Mong ước của công nhân

Nhiều công nhân, nhất là nữ mong muốn giảm giờ làm để có thời gian chăm lo cho gia đình, để được tính đúng tiền công làm ngoài giờ

Nhận thông báo về việc nghỉ lễ 30-4, 1-5 được 2 ngày, chị Trần Thị Út Lan, công nhân (CN) Công ty TNHH Đ.H (quận Bình Tân, TP HCM) không bất ngờ, dù trước đó chị mong muốn được nghỉ 5 ngày như khu vực nhà nước. Việc này khiến chị lo lắng vì không có người trông con, bởi phải đi làm ngày 2 và 3-5 nhưng con trai lại được nghỉ học.

Cái giá phải trả

Chị Lan kể khi mới vào công ty làm việc, vì mức lương thấp (hơn 5 triệu đồng/tháng) chị chấp nhận tăng ca đến 20 - 21 giờ/ngày, riêng chủ nhật làm việc đến 16 giờ 30 phút. Mỗi tháng chị nhận được 11 - 12 triệu đồng. Cái giá phải trả là con trai đang học cấp 1 không có người đưa rước phải nhờ vả khắp nơi, nhà không ai lo vì chồng chị là bảo vệ, thời gian làm việc xoay ca bắt buộc.

Người lao động làm việc tốt, khi có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động

Người lao động làm việc tốt, khi có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động

Sau thời gian tăng ca, gia đình chị Lan bắt đầu đối diện nhiều rắc rối. Bản thân chị, sau mỗi ngày làm việc trở về phòng trọ là kiệt sức, vợ chồng thường xuyên xích mích khiến tinh thần căng thẳng. Cuối cùng, chị chọn từ chối làm thêm để có thời gian cho con. Chị chấp nhận lương thấp nhưng vẫn băn khoăn là con trai học trường công, được nghỉ ngày thứ bảy, trong khi chị vẫn đi làm nên phải gửi con ở chỗ người quen với chi phí 150.000 đồng/ngày (cả tiền ăn). 

"Tính ra thu nhập làm ngày thứ bảy chỉ vừa đủ trả tiền gửi con. Vì vậy, tôi mong giảm giờ làm cho CN xuống 40 hoặc 44 giờ/tuần để có thể chăm con. Trường hợp nếu phải làm ngày thứ bảy thì sẽ hưởng lương tăng ca để cải thiện thu nhập" - chị Lan bày tỏ.

Chị Châu Thị Ngọc Liên, nhân viên Công ty TNHH Thái Sơn S.P (quận Bình Thạnh, TP HCM), cũng mong muốn thời gian làm việc của người lao động (NLĐ) khu vực nhà nước và khối doanh nghiệp (DN) có sự thống nhất và công bằng. Theo quy định, hiện nay khu vực nhà nước làm việc 40 giờ/tuần còn khối DN thì làm việc 48 giờ/tuần. Sự khác biệt này dẫn đến việc NLĐ phải kéo dài thời gian làm việc, ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là các công việc ở vị trí thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn, khói bụi, hóa chất...

Bên cạnh đó, hiện nay các ngày nghỉ lễ, Tết CN - lao động trong khối DN được nghỉ ít hơn khu vực công, do thứ bảy được tính là ngày làm việc bình thường, không được nghỉ bù. Muốn cho CN nghỉ dài ngày thì DN sẽ trừ vào phép năm, hoặc tổ chức làm việc bù vào các ngày chủ nhật. 

Như vậy, có khi CN phải làm việc liên tục với cường độ cao suốt 20 ngày mà không có ngày nghỉ nào. "Tôi rất mong được giảm giờ làm việc, nếu không thể thì giảm xuống 44 giờ/tuần. Qua đó, ít nhất mỗi tháng NLĐ được nghỉ 1 ngày thứ bảy để các thành viên trong gia đình có thêm thời gian cho nhau" - chị Liên đề xuất.

Kiến nghị sớm sửa đổi

Liên quan đến vấn đề giảm giờ làm cho NLĐ, tại cuộc gặp gỡ với lãnh đạo TP HCM vừa qua, bà Lê Thị Mỹ Châu, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Bệnh viện Phụ sản Mê Kông (quận Tân Bình), đã mạnh dạn đề xuất lãnh đạo thành phố và tổ chức Công đoàn tiếp tục kiến nghị sớm sửa đổi, điều chỉnh thời giờ làm việc, nghỉ ngơi của CN - lao động thấp hơn 48 giờ/tuần.

Đồng thời, tăng ngày nghỉ lễ, Tết hằng năm vào thời điểm thích hợp, nhất là nghiên cứu bổ sung tăng 2 ngày nghỉ lễ dịp Quốc khánh (nghỉ từ ngày 2 đến 5-9), tạo cơ hội cho CN được đưa con đến trường trong ngày khai giảng. Đó là nguyện vọng của số đông CN có con đang tuổi đến trường. 

Bà Châu cho biết: "Số ngày nghỉ này của nước ta đang thấp hơn của các nước Đông Nam Á và thế giới từ 5 - 6 ngày. Trên cơ sở đó để xây dựng lộ trình giảm giờ làm việc khu vực DN xuống dưới 48 giờ và tăng ngày nghỉ lễ. Việc giảm giờ làm cũng là động lực để DN thúc đẩy tăng năng suất lao động".

Là DN có 100% vốn đầu tư nước ngoài, song từ lâu Công ty TNHH Juki Việt Nam (KCX Tân Thuận, quận 7) đã đi trước trong việc giảm giờ làm cho CN. Theo ông Nguyễn Phước Đại, Chủ tịch Công đoàn công ty, DN đã áp dụng giờ làm việc chính thức trong tuần không quá 44 giờ, ít hơn 4 giờ so với quy định. 

Mỗi tháng NLĐ ở Juki được nghỉ 2 ngày thứ bảy. Nếu có đơn hàng gấp, cần huy động CN tăng ca trong thời gian nghỉ thì được trả lương theo quy định và CN có thể từ chối làm thêm nếu muốn nghỉ ngơi hoặc bận việc.

Trong số các ngày nghỉ thứ bảy, DN cho NLĐ nghỉ 20 ngày có hưởng lương, những ngày còn lại tính vào phép năm (như đã thỏa thuận). Khi tăng ngày nghỉ, DN không giảm lương, thu nhập của CN. Để bảo đảm năng suất, DN đầu tư công nghệ, tối ưu quy trình sản xuất để tiết kiệm thời gian.

Việc DN giảm giờ làm xuống dưới 48 giờ/tuần xuất phát từ các buổi gặp gỡ giữa CN và ban giám đốc. "Khi tiếp xúc, nhiều CN ý kiến thời gian cuối tuần dành cho con quá ít. Điều này khiến lãnh đạo DN quyết định mỗi tháng cho CN nghỉ thêm 2 ngày thứ bảy. Từ thực tế tại DN, tôi cho rằng việc nghiên cứu, xây dựng lộ trình giảm giờ làm cho khối ngoài nhà nước là khả thi" - ông Đại nói. 

Giúp tái tạo sức lao động

Kết quả từ các cuộc khảo sát đời sống CN của Viện CN và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam), cho thấy thời giờ làm việc kéo dài ảnh hưởng đến cuộc sống của NLĐ như mất cơ hội tìm bạn đời, ít thời gian chăm sóc con cái. Tác động lớn đến nhóm lao động có con nhỏ bởi tiền lương làm thêm chỉ đủ bù đắp các chi phí thuê người đón con, trông con ngoài giờ…

Từ thực trạng trên, thời gian qua, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị về giảm giờ làm việc bình thường cho NLĐ xuống dưới 48 giờ/tuần giúp họ tái tạo sức lao động và bảo vệ sức khỏe.