Danh hiệu này được Indore giữ vững liên tiếp 8 năm, bao gồm cả năm ngoái. Trước năm 2017, Indore chỉ đứng hạng 25 trong tổng số 471 thị trấn và thành phố ở Ấn Độ trong bảng xếp hạng vệ sinh của chính phủ.
Indore từng là nơi đầy những bãi rác hôi thối, nơi bò, heo và chó hoang bới rác, "xả" thêm chất thải lên đó, khiến ruồi nhặng bu bám mất vệ sinh. Sự lột xác nêu trên là nhờ hàng loạt biện pháp rốt ráo, từ cách thu gom, xử lý rác thải đến đội ngũ khoảng 850 nhân viên quét dọn và hàng ngàn thùng rác nhiều màu sắc được đặt khắp nơi, kể cả trong những con hẻm nhỏ nhất.
Vào sáng sớm, vỉa hè và dải phân cách được rửa sạch bằng nước tái chế. Những chiếc xe rác chạy trên đường với bản nhạc hiệu "Indore đã trở thành số một". Nhạc hiệu vang lên cũng là lúc người dân mang rác ra đổ. Bằng cách sử dụng hệ thống theo dõi GPS, một nhóm công nhân sẽ giám sát lộ trình xe rác để bảo đảm xe chạy đúng tuyến, thu gom rác đầy đủ và không cắt xén công đoạn. Chính quyền địa phương cho biết 100% rác thải hộ gia đình được phân loại theo tiêu chí rác hữu cơ, điện tử, nhựa, phi nhựa, y tế và độc hại.
Rác thải sau đó được chuyển đổi thành nhiên liệu và phân bón, bán lại cho nông dân. Nhiều nhà hàng thậm chí đầu tư hẳn xe ủ phân di động đậu ngay bên ngoài, theo tờ The Guardian.

TP Indore, bang Madhya Pradesh - Ấn Độ tổ chức được đội ngũ dọn dẹp đường phố quy mô lớn. Ảnh: INDIA TODAY
Cô Riya Raghuvanshi, từng sống ở Indore 5 năm, nhận xét: "Nỗ lực từ phía chính quyền đã thành công vì tạo được niềm tự hào ở người dân thành phố. Giải thưởng là một niềm tự hào và cũng là động lực để mọi người giữ gìn danh tiếng cho Indore".
Theo ông Prabhnit Sawhney, chủ một trạm xăng, người dân Indore coi việc giữ gìn vệ sinh là trách nhiệm của mình. Ông đẫn chứng: "Tôi đã chứng kiến ai đó ngăn người khác vứt rác và nhiều tài xế còn dừng xe để nhặt rác trên đường. Những hành động này đã truyền cảm hứng cho mọi người".
Để xây dựng nhận thức mới cho người dân, chính quyền Indore đã triển khai các chiến dịch tuyên truyền mạnh mẽ. Trẻ em phải tuyên thệ giữ thành phố sạch sẽ. Camera giám sát được lắp đặt nhiều nơi, ai bị phát hiện vứt rác sẽ chịu phạt tiền. Song song đó, nhiều cuộc thi về vệ sinh được tổ chức, với sự tham gia hỗ trợ của các nhà lãnh đạo tôn giáo.
Ông Sawhney tin rằng thành công của Indore có thể được nhân rộng ở những nơi khác tại Ấn Độ. "Cần có tinh thần đồng lòng của người dân, sự quyết liệt của chính quyền địa phương và cả những cá nhân năng nổ, chủ động để duy trì động lực. Chỉ khi đó, những thói quen ăn sâu qua nhiều thế hệ mới có thể thay đổi" - ông nhìn nhận.
Bình luận (0)