Chủ động học hỏi để không bị đào thải

Không ai muốn trở thành người bị lãng quên nhưng để giữ vị thế, việc làm trong thời đại công nghệ, người lao động phải tự hoàn thiện chính mình

Là nhân viên văn phòng tại một công ty sản xuất ở huyện Bình Chánh, TP HCM, chị Lâm Thị Ngọc Hân đã trải qua cảm giác hoang mang khi doanh nghiệp (DN) quyết định triển khai phần mềm quản lý mới thay cho các quy trình làm việc thủ công.

Phải thay đổi để tồn tại

Dù công ty đã tổ chức lớp đào tạo nội bộ nhưng vì thiếu tự tin, ngại học hỏi, chị Hân dần bị tụt lại. Công việc trễ hạn, năng suất giảm sút, tên chị xuất hiện trong danh sách có thể bị điều chuyển sang bộ phận khác. "Mọi thứ thay đổi quá nhanh, tôi không biết phải bắt đầu từ đâu" - chị bày tỏ.

Nhận ra sự trì trệ của mình khiến bản thân có thể mất việc làm, chị Hân quyết định phải thay đổi. Chị mạnh dạn hỏi đồng nghiệp trẻ, tự tìm kiếm video hướng dẫn trên mạng, chấp nhận ở lại văn phòng đến tối để vừa làm vừa học… Sau vài tháng nỗ lực, chị đã thành thạo phần mềm mới, nâng cao hiệu suất công việc và được giữ lại vị trí cũ.

Chủ động học hỏi để không bị đào thải- Ảnh 1.

Ảnh minh họa AI: VY THƯ

Trường hợp tương tự là chị Trần Thị Mỹ Dung - nhân viên hành chính tại một công ty giày da ở quận Bình Tân, TP HCM. Trước khi được điều chuyển lên văn phòng, chị làm việc tại kho hàng. Công việc văn phòng yêu cầu phải sử dụng máy tính, phần mềm và báo cáo số liệu - là những kỹ năng mà chị hoàn toàn thiếu.

Bị đánh giá thiếu chủ động, không có tinh thần học hỏi, chị Dung quyết định xin làm thêm công việc nhập liệu, hỗ trợ gửi thư nội bộ, tập làm báo cáo, kiên trì học từng kỹ năng... Đến nay, chị đã trở thành một phần quan trọng trong quy trình số hóa của DN, tự tin đảm nhận vị trí quản lý dữ liệu nội bộ. "Công nghệ thay đổi từng ngày, nếu không chịu học thì chẳng ai giúp được mình. Chỉ cần mình chịu thay đổi, cơ hội vẫn còn rất nhiều" - chị nhìn nhận.

Trong thời đại công nghệ, người không có kỹ năng số giống như bị bịt mắt giữa ngã tư đường. Dù là lao động tay chân hay văn phòng, nếu không biết sử dụng công cụ số, không có sự đầu tư đầy đủ và kịp thời cho việc phát triển kỹ năng, người lao động (NLĐ) sẽ tự động bị rút khỏi guồng quay. Không chỉ chị Hân hay chị Dung, hiện còn rất nhiều NLĐ cũng cảm thấy bối rối giữa dòng chảy công nghệ và dần trở thành "người ngoài cuộc" trong chính môi trường làm việc quen thuộc.

Cầu tiến, chấp nhận thử thách

Làm sao để theo kịp sự thay đổi, phát triển của công nghệ? Câu trả lời nằm ở chính NLĐ. Anh Phạm Trung Nhân - công nhân tại một công ty cơ khí chính xác ở quận 7, TP HCM - là minh chứng về việc này.

Khi công ty thông báo sẽ đưa dây chuyền tự động vào vận hành, anh Nhân không ngần ngại đăng ký tham gia lớp học nội bộ để tìm hiểu cách sử dụng các thiết bị mới. Dù những ngày đầu tiếp cận công nghệ mới không dễ dàng nhưng nhờ sự cầu tiến và quyết tâm học hỏi, không chỉ giữ được việc làm trong đợt cắt giảm nhân sự mà anh còn được giao nhiệm vụ vận hành thiết bị mới, với mức thu nhập ổn định và nhiều cơ hội thăng tiến.

"Chưa biết thì học, không chịu học là tự loại mình ra khỏi cuộc chơi. Phải luôn chủ động học hỏi, chủ động xin việc chứ không chờ cấp trên giao, đồng thời chấp nhận thử thách để chứng minh bản thân. Người càng chủ động càng được tin tưởng" - anh Nhân chiêm nghiệm.

Hiện nay, nhiều DN không chỉ đánh giá năng lực của NLĐ qua kết quả công việc mà còn chú trọng đến thái độ làm việc, khả năng phối hợp giữa các phòng, ban và sự chủ động trong giao tiếp. Nhân viên có kỹ năng trình bày tốt sẽ dễ được tin tưởng giao phó dự án. Một người biết phản hồi tích cực và xử lý mâu thuẫn linh hoạt sẽ trở thành cầu nối thay vì là nút thắt trong guồng máy tập thể. Nói cách khác, các kỹ năng mềm - như giao tiếp, hợp tác nhóm… - cũng là điều kiện then chốt để NLĐ được lãnh đạo DN đánh giá cao. Kỹ năng mềm không đến từ trường lớp mà từ sự rèn luyện mỗi ngày.

Những câu chuyện trên cho thấy cơ hội không chỉ đến với người giỏi mà còn đến với người luôn sẵn sàng. Khi công nghệ phát triển từng ngày, NLĐ không thể chỉ dựa vào kinh nghiệm hay lòng trung thành. Muốn không bị đào thải, không bị xem nhẹ thì NLĐ phải trang bị cho mình thứ không bao giờ lỗi thời: tinh thần cầu tiến, khả năng thích nghi và sự chủ động trong mọi hoàn cảnh. 

Đồng hành với người lao động

Theo bà Nguyễn Thị Hoa, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Cơ khí Xây dựng Tháp Kim (quận Bình Thạnh, TP HCM), trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh ngày càng gay gắt, DN buộc phải liên tục đổi mới công nghệ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. Việc đổi mới công nghệ cũng đặt ra yêu cầu cao về trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp của NLĐ. Vì vậy, công ty đã chủ động tổ chức các khóa đào tạo nghề tại chỗ, cử cán bộ kỹ thuật tham gia những khóa đào tạo ngắn hạn tại các trung tâm uy tín.

"Chúng tôi luôn khuyến khích NLĐ chủ động học hỏi và DN sẵn sàng hỗ trợ chi phí cho các khóa học liên quan đến chuyên môn. Nhờ vậy, DN duy trì được đội ngũ lao động ổn định, đủ năng lực đáp ứng mục tiêu sản xuất - kinh doanh" - bà Hoa khẳng định.

H.Như