Chị Trần Mỹ Hảo (ở trọ tại quận 8, TP HCM) có thời gian dài làm công nhân (CN) tại một cơ sở sản xuất dây thun trên địa bàn. Thế nhưng do tình hình kinh doanh không thuận lợi, ông chủ của chị quyết định đóng cửa xưởng sản xuất vào cuối năm 2024, chị và hơn 10 CN mất đi việc làm.
Điều đáng nói là tất cả CN tại đây khi làm việc đều không ký kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) và không tham gia loại hình bảo hiểm nào. Ngoài khoản tiền công được trả là 200.000 đồng/ngày và cơm trưa, chị không còn bất kỳ trợ cấp hay phúc lợi nào khác. Những hôm không có hàng, chủ thông báo cho CN nghỉ việc không lương.
Do không có HĐLĐ và không tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nên khi xưởng sản xuất đóng cửa, mất đi việc làm, chị không được nhận khoản trợ cấp nào từ công ty, không được hỗ trợ từ chính sách BHTN khiến cuộc sống vốn khó khăn càng thêm chật vật.

Người lao động được tư vấn miễn phí tại ngày hội tư vấn pháp luật do LĐLĐ quận 6, TP HCM tổ chức
Những tháng qua, chị Hảo phải chạy xe ôm và nhận đưa rước học sinh để có thu nhập lo cho gia đình. Chị cho biết: "Tôi vào làm việc tại xưởng khi đã ngoài 40 tuổi. Thời điểm đó rất ít doanh nghiệp (DN) tuyển dụng nên cứ nghĩ có việc làm để có thu nhập là tốt, không nhất thiết phải ký hợp đồng. Tuy nhiên, khi mất việc mà không được sự hỗ trợ nào, tôi mới thấy việc mình đồng ý đi làm mà không giao kết hợp đồng là tự rước lấy thiệt thòi".
Không riêng trường hợp của chị Hảo, thực tế, dù pháp luật lao động hiện nay quy định rất rõ ràng và chặt chẽ về quyền và nghĩa vụ của các bên khi giao kết HĐLĐ, song nhiều DN, cơ sở sản xuất - kinh doanh vẫn "né tránh" việc ký kết HĐLĐ, gây thiệt hại lợi ích cho người lao động (NLĐ).
Theo luật sư Phan Thị Lan (Đoàn Luật sư TP HCM), trong quá trình đồng hành, tư vấn về pháp luật cho NLĐ, bà thường xuyên gặp trường hợp CN khi xin việc làm chỉ quan tâm đến khoản tiền lương được nhận hằng tháng mà không xem trọng việc ký kết HĐLĐ hoặc có ký kết nhưng không đọc kỹ các điều khoản có trong hợp đồng, văn bản thỏa thuận của DN với đại diện NLĐ.
Việc chấp nhận đi làm, DN không ký hợp đồng sẽ khiến họ bị thiệt thòi quyền lợi lâu dài như: không được hưởng chính sách BHXH (ốm đau, thai sản, hưu trí…), BHYT, BHTN trong trường hợp rủi ro mất việc làm. Từ đó, khiến họ mất đi ưu thế trong khi phát sinh các tranh chấp cần khởi kiện ra tòa. Vì vậy, bà Lan nhấn mạnh việc trang bị kiến thức pháp luật là rất cần thiết, trước hết là để NLĐ có thể tự bảo vệ mình.
Bình luận (0)