Hướng đi nào cho nhóm thanh niên "3 không"?

(NLĐO) - Trong báo cáo tình hình lao động, việc làm quý I/2025 của Cục Thống kê, Bộ Tài chính, nhiều người bất ngờ với con số 1,35 triệu thanh niên "3 không"

Trong 3 tháng đầu năm 2025, có đến 1,35 triệu thanh niên không đi học tập, không tham gia đào tạo và không có việc làm. Con số này chiếm 10,4% tổng số thanh niên của cả nước.

Một điểm đáng chú ý nữa trong báo cáo của Cục Thống kê, đó là tỉ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng quý I/2025 là 3,9%. Đa số lao động không sử dụng hết tiềm năng là những người từ 15-34 tuổi (46,8%). Điều này cho thấy Việt Nam vẫn còn một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là nhóm lao động trẻ.

Nhiều chuyên gia cho rằng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, việc phát triển nguồn lao động trẻ, chất lượng cao lại càng trở thành đòi hỏi cấp thiết. Trong khi đó thanh niên là lực lượng lao động dồi dào, sáng tạo và năng động, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP HCM, nhóm thanh niên "3 không" này không chỉ là thách thức trước mắt mà còn ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng nguồn nhân lực quốc gia.

Thực trạng này cho thấy thách thức lớn trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ, đồng thời đặt ra yêu cầu cấp thiết về chính sách hướng nghiệp, đào tạo kỹ năng và kết nối việc làm dành cho thanh niên.

Có 2 việc mà ông Tuấn cho rằng cần hành động sớm để hạn chế số lượng thanh niên "3 không". Đầu tiên là định hướng lại tư duy nghề nghiệp từ sớm cho học sinh. Tăng cường hướng nghiệp sớm từ THCS, THPT với nội dung gần thực tế hơn. Đẩy mạnh phân luồng để gia tăng tỉ lệ học nghề với những nghề sát với sự phát triển kinh tế của địa phương.

"Cần một đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp để học sinh biết được thế mạnh của mình, vào những công việc ngành nghề gì thì phù hợp để các em không bị "lạc đường" khi chọn nghề" - ông Tuấn nói.

Hướng đi nào cho nhóm thanh niên "3 không"?- Ảnh 1.

Hơn 10% thanh niên độ trong tuổi 15-24 thất nghiệp, không học tập, tham gia đào tạo là một thách thức không nhỏ của đất nước. Ảnh minh họa do AI

Tiếp đến là đa dạng hóa đào tạo nghề ngắn hạn – thực tế. Mở rộng các chương trình đào tạo nghề ngắn hạn (3-6 tháng), tập trung vào kỹ năng thực hành như cơ khí, điện – nước, sửa xe, chăm sóc sắc đẹp, nông nghiệp công nghệ cao, digital marketing cơ bản… Nhà nước cần có chính sách miễn hoặc giảm học phí, hỗ trợ chi phí ăn ở cho nhóm thanh niên khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Mai Thủy, điều phối viên quốc gia Chương trình lao động di cư của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam thì cho rằng cần nhiều hơn những chính sách hiện hành để đưa thanh niên gia nhập thị trường lao động vì đây là nguồn nhân lực nòng cốt của mỗi quốc gia.

Theo bà Thủy, các trung tâm dạy nghề cần đẩy mạnh liên kết trực tiếp với doanh nghiệp, đảm bảo đào tạo xong là có việc làm. Đây là mô hình "đào tạo theo đơn đặt hàng" đã hiệu quả ở nhiều nước như Đức, Hàn Quốc.

Khai thác nền tảng số để tìm việc và học nghề cho thanh niên. Tạo ứng dụng hoặc nền tảng hướng nghiệp số, cho phép thanh niên tìm kiếm nghề phù hợp, học thử kỹ năng online, kết nối với mentor (người hướng dẫn) và doanh nghiệp.

"Cần một chính sách hỗ trợ tài chính, vốn khởi nghiệp riêng dành cho thanh niên. Đặc biệt là với thanh niên nông thôn hoặc vùng khó khăn. Tổ chức hướng dẫn kỹ năng lập kế hoạch kinh doanh, quản lý tài chính cá nhân để giúp họ làm chủ cuộc sống" - bà Thủy nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, tạo mô hình "thanh niên nòng cốt" tại địa phương dưới sự dẫn dắt của tổ chức như Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên để lập các đội hình hỗ trợ, hướng dẫn các bạn trẻ chưa có định hướng rõ ràng. Tổ chức sinh hoạt, chia sẻ, truyền cảm hứng từ những tấm gương thanh niên vượt khó – thành công.

Cuối cùng là khuyến khích xuất khẩu lao động có định hướng. Với nhóm thanh niên "3 không" nhưng còn trẻ, khỏe, có thể khuyến khích tham gia chương trình xuất khẩu lao động chính ngạch sang Nhật, Hàn, châu Âu,... Kết hợp đào tạo tiếng và kỹ năng cơ bản để giúp họ hội nhập nhanh và tích lũy kinh nghiệm, vốn.