Ưu tiên bảo đảm quyền lợi cho người lao động
Ngày 8-4, Đoàn Đại biểu (ĐB) Quốc hội TP HCM đã tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).
Tại hội thảo, nhiều ĐB đề xuất nên bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên 144 tháng cho người lao động (NLĐ). Ông Nguyễn Văn Lượng, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân thành phố, phân tích nguyên tắc của BHTN là đóng - hưởng và chia sẻ. Việc chia sẻ chỉ nên một phần chứ không buộc toàn bộ, chẳng hạn như trường hợp NLĐ cả đời không thất nghiệp, khi nghỉ hưu họ không được hưởng bất cứ quyền lợi gì.

Đại biểu Ung Thị Xuân Hương, Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, phát biểu tại hội thảo
Ông Lượng cho rằng dự thảo luật quy định mức đóng BHTN cao nhất bằng 20 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng nhưng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) tối đa chỉ không quá 5 lần mức lương tối thiểu. Những điều này sẽ khiến NLĐ cảm thấy thiệt thòi, không có động lực tham gia BHTN lâu dài.
"Ở Luật BHXH, khi đóng BHXH vượt quá thời gian hưởng hưu tối đa, NLĐ được nhận thêm khoản khuyến khích là trợ cấp hưu trí một lần khi nghỉ hưu. Do vậy, thời gian đóng BHTN trên 144 tháng cũng cần được bảo lưu để khuyến khích NLĐ tham gia BHTN lâu dài" - ông Lượng nói.
Nhiều ĐB cũng góp ý cần bỏ hoặc giãn thời gian đăng ký hưởng BHTN cho NLĐ thay vì quy định trong 3 tháng kể từ ngày nhận quyết định thôi việc như hiện nay, để tránh thiệt thòi quyền lợi NLĐ, nhất là những trường hợp không được chốt, trả sổ BHXH kịp thời do doanh nghiệp nợ BHXH, BHTN. Bên cạnh đó, cần đa dạng hình thức thông báo tìm kiếm việc làm của NLĐ trong thời gian hưởng TCTN.
Theo ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc BHXH TP HCM, có một số ý kiến cho rằng quy định buộc NLĐ đang hưởng TCTN trực tiếp đến Trung tâm Dịch vụ việc làm để thông báo tìm việc hằng tháng là để họ được tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề và tránh trục lợi quỹ BHTN... Nhưng thực chất quy định này cũng không ngăn chặn được việc trục lợi quỹ; NLĐ cảm thấy phiền hà trong việc hưởng chế độ và gây áp lực cho cơ quan thực hiện chính sách trong việc tiếp đón, làm thủ tục.
Do vậy ĐB này đề xuất cho phép NLĐ khai báo việc tìm kiếm việc làm trực tuyến, đồng thời nâng cao năng lực của Trung tâm Giới thiệu việc làm theo hướng mở rộng các phương thức tư vấn, giới thiệu các chính sách BHTN đến NLĐ (trực tuyến, qua điện thoại, email…); tăng cường ứng dụng công nghệ và liên thông cơ sở dữ liệu giữa các đơn vị chức năng để hạn chế tình trạng NLĐ trục lợi quỹ cũng như các bất cập nêu trên.
Vấn đề giải quyết quyền lợi cho NLĐ tại các doanh nghiệp nợ BHTN cũng được các ĐB quan tâm. Một số ĐB đề xuất bổ sung quy định về giải quyết quyền lợi cho NLĐ có tham gia BHTN nhưng bị người sử dụng lao động chiếm dụng tiền đóng. Ngoài ra, khi cho doanh nghiệp chọn phương thức đóng BHTN linh hoạt 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng… thì cần có công cụ kiểm soát để ngăn chặn tình trạng nợ đóng, chậm đóng.
Ngoài ra, các ĐB cũng đề nghị nên có thêm chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng lao động yếu thế như lao động nữ, lao động lớn tuổi, người khuyết tật…; cải thiện chính sách hỗ trợ học nghề đối với NLĐ thất nghiệp, gắn đào tạo nghề với nhu cầu thực tế của thị trường lao động…