Hôm 10-4, Tổng thống Donald Trump đã công bố hoãn áp thuế đối ứng trong 90 ngày, đưa mức thuế về 10%, đồng thời Việt Nam và Mỹ thống nhất khởi động đàm phán về thương mại đối ứng. Qua đó, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã có những chiến lược ứng phó về đơn hàng, sản xuất và việc làm của người lao động.
Đẩy mạnh sản xuất, tìm thị trường mới
Việc Mỹ lùi thời gian áp thuế 46% với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam đã tạo điều kiện cho nhiều DN may mặc, da giày xuất khẩu... tăng tốc sản xuất để kịp tiến độ giao hàng.
Tại 2 nhà máy của Công ty TNHH Thái Sơn S.P ở TP Thủ Đức, TP HCM và tỉnh Bình Thuận, hàng ngàn công nhân (CN) đang tăng ca để hoàn tất đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ trong thời gian nước này tạm hoãn 90 ngày áp thế đối ứng. Bà Châu Thị Ngọc Liên, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết DN hợp tác với nhiều thị trường, trong đó 10% - 30% đơn hàng đến từ Mỹ.
Từ khi có thông tin thị trường nhập khẩu thay đổi chính sách thuế, Thái Sơn S.P gặp nhiều khó khăn trong đàm phán đơn hàng mới. "Thuế tăng cao sẽ khiến chi phí đội lên, nếu giữ nguyên giá bán sản phẩm thì DN không những không có lợi nhuận mà còn lỗ. Do đó, ngoài việc tăng cường đàm phán với khách hàng, ban giám đốc công ty còn tìm kiếm thị trường mới để phòng ngừa trường hợp phải ngưng hợp tác với đối tác Mỹ" - bà Liên cho hay.
Những ngày này, CN Công ty CP Hợp tác và Phát triển Savimex (quận 1, TP HCM) cũng tăng ca để chuẩn bị xuất hàng sang Mỹ. Theo ông Nguyễn Ngọc Trung, Giám đốc sản xuất công ty, 60% sản phẩm của DN xuất khẩu sang Mỹ, còn lại là châu Âu và châu Á. Công ty kỳ vọng việc đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ thành công để hàng hóa tiếp tục vào thị trường này. DN đang kêu gọi khách hàng chia sẻ khó khăn, CN tiết kiệm nguyên vật liệu và tìm kiếm thêm thị trường mới.
"Đơn hàng sản xuất của công ty trong tháng 5 rất ít, chỉ bằng 1/3 trước đây. Chúng tôi đang tìm mọi cách tìm kiếm đơn hàng ở các thị trường mới để giữ việc làm cho NLĐ. Đây không chỉ là việc sống còn của DN mà còn là thu nhập của hàng ngàn NLĐ và gia đình, con cái họ nên tất cả phải đồng lòng" - ông Trung bày tỏ.
Trong khi đó, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất May mặc Dony - DN chuyên xuất khẩu áo thun, đồng phục, đồ bảo hộ, cho biết đã chủ động từ chối các đơn hàng có điều khoản DDP (giao tận kho ở Mỹ, người bán chịu mọi chi phí) do lo ngại rủi ro từ việc tăng thuế. Ông lạc quan cho rằng triển vọng thương lượng thành công khá lớn khi Tổng thống Mỹ nhiều lần thể hiện ý muốn đàm phán với Việt Nam.

Các doanh nghiệp may mặc tăng cường sản xuất, bảo đảm tiến độ đơn hàng xuất khẩu. Ảnh: GIANG NAM
Tái cấu trúc, tinh gọn bộ máy sản xuất
Dù thị trường Mỹ chiếm khoảng 20% tổng đơn hàng của Dony nhưng công ty vẫn thích nghi, nhờ nền tảng vận hành linh hoạt đã được chuẩn bị từ sau đại dịch COVID-19.
"Chúng tôi đã tái cấu trúc bộ máy theo hướng tinh gọn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI) vào quản trị, sản xuất, giúp tự động hóa, tăng năng suất và giảm phụ thuộc lao động thủ công. DN cũng mở rộng xuất khẩu sang Trung Đông, Singapore, Nga, Thái Lan và châu Phi" - ông Quang Anh thông tin.
Theo Bộ Công Thương, hơn 50% hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ là các sản phẩm công nghệ cao như điện tử tiêu dùng, smartphone... cùng với dệt may, giày dép, nội thất và nông sản - những mặt hàng chủ lực của Việt Nam. Vì vậy, các biện pháp ứng phó chính sách thuế quan mới của Mỹ, qua đó giữ ổn định việc làm cho NLĐ, đang được khẩn trương triển khai.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho biết ngay sau khi Mỹ công bố mức thuế đối ứng mới, Vitas đã tổ chức nhiều cuộc họp khẩn với DN để bàn phương án ứng phó. Hiện nay, hàng may mặc xuất khẩu vào Mỹ chịu thuế MFN (thuế nhập khẩu ưu đãi) khoảng 18%, cộng thêm 10% thuế bổ sung, nâng tổng mức lên 28%.
Mức thuế nêu trên được dự báo sẽ khiến xuất khẩu dệt may sang Mỹ sụt giảm, từ đó ảnh hưởng đến việc làm của NLĐ. Vitas khuyến nghị các DN cần đàm phán với đối tác để phân bổ lại chi phí, tránh ảnh hưởng quá lớn đến giá bán; đồng thời bình tĩnh chờ kết quả đàm phán giữa cơ quan chức năng hai phía và phối hợp với các nhãn hàng để giảm tác động đến sản xuất.
Ông Cẩm cho rằng DN cần đàm phán đơn hàng mới theo hướng chia sẻ lợi ích và rủi ro trong toàn chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, DN cần đa dạng hóa thị trường, tăng xuất khẩu sang EU, Nhật Bản, Hàn Quốc qua các FTA và khai thác thêm các thị trường mới như Trung Đông, Nam Mỹ để giảm rủi ro. Việc này cũng giúp giữ được việc làm cho NLĐ.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM, không tỏ ra bi quan nhiều trước chính sách thuế mới của Mỹ. Theo ông, mức thuế mới của Mỹ sẽ tạo áp lực để DN tái cơ cấu sản xuất. Nếu Mỹ áp thuế cao, DN trong chuỗi cung ứng phải chia sẻ chi phí này. "Điều đó sẽ khiến DN giảm lợi nhuận và buộc phải nâng cao năng suất, cải thiện tính cạnh tranh" - ông nhận xét.
Thực tế, không chỉ trông chờ đàm phán, nhiều DN đã chủ động mở rộng thị trường, cố gắng tìm kiếm đơn hàng và đối tác mới để giữ việc làm cho NLĐ. Ngoài ra, các DN còn chú trọng tổ chức lại bộ máy sản xuất, áp dụng khoa học - công nghệ để nâng dần tỉ lệ tự động hóa, từ đó giảm dần công việc lao động chân tay.
Đa dạng thị trường xuất khẩu
Theo bà Nguyễn Trúc Vân, Giám đốc Trung tâm Mô phỏng và Dự báo kinh tế, xã hội - Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, DN thành phố cần đa dạng thị trường xuất khẩu, tăng cường hợp tác quốc tế, tận dụng các FTA như EU, ASEAN, RCEP, CPTPP và đẩy mạnh xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới.
Ngoài ra, DN cần tăng cường kiểm tra để phát hiện gian lận xuất xứ, minh bạch chuỗi cung ứng, nhất là với hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ. Các DN cần bình tĩnh, linh hoạt ứng phó, vừa ổn định sản xuất vừa định hướng phát triển bền vững.
Bình luận (0)