ thống EIM Score để đo lường nghiêm ngặt các chỉ số ảnh hưởng đến môi trường, từ đó xây dựng lộ trình đầu tư công nghệ để giảm thiểu các chỉ số đó về mức cho phép.

PPJ Group cũng liên tục cải tiến, thay thế dần máy móc, công nghệ cũ bằng công nghệ mới, thiết bị hiện đại tại các khâu nặng nhọc, độc hại, tiếp xúc nhiều với hóa chất. Đơn cử như sử dụng công nghệ robot ở khâu phun PP đối với sản phẩm quần jeans hay ứng dụng công nghệ laser lớn tại công đoạn xử lý wash...

Bà Nguyễn Thị Liên, Phó Tổng Giám đốc PPJ Group, cho biết việc tự động hóa các khâu nặng nhọc, độc hại cùng với tăng cường sử dụng hóa chất "xanh", những phẩm nhuộm có nguồn gốc tự nhiên ngoài giúp DN tăng năng suất, sức cạnh tranh để phát triển bền vững, giúp giảm nguy cơ mắc BNN, bảo vệ tốt hơn sức khỏe của NLĐ.

AN TOÀN LAO ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG (*): Khi an toàn trở thành văn hóa nơi làm việc- Ảnh 1.

Người lao động tham gia chương trình khám sức khỏe miễn phí do LĐLĐ quận Bình Tân, TP HCM tổ chức. Ảnh: CAO HƯỜNG

Bảo vệ cả người lao động, doanh nghiệp

Theo ông Nguyễn Văn Tần, Quản đốc xưởng kiêm Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nobland Việt Nam (KCN Tân Thới Hiệp, TP HCM), TNLĐ nếu xảy ra sẽ gây tổn thất nặng nề không chỉ đối với NLĐ mà cả DN. Vì thế, việc bảo đảm an toàn cho NLĐ cũng chính là bảo vệ lợi ích cho chính DN.

Tại Công ty TNHH Nobland Việt Nam, DN luôn chú trọng công tác huấn luyện và đào tạo NLĐ những kỹ năng, kiến thức giúp họ thay đổi hành vi vì một môi trường làm việc an toàn. DN thực hiện nghiêm các nội quy, quy trình, giải pháp bảo đảm AT-VSLĐ tại nơi làm việc; luôn đổi mới, nâng cao huấn luyện các kỹ năng làm việc an toàn cho NLĐ.

Bên cạnh đó, DN còn chủ động rà soát, đánh giá và xử lý các nguy cơ, rủi ro có thể gây mất an toàn cho NLĐ. "Việc đầu tư vào công tác huấn luyện AT-VSLĐ không chỉ giúp thúc đẩy văn hóa an toàn và giảm thiểu các rủi ro tai nạn mà còn góp phần gia tăng năng suất lao động" - ông Tần cho hay.

Tại Công ty TNHH May mặc Song Ngọc (quận Bình Tân, TP HCM), việc bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng cho NLĐ trong quá trình làm việc cũng luôn được DN đặc biệt chú trọng. Tại mỗi tổ sản xuất đều bố trí người là thành viên của đội an toàn vệ sinh viên. Hằng ngày, thành viên của đội sẽ nhắc nhở, kiểm tra việc tuân thủ AT-VSLĐ và cảnh báo các dấu hiệu mất an toàn tại nơi làm việc cho NLĐ.

Song song đó, công ty còn cử cán bộ có chuyên môn thực hiện kiểm tra công tác AT-VSLĐ từng quý, tháng, tuần để cảnh báo NLĐ và khắc phục kịp thời khi phát sinh tình huống không an toàn lao động. "Vừa qua, công ty cũng đã cho thay mới các tủ điện cũ để bảo đảm an toàn, đồng thời chi khoảng 1 tỉ đồng trang bị hệ thống làm mát nhà xưởng để cải thiện điều kiện làm việc cho NLĐ. 

Ngoài ra, DN còn phối hợp với các đơn vị có uy tín tổ chức các đợt khám sức khỏe định kỳ nhằm tầm soát sức khỏe, BNN cho công nhân" - ông Trần Thanh Sơn, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH May mặc Song Ngọc, nói.

Từ thực tế trên, ông Sơn cho rằng để hạn chế TNLĐ, trước tiên cần thay đổi cách thức tuyên truyền về AT-VSLĐ đối với NLĐ. Không nên tuyên truyền suông các quy định pháp luật mà cần truyền đạt cho họ những tình huống liên quan AT-VSLĐ và cách xử lý, từ đó giúp NLĐ nhận diện và biết cách ứng phó khi phát hiện các mối nguy. 

Theo ông Trần Thanh Sơn, cần kiểm soát chặt trách nhiệm DN trong thực hiện quy định về AT-VSLĐ. Nhất là công tác đào tạo, huấn luyện, trang bị trang thiết bị bảo hộ lao động... cho NLĐ. Ngoài ra, khi bố trí người phụ trách công tác AT-VSLĐ phải chọn người có tâm, có năng lực, kiến thức.

Cần bộ chỉ số đánh giá sát thực

Hiện nay, tần suất TNLĐ chung của cả nước hoặc theo từng địa phương không thể tính được do tỉ lệ DN tuân thủ báo cáo TNLĐ định kỳ hằng năm chỉ dưới 10%. Chỉ số về BNN, sức khỏe của NLĐ đến nay cũng rất ít được đưa ra đánh giá.

Theo một cán bộ Cục An toàn lao động (Bộ Nội vụ), để triển khai tốt Chỉ thị số 31-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác AT-VSLĐ trong tình hình mới, đồng thời giúp các DN thực hiện hiệu quả Luật AT-VSLĐ, chủ động đánh giá, quản lý rủi ro và phòng ngừa TNLĐ, BNN rất cần nghiên cứu, xây dựng các chỉ số, bộ chỉ số đánh giá AT-VSLĐ cụ thể, sát thực và mang tính dự báo.

__________

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 12-5